Trải nghiệm màn hình E-DRA EGMKF2ER: Màn "chào sân" tiệm cận hoàn hảo ở phân khúc cao cấp

Công Minh
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Chỉ thiếu chút nữa thôi là chúng ta đã có một cái tên "hoàn hảo" trong tầm giá - ít nhất là nếu xét trên nhu cầu của phần đông người dùng mà màn hình này hướng tới.

Mặc dù vẫn đang phát triển tốt ở thị trường gaming gear giá rẻ - tầm trung, nhưng dường như chỉ vậy thôi là không đủ để khiến E-DRA cảm thấy thoả mãn. Và đó hẳn cũng là một phần lý do khiến hãng ra mắt màn hình E-DRA EGMKF2ER, màn chào sân có thể xem là khá tham vọng tới phân khúc sản cao cấp. Khi biết được những thông tin đầu tiên về sản phẩm này, bản thân mình nhìn chung cũng hào hứng. Căn bản vì cũng lâu rồi không thấy một sản phẩm màn hình desktop mang thương hiệu Việt, mà với tầm giá cao thế này thì sẽ có khá nhiều điều để bàn tới. 

Và sau một khoảng thời gian trải nghiệm thì thực sự, sản phẩm cũng để lại trong mình nhiều điều đáng nhớ. Thậm chí, chỉ thiếu chút nữa thôi là chúng ta đã có một cái tên có thể nói là "hoàn hảo" trong tầm giá - ít nhất là nếu xét trên nhu cầu của phần đông người dùng mà màn hình này hướng tới. Vậy tất cả những điều trên thể hiện ra sao trên E-DRA EGMKF2ER? Hãy cùng mình đi vào bài đánh giá chi tiết để tìm câu trả lời nhé. 

Thiết kế đơn giản nhưng đa dụng

Không có những đường xiên cắt hầm hố, cũng chẳng có LED RGB chạy khắp nơi như nhiều hãng hay làm, chỉ là một sự đơn giản được phủ từ đầu đến chân mẫu màn này. So với các sản phẩm cùng tầm giá 10 triệu Đồng mà mình từng có cơ hội trải nghiệm, có lẽ đây là chiếc màn trông… bình thường nhất. Nhưng cái vẻ bình thường của E-DRA EGMKF2ER (xin được gọi là E-DRA EGM cho gọn) lại không khiến mình cảm thấy nhàm chán, mà trái lại là vẫn hài lòng.  

Đầu tiên thì với vẻ ngoài này, mình thấy E-DRA có thể phù hợp với khá nhiều xu hướng setup góc ngồi: Tối giản hẳn cũng được, mà chất chơi một chút thì cũng không hề tệ. Nhìn từ mặt tiền thì có lẽ, sẽ khó có ai nghĩ rằng đây là một sản phẩm gaming: Một màu đen dễ hoà hợp với tổng thể, độ dày vừa đủ tinh tế, phần chân đề vuông vắn và đặc biệt là phần màn 32-inch viền mỏng sẽ thu hút mọi sự chú ý. Với những góc làm việc đơn giản thì theo mình, sự tập trung sẽ là thứ mà chúng ta hướng đến mỗi khi ngồi vào. Và đó cũng là điều E-DRA EGM có thể đem lại cho mình trong quá trình sử dụng hàng ngày. 

Nhưng nếu cần để vào một góc máy hầm hố một chút, E-DRA EGM vẫn có những yếu tố đậm chất game để không bị “lạc trôi". Ví dụ như phần chân đề chữ V vát hơi nhọn này, hay dài LED vuông chạy phía sau có thể chỉnh màu trông cũng ổn. Theo hướng dẫn thì nó còn có thể điều chỉnh được màu và chế độ, nên nếu anh em muốn cá nhân hoá một chút thì cũng khá thoải mái. 

Về chất liệu, E-DRA EGM được tạo nên nhờ sự kết hợp giữa nhựa ở khung viền màn và kim loại ở chân đế - không có gì quá bất ngờ. Cũng nhờ vậy nên chiếc màn của chúng ta có thể cho cảm giác tương đối chắc chắn khi sử dụng, nhưng chỉ là tương đối mà thôi. Lý do tại sao thì mình sẽ chia sẻ thêm ở phần sau, khi chúng ta đi sâu hơn về trải nghiệm thực tế với sản phẩm này. 

Nhìn chung thì với diện mạo có phần trung tính, E-DRA EGM cũng không cho mình quá nhiều đất để bàn về khoản ngoại hình. Nhưng sau lớp vỏ bọc tưởng chừng bình thường kia lại là rất nhiều điều thú vị: Chất lượng, trải nghiệm sử dụng, những điều hay ho và cả chưa được hay ho lắm.. đủ cả.

Chất lượng hiển thị xuất sắc

Về chất lượng hiển thị, E-DRA EGM đã đem tới cho mình nhiều sự thích thú, phần lớn là tới từ độ phủ màu ấn tượng mà nó đem lại. Khi sử dụng chế độ tối đa dải màu RGB (RGB: Full), mình có đo thử bằng công cụ SpyderX Elite thì kết quả cho ra là rất đáng nể: 100% sRGB, 83% AdobeRGB, 89% DCI-P3 và độ lệch màu DeltaE thậm chí chỉ là 0,6. Đây đều là những con số nhìn chung là đáng mơ ước, đủ để tận dụng khi làm các tác vụ đồ hoạ 2D, 3D từ mức độ bán chuyên trở lên.

Ngoài ra, E-DRA EGM cũng được trang bị công nghệ DisplayHDR 400, giúp tăng cường độ rực rỡ của gam màu cũng như độ tương phản hiển thị. Đây sẽ là tính năng hữu ích khi anh em có nhu cầu giải trí chất lượng cao với sản phẩm như chơi game, xem phím,.. giúp hình ảnh hiện ra trước mắt được chi tiết và sống động. 

Kết hợp với thông số kỹ thuật cũng sừng sỏ không kém như độ phân giải QHD (2560 x 1440), tấm nền IPS, tần số quét 144Hz hay công nghệ chống xé hình FreeSync; E-DRA EGM nhìn chung sẽ có tính đa dụng là rất cao. So ra thị trường thì đây không phải điều mà sản phẩm gaming cùng tầm nào cũng làm được, chủ yếu là do phần lớn chúng vẫn tin dùng tấm nền VA (Vertical Alignment) - vốn có chất lượng màu sắc được đánh giá là ở giữa TN và IPS. 

Bên cạnh khả năng hiển thị màu sắc mặc định, E-DRA EGM cũng cho phép người dùng tinh chỉnh thêm thông qua một số preset. Các preset này hoặc dựa trên các dòng game mà anh em hay chơi (FPS, RTS, v.v.); hoăc là tối ưu để người dùng có được trải nghiệm xem phim, đọc sách tốt hơn. Mình thì không quan tâm khoản này vì khả năng hiển thị thuần của màn cũng đã đủ để thoả mãn, nhưng anh em cũng có thể thử sử dụng nếu thấy thực sự cần thiết. 

Trải nghiệm thị giác thoáng đãng

Ngoài khoản thông số, thiết kế viền mỏng gần như không chi tiết thừa cũng là một điểm đáng chú ý, Ba viền trên và hai bên có độ mỏng ổn, cùng viền dưới dày hơn một chút những vẫn đảm bảo độ cân đối. Kết hợp với kích thước 32-inch hiếm thấy trong tầm giá 10 triệu, chúng ta sẽ có được một trải nghiệm khoáng đạt, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng. Với anh em làm design thì đó sẽ là khả năng hiển thị nội dung dồi dào. Còn với game thủ như mình thì đây là điều kiện lý tưởng để trải nghiệm các tựa game AAA, tận hưởng nền đồ hoạ tân tiến của chúng trên không gian rộng rãi. 

Chưa kể với QHD 144Hz thì bên cạnh PC, E-DRA EGM cũng sẽ thích hợp để dùng kèm với console. Đặc biệt là những sản phẩm next-gen như chiếc Xbox Series X mà ThinkView đang sở hữu, với khả năng trải nghiệm game ở tần số quét cao hơn đáng kể so với thế hệ cũ. Dù sao thì ở đằng sau máy chúng ta cũng có tới 2 cổng HDMI 1.4, 1 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng DisplayPort 1.2, vậy nên tại sao lại không tận dụng tối đa nhỉ? 

Esports thì mình cũng có thử trải nghiệm trên E-DRA EGM, mọi thứ rất mượt nhờ tần số quét cao. Nhưng kích thước 32-inch lại khiến mắt mình phải hoạt động nhiều hơn bình thường mỗi khi cần nhìn mini-map, trang bị, v.v.; lâu dài sẽ gây mỏi và mất tập trung. 

Thiếu chút nữa là hoàn hảo

Nhìn chung, với sự đột phá chất lượng trong phân khúc, E-DRA EGM tưởng chừng đã có thể trở thành màn hình gaming “hoàn hảo” để bất cứ ai cũng có thể yên tâm trải nghiệm. Nhưng hơi tiếc là nhân vô thập toàn, và sản phẩm của chúng ta cũng vậy - với một vài điểm nhỏ cần cải thiện để đem lại cảm giác sử dụng là yên tâm hơn. 

Đầu tiên, việc lựa chọn kích thước 32-inch đúng là có thể cung cấp một trải nghiệm thị giác rộng rãi và thoáng đãng, nhưng điều này cũng tạo áp lực lớn tới phần giá đỡ - với chất lượng theo mình vẫn chưa đủ tốt. Trong quá trình sử dụng thì do khả năng chống đỡ chưa ổn, nhiều lúc anh em sẽ thấy phần màn có hiện tượng rung lắc. Chẳng hạn như khi nhập liệu mạnh tay một chút, hay khi chỉnh các thông số bằng hệ thống nút bấm phía sau. Để khắc phục điều này thì theo mình, E-DRA có thể cân nhắc ra mắt một phiên bản 27-inch của sản phẩm: Vừa để phù hợp hơn với chất lượng giá đỡ, lại cho thêm người dùng lựa chọn về kích thước / mức giá để cân nhắc trên thị trường. 

Ngoài ra thì về cổng kết nối, sẽ tuyệt vời hơn nếu E-DRA EGM có thêm kết nối Type-C, qua đó mở rộng hơn khả năng tận dụng sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày. Khi đo được dải màu chất lượng trên chiếc màn này, mình đã rất hứng thú với việc có thể tận dụng nó để làm việc cùng chiếc MacBook cá nhân. Nhưng việc không có cổng C đã khiến viễn cảnh đó bị cản trở đáng kể. 

Suy cho cùng, E-DRA EGM cũng là một chiếc màn hình gaming, nên việc không có kết nối C cũng không thể coi là một điểm trừ lớn. Nhưng nếu đã sở hữu một chất lượng hiển thị đáng nể đến vậy, thì đó sẽ là một chi tiết có thể giúp nâng tầm sản phẩm cao hơn nữa.

Kết luận

Về cơ bản, đó là những chia sẻ về trải nghiệm cá nhân với E-DRA EGM - màn chào sân ấn tượng trên mặt trận màn hình gaming tới từ một thương hiệu Việt. Có thể sản phẩm của chúng ta không có một vẻ ngoài hào nhoáng, nhưng riêng việc có thể đảm bảo chất lượng hiển thị cũng đã là điều đáng quý rồi. Điều này càng trở nên quan trọng khi E-DRA quyết định ra mắt ở tầm giá hơn 10 triệu Đồng - nơi vốn có không ít đối thủ sừng sỏ từ các thương hiệu lớn. 

Tuy vẫn còn vài điểm cần chỉnh sửa để tối ưu hoá trải nghiệm sử dụng, nhưng đó nên được xem là tiền đề để E-DRA cho ra những sản phẩm toàn diện hơn nữa. Kết hợp với nền tảng gaming gear giá rẻ vốn vẫn đang phát triển của hãng, giấc mơ về một hệ sinh thái gaming tối ưu cho người Việt sẽ không còn quá xa vời? 

Thảo luận (1)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập