Trên tay ThinkPad X1 Nano: Không chỉ là "tiểu X1 Carbon"!

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Đơn giản vì nếu chỉ là một chiếc X1 Carbon thu nhỏ lại, X1 Nano đã chẳng thể đem đến cho mình hàng loạt những yếu tố mới mẻ như màn hình 16:10, Intel Evo và còn nhiều nữa

ThinkPad X1 Nano mình mượn ở cửa hàng ThinkPro vì sản phẩm này không được cung cấp chính hãng nên anh em có nhu cầu tham khảo thêm giá bán tốt nhất cho sản phẩm có thể ấn vào đây hoặc ảnh phía dưới nhé!

Trở lại với sản phẩm, nếu chỉ nhìn lướt qua ThinkPad X1 Nano, có lẽ chúng ta sẽ dễ để nhầm nó với người anh em nổi tiếng X1 Carbon. Thậm chí cho rằng đây là "Tiểu X1 Carbon" cũng không sai, khi gần như mọi yếu tố về ngoại quan, chất liệu,... đều tuân thủ đúng cái "DNA ThinkPad" vốn có từ rất lâu. Chỉ là bây giờ, trông nó có vẻ nhỏ hơn - và điều này thì cũng không còn là mới ngay cả với dòng máy "doanh nhân cao cấp" này.

Nhưng để tạo ra sự nhỏ gọn trên X1 Nano, lần này mình nghĩ Lenovo cũng đã phải bỏ ra không ít công sức. Tinh chỉnh từng linh kiện, thu gọn từng chút một, thêm cả những công nghệ mới đang thịnh hành,... và mình đang có trên tay một chiếc ThinkPad làm được nhiều hơn những gì bản thân hình dung ban đầu - những thứ mà nếu chỉ là "tiểu X1 Carbon" thì sẽ không thể đem lại. 

Thiết kế: Nhỏ nhẹ, chắc chắn, thoả mãn khi mang vác!

Về thiết kế thì đúng như tên gọi, “Nano” – hay sự nhỏ gọn – sẽ là yếu tố đáng chú ý nhất trên chiếc X1 mới ra này. Mặc dù không phải lần đầu trên tay một sản phẩm với cùng ưu điểm, nhưng máy vẫn khiến mình thích thú từ cái nhìn đầu tiên. Cảm giác như không phải laptop, thứ mình cầm đang cầm trên tay hay bỏ vào cặp chỉ là một quyển vở hơi dày phủ sơn cao su vậy. Nhờ tinh giản được cả bề dài lẫn bề rộng, đi kèm trọng lượng dưới 1kg (939g với phiên bản mình đang có), đây có lẽ là chiếc ThinkPad cho trải nghiệm sử dụng một tay, mang vác tốt nhất - hơn cả những chiếc X1 Carbon mới vốn cũng đã khá nhẹ. 

Tính đến thời điểm bài viết lên sóng; X1 Nano vẫn đang là mẫu máy có kích thước tổng thể gọn gàng nhất nhà Lenovo (nếu không tính chiếc X1 Fold). Và điều này có được chủ yếu nhờ vào nhiều tinh chỉnh phần cứng từ lớn đến nhỏ,  mình sẽ đề cập phía sau.

Về độ mỏng, X1 Nano nếu xét cụ thể thì chưa thuộc hàng nhất (1,49mm), nhưng trải nghiệm chung mà mình có được vẫn đủ để thoả mãn: Cầm nắm vẫn dễ dàng, mang theo mình vẫn tiết kiệm diện tích, v.v. Mà suy cho cùng, duy trì độ dày này cũng sẽ tốt cho vấn đề tản nhiệt hay sắp xếp linh kiện. Đánh đổi sâu quá để lấy ngoại hình thì cũng không hay chút nào.

Còn lại về ngoại quan, X1 Nano vẫn sẽ mang một “DNA” rất riêng – thứ có thể khiến chúng ta liên tưởng đến không ít những chiếc ThinkPad khác cùng hoặc lệch phân khúc. Mình thì sẽ muốn gọi vui nó là một chiếc X1 Carbon Gen 8 thu nhỏ, do từ dáng vẻ, cách sắp xếp linh kiện, logo, lớp phủ… gần như không có khác biệt. Có chăng chúng ta sẽ nhận ra X1 Nano nhờ phần tên Lenovo được đẩy ra mặt A (Trước ở viền dưới màn hình), và chiếc tem Intel Evo đặc trưng.

Trải nghiệm cầm nắm trên X1 Nano vẫn khiến mình hài lòng, nhờ lớp nhôm – magie mỏng nhưng chắc cùng lớp phủ cao su mềm mại. Nhưng cũng như mọi khi, hạn chế của nó sẽ là việc bám dấu vân tay, và lau chùi cũng sẽ là công việc cần làm thường xuyên nếu anh em muốn máy sạch đẹp. Tương tự những mẫu X1 Carbon đời mới, X1 Nano cũng sẽ có một phiên bản được phủ fiber - có thể cũng chính là bản cấu hình cao nhất. Lớp fiber này thì sẽ đẹp và khó nhìn thấy vân hơn. 

Bản lề của X1 cho cảm giác gập mở đầm; nhưng khi mở một tay khi về cuối hơi cứng, khiến mặt C bị kênh lên nhẹ. Khả năng giữ màn hình của nó cũng là khá tốt, với sự chắc chắn thể hiện ở đa số góc mở thường dùng trong công việc. X1 Nano cũng hỗ trợ mở 180 độ, giúp chúng ta có thể dễ dàng chia sẻ thông tin trên màn hình cho người ngồi chéo / đối diện khi cần.

Màn hình: Gọn đi một chút, nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm

Về màn hình, tỉ lệ 16:10 sẽ là điểm đáng giá trên X1 Nano. Nhờ khả năng tối ưu hiển thị thông tin theo chiều dọc; đây sẽ là điểm cộng với những người làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thường xuyên phải đọc, viết hay tra cứu kiến thức. Kết hợp cùng lớp chống chói đặc trưng, anh em sẽ có thể yên tâm làm việc cùng máy ở trong phòng, ngoài trời,… mà không lo vấn đề loá mắt.

Về trải nghiệm thị giác ban đầu; ấn tượng lớn nhất mà X1 Nano để lại với mình là độ sáng cao – như kết quả đo thử là 428 nits. Với việc văn phòng ban ngày không bật nhiều đèn, mà ra cafe lại khá là sáng do có nắng; độ sáng tốt giúp mình có thể dễ dàng xoay sở để tiện lợi hơn khi làm việc.

Độ tương phản, dải màu như đã kiểm tra cũng ở mức ấn tượng; nhưng thực tế chúng giúp ích ra sao thì mình sẽ cần sử dụng đủ lâu để cảm nhận chính xác.

Một chút gợn với màn hình của X1 Nano có lẽ sẽ nằm ở kích thước chỉ 13-inch, nhỏ hơn một chút nếu so với dòng X1 Carbon mỏng nhẹ phổ biến hơn. Nhưng cũng chính việc thu nhỏ kích thước cũng đã giúp máy có được thân hình nhỏ gọn, như mình đã nói ở trên.

Phía viền trên sẽ là cụm webcam với cần gạt ThinkShutter – một yếu tố đáng nhắc tới với người dùng ở thời điểm hiện tại. Vừa đáp ứng nhu cầu làm việc online thiết yếu; lại vừa đảm bảo an toàn hình ảnh dành cho khách hàng đặc biệt. Cảm biến khuôn mặt Windows Hello cũng sẽ được trang bị, kết hợp với cảm biến vân tay phía dưới sẽ đảm bảo an toàn thêm cho thiết bị.

Cụm bàn phím: Trước lạ sau quen, và vẫn rất tốt

Bàn phím và touchpad của X1 Nano cơ bản vẫn khá giống các máy X1 Carbon, do chúng có cách sắp xếp và form dáng là tương đồng trên mặt C. Khác biệt rõ nhất mà mình nhìn được bằng mắt thường sẽ là kích cỡ của vài phím như PrtSc, Ctrl phải, Backspace hay Enter – vốn đã bị Lenovo cắt giảm để vừa với layout nhỏ. Tuy nhiên khi thử gõ, mình thấy chúng cũng không ảnh hưởng đến sự chính xác. Có chăng anh em nào quen dùng phím PrtSc đặc trưng thì mới đầu sẽ dễ bấm nhầm.

Ngoài ra, hành trình phím của X1 Nano sẽ là yếu tố kén người dùng, do cũng được điều chỉnh lại để phù hợp với độ mỏng. Vậy nên khi chuyển từ chiếc X1 Carbon Gen 6 qua, mình đã thấy hơi sượng tay do độ sâu phím giảm (1,3mm so với 1,5mm trên X1 Carbon Gen 6). Nhưng cũng có người mới gõ thử đã thấy ổn ngay, do chuyển qua từ những mẫu máy có phím mỏng hơn (Yoga Slim 7, MacBook Pro 13 2017, v.v..). Vậy nên riêng về bàn phím, mình nghĩ anh em nên tự tay trải nghiệm để có được cảm nhận riêng, qua đó đưa ra quyết định chọn mua chuẩn xác nhất.

Tuy nhiên nếu kiên nhẫn dành một chút thời gian làm quen, anh em sẽ có thể thích nghi cũng như phát hiện được thêm vài điểm tích cực thú vị từ nó. Ví dụ như là độ nảy tốt, sẽ hữu ích nhất với anh em có tốc độ gõ cao. Cùng với đó, những giá trị lâu nay làm nên chất lượng bàn phím ThinkPad vẫn còn đó, và khi đã quen rồi thì mình lại có được cảm giác thích thú như thường lệ.

Bên trên khu vực này sẽ là hai loa treble, được hỗ trợ bởi hai loa trầm ở dưới. Thay vì được đặt ở hai bên cạnh như trước, loa trầm giờ sẽ đặt ở cạnh trước, gần với người dùng. 

Cấu hình: Phần cứng mặc định mạnh mẽ, chuẩn Evo xuất hiện lần đầu

Về cấu hình, phiên bản X1 Nano mình đang có sẽ sử dụng CPU Intel Core i5-1130G7 4 nhân 8 luồng, 16GB RAM LPDDR4x, 512GB SSD NVMe cùng nhân đồ hoạ tích hợp Intel Iris Xe Graphics. Nếu có nhu cầu công việc đặc biệt, anh em cũng có thể tìm mua phiên bản Core i7-1180G7 để đảm bảo hiệu suất. Nhưng với cấu hình hiện có, mình thấy rằng nó cũng khá đầy đủ cho các tác vụ thường thấy ở giới văn phòng, doanh nhân (nhập liệu, tra cứu thông tin, sử dụng các công cụ văn phòng, làm đồ hoạ tầm trung, v.v..), cũng như đảm bảo tốt khả năng đa nhiệm để công việc diễn ra trôi chảy. 

Bên cạnh cấu hình, tiêu chuẩn Evo cũng là một yếu tố đáng chú ý trên X1 Nano – cũng là lần đầu xuất hiện trên ThinkPad. Việc được dán tem Evo cũng là minh chứng cho giá trị sản phẩm, nhờ đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe từ Intel để đem đến giá trị tối đa cho người dùng. Intel Evo trên lý thuyết sẽ có tác động tới mọi mặt của X1 Nano: Trải nghiệm tốc độ, hiệu suất và nhiều hơn thế. Mình sẽ cố gắng thử nghiệm nhiều nhất có thể để đánh giá chính xác về Evo trên máy. 

Nếu là người dùng đề cao vấn đề bảo mật, Intel v-Pro trên X1 Nano sẽ là giải pháp tốt. Với v-Pro, máy tính của bạn sẽ được bảo vệ trực tiếp bằng phần cứng tích hợp; qua đó giúp dữ liệu quan trọng được an toàn, đồng thời phát hiện luôn cả những mối đe doạ tiềm ẩn.

Cổng kết nối: Tinh giản tối đa

Về cổng kết nối, đây lại là một điểm hẳn sẽ khiến nhiều anh em phải suy nghĩ, khi toàn bộ khả năng kết nối ngoại vi của X1 Nano sẽ dồn cả vào hai cổng Thunderbolt 4 và một jack tai nghe 3.5 combo ở cạnh trái. Các cổng kết nối cơ bản như HDMI, USB-A hay khe thẻ SD/MicroSD có mặt từ lâu trên ThinkPad X1 đều sẽ không có mặt; có thể là để giúp máy tối ưu hoá độ mỏng. 

Đúng là Thunderbolt 4 trên lý thuyết cũng có những ưu điểm riêng, nhưng không phải tất cả người dùng / thiết bị nào hiện tại cũng có thể tận dụng sức mạnh của nó ở thời điểm hiện tại. Vậy nên mình nghĩ hệ thống cổng này sẽ phù hợp hơn với tương lai gần, còn lúc này thì anh em vẫn nên mua kèm hub chuyển để mở rộng kết nối nếu muốn dùng X1 Nano. 

Bên cạnh phải của máy cũng là nơi đặt nút nguồn, một điểm đã bắt đầu có trên dòng X1 kể từ thế hệ X1 Carbon Gen 7. Anh em chưa từng dùng qua các mẫu máy bố trí nút tương tự (X1 Carbon Gen 7 trở lên, Yoga Slim 7 / Slim 7i, v.v.) thì sẽ hơi mất chút thời gian ban đầu làm quen. 

Thời lượng pin: Hứa hẹn lâu dài, hỗ trợ sạc nhanh

Cuối cùng về pin, X1 Nano sẽ đi kèm viên pin dung lượng 48Wh, với khả năng sạc nhanh lên được tới 80% sau 1h đồng hồ - theo như công bố của nhà sản xuất. Đây sẽ là điểm lợi với những anh em thường xuyên di chuyển, không có quá nhiều thời gian dừng chân một chỗ để cắm sạc khi cần. 

Chưa kể với chuẩn Intel Evo, viên pin của máy trên lý thuyết sẽ có thời lượng rất lâu. Khoản này thì mình sẽ theo dõi sát sao trong những ngày tới. 

Tạm kết 

Và đó là những chia sẻ ban đầu của mình sau khi mở hộp ThinkPad X1 Nano - chiếc máy mà mình gọi vui là “tiểu Carbon”. Đúng là nếu chỉ nhìn qua, sẽ không dễ để nhận ra khác biệt giữa hai mẫu máy. Nhưng nếu nhìn sâu hơn thì lại là câu chuyện khác, khi những thay đổi tưởng-nhỏ-mà-không đã khiến trải nghiệm của mình lạ và đáng nhớ hơn. Dễ chịu cũng có, mà chưa ổn lắm cũng xuất hiện cả. 

Về X1 Nano, mình sẽ trải nghiệm sâu hơn chiếc máy trong những ngày tới để có được thêm nhiều góc nhìn và thông tin hơn nữa. Tất cả sẽ có trong bài đánh giá chi tiết trên website ThinkView sắp tới, anh em nếu hứng thú thì hãy đón đọc nhé. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập