Trên tay ASUS ROG Strix G17 2021: Không chỉ là Ryzen 5000

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Sự xuất hiện của "bộ đôi song sát" Cezanne và Ampere đúng là rất đáng chú ý. Nhưng liệu đó có phải là thứ duy nhất đáng chú ý trên ROG Strix G17 năm nay?

Vừa chào sân ấn tượng tại CES 2021, vừa sở hữu những điểm số ban đầu đáng nể,... Sức nóng của Ryzen 5000 và RTX 3000 Mobile vẫn đang từng ngày lan toả khắp cộng đồng. Và khi cuộc chơi thế hệ mới bắt đầu, những thương hiệu lớn như ASUS cũng không thể đứng ngoài.  Và kết quả thì chính là chiếc ASUS ROG Strix G17 2021 đang có ở đây - một sự kết hợp Xanh - Đỏ vẫn đang rất ổn. 

Nhưng ngoài cấu hình ra, liệu chiếc máy này còn điểm gì hấp dẫn? Cùng nhau trả lời câu hỏi đó thông qua bài trên tay này nhé. 

Mặc dù Cezanne và Ampere đúng là hai ngôi sao lớn, nhưng không vì vậy mà ta nên bỏ qua những điểm thú vị khác trên G17 2021. Đặc biệt khi năm nay, ASUS đã giúp bộ vỏ đã quá quen thuộc trở nên phần nào hấp dẫn hơn. Nhìn lướt qua, máy vẫn mang nhiều đặc trưng cũ (Thân hình vuông vắn, bản lề nhẫn, v.v...), nhưng sự khác biệt sẽ dần hiện ra nếu đi sâu hơn.

Ví dụ như mặt A của G17, nay đã được phủ matte thay vì phay xước như các dòng Strix cũ. Thay đổi này vừa khiến máy trông hiện đại, vừa cho cảm giác tiếp xúc mịn mượt hơn. Lớp matte Xám này cũng khiến mình liên tưởng tới các sản phẩm Zephyrus: Tối giản thật, nhưng vậy là quá đủ. Về chất liệu, bề mặt này sẽ là kim loại nhôm; cứng cáp và gần như không bị flex khi mình thử tác dụng lực. 

Trên mặt A cũng sẽ có một mảng hoạ tiết làm sần, và nhìn kỹ thì chúng được tạo nên bởi rất nhiều chữ ROG nhỏ. Một kiểu cách điệu mà mình thấy khá thú vị, tinh tế mà đỡ phô trương hơn so với phay xước. 

Bản lề của máy vẫn là dạng nhẫn, khá quen thuộc. Nhưng mình lại chú ý hơn tới phần đuôi ngay dưới, với hễ thống lỗ cùng chữ ROG hầm hồ bến cạnh. Khi gập máy vào, chúng ta sẽ có một tam giác họa tiết lớn kết hợp giữa hai khu vực, tạo thành điểm nhấn khá thú vị cho bề mặt sản phẩm.  

Về màn hình của G17, đây có lẽ là điểm mà mình thích nhất trên toàn bộ máy. Viền cả bốn bên đã mỏng đi trông thấy, ngay cả phần viền dưới vốn thường dày đến khó chịu. Nhờ vậy mà trải nghiệm 17.3-inch trên máy được rộng rãi hết mức, làm việc hay giải trí đều thoả mãn. Ngoài ra, tần số quét của nó cũng lên tới 300Hz, giúp chuyển động hiện ra đạt độ mượt rất cao.

Như thường lệ, máy vẫn sẽ thiếu đi cụm webcam. Với thời điểm video call vẫn cần thiết như lúc này thì đây lại là điểm hơi đáng tiếc. 

G17 vẫn sẽ có bàn phím full-size tương tự năm ngoái ở nhiều mặt, có chăng giờ phím mũi tên được làm to hơn một chút. Điểm khác biệt lớn nhất là về phần LED, khi anh em giờ sẽ có LED RGB từng phím thay vì chỉ 4 vùng. Bên trên phím chữ sẽ là cụm phím chức năng; giúp chúng ta có thể tăng giảm âm lượng, tắt bật micro hay chỉnh quạt gió nhanh chóng. 

Touchpad của G17 năm nay có xu hướng to hơn về bề ngang, lớn hơn trông thấy so với trên bộ khung Strix cũ. Không có hai phím cứng, nhưng trải nghiệm vuốt chạm phủ kính đã bù lại đáng kể. Đồng thời, do đã có phím số vật lý, tính năng phím số ảo trên touchpad cũng đã được lược bỏ. 

Về cấu hình thì như mình đã nói, Cezanne và Ampere chính là ngôi sao trên G17. Chiếc máy mình đang có ở đây được trang bị APU AMD Ryzen 7 5800H 8 nhân 16 luồng, 16GB RAM DDR4 kênh kép, 1TB SSD NVMe card đồ hoạ NVIDIA RTX 3070 8GB GDDR6. Đây cũng là cột mốc quan trọng, đánh dấu lần đầu APU AMD xuất hiện ở một chiếc máy ROG Strix. Liệu sự kết hợp mới có thể ấn tượng ra sao? Mình sẽ có một bài viết riêng để đánh giá trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh phần cứng nổi trội, Strix G17 2021 cũng được trang bị thêm một số công nghệ mới nhằm tận dụng triệt để CPU / GPU trong một số trường hợp nhất định. Mình cũng sẽ thử nghiệm và đề cập sâu hơn về chúng trong các bài viết sau.  

Cổng kết nối là linh hồn của bất kỳ chiếc máy gaming nào, và đây cũng là điều G17 khiến mình hài lòng. Với 3 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng USB-C 3.2 Gen 2 hỗ trợ xuất hình, cổng HDMI 2.0, cổng LAN RJ-45, cổng sạc và jack tai nghe 3.5 combo; việc kết nối gear hay ổ cứng của mình khá là thoải mái. Các cổng hầu hết cũng được đặt ra sau, cách xử lý khá quen thuộc của Strix để tránh vướng víu. 

Cuối cùng về phần đáy, điểm mình thích nhất nằm ở hệ thống đế cao su - nay đã to và nhiều hơn về số lượng so với các sản phẩm trước. Điều này giúp máy có thể bám dính hơn, tạo cảm giác chắc chắn cho người dùng. Hai góc dưới cũng là nơi đặt LED đáy của G17, không còn làm thành một dải dài hình chữ U như những phiên bản Strix cũ. 

Về cơ bản, đó là những gì chúng ta có thể thấy sau khi trên tay nhanh ROG Strix G17 2021 - một trong những sản phẩm đầu tiên có combo Cezanne - Ampere. Mặc dù cấu hình vẫn là tâm điểm, nhưng có vẻ ASUS cũng đã chú tâm vào nhiều điểm khác để giúp sản phẩm trở nên tốt hơn, xứng tầm với phần cứng thế hệ mới. 

Nhưng kết hợp lại, liệu tất cả có khiến sản phẩm của chúng ta trở nên chất lượng? Hãy đón xem bài đánh giá chi tiết G17 2021 sắp tới để biết câu trả lời nhé. 

Dự kiến, mẫu máy này cũng sẽ sớm được ThinkPro đưa về với mức giá hấp dẫn. Anh em nếu hứng thú có thể tham khảo tại link này nhé. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập