Trải nghiệm Lenovo Legion Y540: Còn lại gì sau hai năm ra mắt?

Công Minh
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Khi những mẫu laptop mới hiện thời đã buộc phải tăng giá do khan hiếm vật liệu, thì liệu những sản phẩm cũ giá ổn như Y540 có xứng đáng để thế chân?

Dù đã may mắn được sử dụng cơ số sản phẩm laptop gaming trong thời gian qua, nhưng với Lenovo Legion Y540 thì đây mới là lần đầu tiên. Thực lòng mà nói thì đây là cơ hội mình khá là mong chờ; vì bản thân vốn cũng đã đặt chiếc máy này vào tầm ngắm ngay từ khá lâu trước đây rồi. Còn nhớ hồi chưa bén duyên nghề review, lần đầu nhìn thấy Legion Y530 (tiền thân của Y540, gần như tương đồng) ngoài cửa hàng đã để lại cho mình nhiều ấn tượng: Một vỏ bọc thanh lịch tân thời, bao bên ngoài cấu hình mạnh mẽ - tất nhiên là ở thời điểm bấy giờ. 

Từ đó thì cũng đã hai năm trôi qua, và liệu Y540 sẽ còn có thể làm tốt đến đâu ở thời điểm hiện tại? Dù trên tay lúc này đúng là muộn thật, nhưng đây theo mình lại là thời điểm thích hợp để chúng ta bàn về chiếc máy này. Khi những mẫu laptop mới hiện thời đã buộc phải tăng giá do khan hiếm vật liệu, thì liệu những sản phẩm cũ giá ổn như Y540 có xứng đáng để thế chân? 

Thiết kế

Mỗi khi nói về các sản phẩm Legion gần đây, cụ thể là từ phiên bản Y530 trở đi, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua câu chuyện về thiết kế. Khác với không ít sản phẩm gaming cùng tầm với vẻ ngoài khoẻ khoắn, hầm hố; Y540 vẫn trung thành với kiểu thiết kế gọn gàng, thanh lịch với lớp sơn đen cùng dáng vẻ vuông vắn. Đây là một kiểu thiết kế dù không mới, nhưng nó vẫn đáp ứng được yếu cầu về tính đa dụng - vốn đang ngày càng trở nên phổ biến trên laptop gaming hiện thời. 

Nhờ lớp sơn đen cùng dáng vẻ vuông vắn, không có các chi tiết vát hầm hố; Y540 trông gọn gàng và phần nào đó là thanh lịch nữa. Vì vậy nên dù để trên công ty hay mang ra quán cafe; anh em cũng sẽ có được cảm giác chỉn chu, hoà vào đám đông để làm việc hiệu quả nhất. Trước giờ khi test các sản phẩm gaming, không phải lúc nào mình cũng thoải mái khi mang chúng theo tới các địa điểm công cộng. Nhưng khi trải nghiệm Legion, mọi thứ bỗng chốc lại dễ dàng hơn bao giờ hết. 

Cảm giác gaming của máy sẽ chỉ lộ ra thông qua logo Legion phát sáng và thiết kế vòng tròn đồng tâm. Không quá nhiều, nhưng mình nghĩ đó cũng là vừa đủ để đảm bảo tính đa dụng của thiết kế sản phẩm. 

Hầu hết bộ khung đều được làm từ nhựa, không quá ngạc nhiên với một sản phẩm còn ở phân khúc phổ thông. Nhưng về chất lượng thì mình thấy vẫn ổn; khi hầu hết các vị trí trọng yếu như mặt trên, khung phím hay bản lề đều có độ chắc chắn cần thiết. Các thao tác hàng ngày của mình như cầm máy qua lại, gõ phím hay di chuột đều cho cảm giác an tâm. Mà nói về phím thì Lenovo vẫn vậy: Đủ đầy về số lượng, hành trình sâu, độ nảy tốt và.. vẫn đậm chất văn phòng hơn là gaming. 

Với mình, mọi thứ về thiết kế trên Y540 vẫn là đủ ổn để phục vụ nhu cầu trải nghiệm ở thời điểm hiện tại. Nhưng không có nghĩa là máy không còn những điểm có thể làm tốt hơn. Thiết kế vòng tròn đồng tâm khá đẹp, nhưng lại khá dễ xước và hằn sâu nếu không cẩn thận. Hay về khung phím thì cũng chưa thể khiến mình hài lòng về độ chắc chắn so với những sản phẩm mới như Legion 5. 

Màn hình

Về màn hình, nếu không tính diện tích phần cao su chạy quanh thì ba viền của Y540 vẫn có độ mỏng rất ấn tượng. Còn viền dưới thì vừa phải, ít nhất vẫn đủ để hãng đặt được một cụm webcam. Tuy rằng có một vài điểm bất cập ở cụm webcam này (góc đặt xấu, không có cần gạt,..) nhưng ít nhất, có vẫn hơn không trong thời buổi làm việc từ xa này. 

Về chất lượng hiển thị, đây sẽ là màn hình FHD IPS, tần số quét 144Hz cùng bộ thông số màu khá ấn tượng - đặc biệt là về độ sai lệch màu DeltaE khi kết quả cho ra là gần 1.0. Vì vậy nên dù để gaming, làm multimedia hay giải trí cơ bản; Y540 vẫn sẽ cho chúng ta một trải nhiệm đảm bảo. 

Cấu hình, hiệu năng

Về cấu hình, phiên bản mà mình nhận được từ ThinkPro sẽ sở hữu CPU Intel Core i7-9750H 4 nhân 8 luồng, 16GB RAM DDR4 2666MHz kênh đôi, 256GB SSD NVMe đi kèm card đồ hoạ NVIDIA GeForce GTX 1660Ti 6GB - với mình cũng chính là yếu tố đáng chú ý nhất của sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Trong thời buổi lựa chọn về card trong tầm tiền cũng không còn quá nhiều do khan hiếm, liệu 1660Ti sẽ làm tốt đến đâu để chúng ta yên tâm lựa chọn? Hãy cùng xem màn thể hiện của nó để có câu trả lời nhé. 

Nếu xét trong tầm giá 25 triệu Đồng thì ở thời điểm hiện tại, đối thủ của nó thường sẽ là những cái tên quen thuộc như GTX 1650 hay 1650Ti trên nhiều mẫu laptop gaming phổ biến. Hay thậm chí, đó là cả RX 5500M 4GB trên một số sản phẩm đặc biệt như Bravo 15. Và do được đem từ mức giá cao hơn xuống nên không quá ngạc nhiên, GTX 1660Ti lại tỏ ra lấn lướt về hiệu năng. Dù là các game esports hay AAA mới, anh em vẫn sẽ có được trải nghiệm từ ổn đến mượt mà dù để ở Settings cao nhất. 

Tuy nhiên, nếu anh em chịu thêm chút tiền để lên tới tầm giá 27 triệu Đồng, GTX 1660Ti trên Y540 sẽ bắt đầu gặp một chút bất lợi. Lúc này nó có thể chạm mặt những tuỳ chọn tương tự như ở Legion 5, hay thậm chí là cả RTX 2060 như trên chiếc Acer Nitro 5 2020 mà ThinkView từng đánh giá. Chưa xét tới hiệu năng, riêng về mặt công nghệ thì Ray Tracing và DLSS 2.0 đã ghi điểm rồi. 

Nhưng ở kèo so sánh này, ít nhất sản phẩm của chúng ta vẫn còn một chút lợi thế liên quan đến CPU, khi i7-9750H trên Y540 sẽ có TDP 45W thay vì giới hạn lại còn 35W như Acer đã làm với i5-10300H. Trong quá trình chạy thì mình thấy xung của i7-9750H cũng được giữ rất tốt, vậy nên về hiệu năng khi chạy nặng thì anh em vẫn có thể yên tâm. 

Và có vẻ cũng vì được ăn điện đầy đủ nên trong quá trình sử dụng, nhiệt độ của Y540 là khá nóng. Một điều cũng không quá bất ngờ khi tản nhiệt của máy gần như không thay đổi so với thế hệ tiền nhiệm Y530. CPU vẫn vậy, dao động từ 85-93 độ C khi trải nghiệm game, nhưng GPU thì lại khá hơn một chút khi cũng hiếm khi trên 80. 

Nhìn chung, hiệu năng và cấu hình của Y540 với mình vẫn khá ổn khi được hạ xuống mức giá 25 triệu Đồng, với một GPU mạnh mẽ và một CPU “già mà gân” trong năm 2021 này. Nhưng khách quan mà nói thì nếu người dùng sẵn sàng mở rộng ngân quỹ một chút nữa, mọi thứ hứa hẹn sẽ không dễ dàng dành cho sản phẩm của chúng ta. Về GPU thì đó có thể là những đối thủ ngang tầm, thậm chí là hơn nếu anh em toàn tâm lựa chọn RTX. Còn CPU thì cũng có lúc sẽ là các tuỳ chọn với nhiều nhân thực hơn chẳng hạn.

Cổng kết nối 

Vể khoản này, Lenovo cũng hỗ trợ là khá đầy đủ cho trải nghiệm của chúng ta: 1 cổng USB-C 3.1 Gen 1 (hỗ trợ xuất hình DP 1.2), 3 cổng USB-A 3.1 Gen 1, cổng LAN RJ-45, HDMI 2.0 và jack tai nghe 3.5 combo. Ngoại trừ sự thiếu vắng của cổng Power Delivery đang khá hữu dụng hiện nay thì nhìn chung, ngần đó vẫn là đủ để mình có thể gaming, làm việc hay trình chiếu thuận tiện rồi. 

Hầu hết kết nối cần nhiêu dây như sạc, HDMI,.. sẽ được Y540 đẩy ra phần gờ phía sau. Môt phương pháp thường thấy để tránh vướng víu khi sử dụng. 

Pin, khả năng nâng cấp

Cuối cùng, Y540 sẽ sở hữu viên pin 57Wh, cho thời gian sử dụng với chế độ Balanced và độ sáng 50% vào khoảng 3.5 tiếng. Và đi kèm với cấu hình này sẽ là một bộ nguồn 230W khá to, ảnh hưởng đáng kể đến độ cơ động vốn đã chưa được nhiều của cỗ máy 2,3kg này. Về khả năng nâng cấp thì anh em có thể gắn thêm HDD với một khe trống và nâng thêm RAM tối đa 64GB nếu cần. 

Kết luận 

Nhìn chung thì với những hạn chế không thể phủ nhận, việc phải cạnh tranh với các sản phẩm tân thời sẽ là không dễ với Y540. Nhưng ít nhất sau hai năm, sản phẩm vẫn còn giữ được sự “tròn vai” ở những điểm mạnh đặc trưng: Hiệu năng, thiết kế, chất lượng hiển thị và hơn thế nữa. 

Vậy nên nếu phải lựa chọn một sản phẩm tối ưu về nhiều mặt, Lenovo Legion Y540 vẫn sẽ thích hợp. Đặc biệt nếu anh em đã đặt sẵn một mức trần về ngân sách cho laptop gaming, nhưng vẫn muốn có một mẫu máy dùng được luôn, thậm chí là đồng hành về lâu dài. 


Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập