Trong năm 2020, có thứ còn bán chạy hơn cả khẩu trang?
Năm 2020 đã chuẩn bị kết thúc với rất nhiều thay đổi trong ngành máy tính nói chung và với một số thương hiệu nói riêng. Năm nay cũng là một năm ghi nhận tăng nhu cầu đột biến về các sản phẩm ngành máy tính. Theo các nhà nghiên cứu thị trường thì số lượng máy bán ra có thể lên đến 300 triệu như đỉnh cao thời 2008. Trùng hợp làm sao, cứ mỗi kì khủng hoảng toàn cầu thì ngành máy tính lại trỗi dậy một cách thần kì.
Sự tăng trưởng hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia
Sau 12 năm rơi vào thoái trào thì năm 2020, thị trường máy tính lại có dịp nở mày nở mặt. Đây là một sự tăng trưởng đột biến, trái với quy luật và theo nhiều dự đoán của các chuyên gia. Về nguyên nhân thì có nhiều nhưng phần lớn vẫn là do Covid-19. Nếu mà để so sánh với việc kinh doanh khẩu trang thì thậm chí PC còn bán chạy hơn. Vì sao á? Khẩu trang thì có người thích đeo có người không, hơn nữa ở nhà thì đâu cần đeo khẩu trang. Còn máy tính thì ai rồi chẳng phải sắm một chiếc cho riêng mình. Ra đường người ta đeo khẩu trang vì bị bắt buộc và phần nào đó sợ lây nhiễm nhưng chắc chắn chả ai muốn mất việc cả!
Mỗi chiếc máy tính bán ra sẽ phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng, từ các công ty mua sắm máy móc để vận hành, các cá nhân phục vụ những mục đích chuyên nghiệp của mình, giải trí hoặc là chơi game đều có cả. Tuy nhiên, số lượng người thực sự có nhu cầu sở hữu một chiếc máy tính cho riêng mình có tồn tại nhưng không phải là quá cao hay quá cần thiết.
Đối với những người đi làm, họ có thể sử dụng máy tại công ty. Với những người cần giải trí hàng ngày thì lại có nhiều sự lựa chọn hơn như đi chơi, du lịch, tới rạp chiếu phim, sân vận động, các phòng game, những nơi công cộng với hàng ti tỉ các loại hình giải trí khác. Đối với ngành giáo dục cũng vậy, tất cả mọi thứ đều là mặt đối mặt với giấy bút và sách vở. Với mỗi gia đình, thậm chí cả nhà có 3-4 người cùng sử dụng chung một chiếc máy tính, họ dùng không nhiều và họ không ngại phải chia sẻ những thiết bị công nghệ như máy tính.
Nhưng Covid-19 ập đến, tất cả mọi nhu cầu từ làm việc, giải trí, học tập, tìm kiếm thông tin đều gói gọn trong bốn bức tường. Lúc đó, nhu cầu sở hữu PC cá nhân mới thực sự là một vấn đề, không phải chỉ cần bổ sung thêm 1-2 chiếc máy tính là xong. Mỗi người trong gia đình bạn đều cần đến máy tính. Bạn không thể nhường lại chiếc máy tính cho đứa con đang có tiết phải lên Zoom để học vì bạn cũng đang có một cuộc họp quan trọng sắp diễn ra. Và bạn cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn để giải trí khi không được ra khỏi nhà ngoài việc ngồi trên máy tính. Thực ra thì TV và Game Console thì vẫn đáp ứng được một phần nhu cầu nào đó nhưng về lâu về dài thì mua 3-4 chiếc máy tính vẫn có ích hơn là mua 3-4 TV hay Game Console phải không nào.
Khi mà một số dịch vụ và ngành nghề đang bị dịch bệnh làm cho điêu đứng thì một số khác lại nhân cơ hội này phát triển một cách mạnh mẽ. Một số ngành thì đã tồn tại và cần được mở rộng kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tăng cao thì họ lại thành lập các phân xưởng và nhà máy mới. Một số ngành thì mới nhưng vì dịch bệnh mà phát triển mạnh mẽ hơn. Nhất là những ngành đang phát triển nhờ cuộc cách mạng 4.0 như dịch vụ trực tuyến, các sàn thương mại điện tử. Đặc điểm chung của tất cả bọn họ là cần một lượng lớn máy tính để vận hành. Số lượng thì không phải bàn cãi, có thể lên đến hàng ngàn chiếc cho một đơn hàng.
Nhờ tất cả những lý do đó mà ngành PC mới có một con số đáng khích lệ như hiện nay. Tuy nhiên, trước khi cơn bão đến thì luôn là trời yên biển lặng. Bản thân sự gia tăng đột biến này cũng có những hệ lụy nhất định. Đầu tiên phải nói đến áp lực đang đè nặng lên các nhà sản xuất. Như chúng ta cũng thấy trong thời gian gần đây thì nhu cầu các sản phẩm bán dẫn đang liên tục tăng, các nhà sản xuất thì liên tục phải tăng giá mà vẫn luôn hoạt động ở công suất cao cho đến quá tải. Tình hình dịch bệnh phức tạp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động sản xuất của các nhà máy.
Những con số thì đẹp đấy nhưng đừng vội mừng
Sự đột biến về nhu cầu của những dòng máy cơ bản dành cho thị trường cũng kéo theo những kìm hãm nhất định trong lộ trình phát triển sản phẩm mới của các hãng công nghệ khi tất cả tài nguyên lại dồn vào những sản phẩm đã tồn tại trên thị trường. Một trong những điều đáng lo ngại hơn nữa, khi áp lực tồn kho về sản phẩm công nghệ gia tăng vì thị trường PC bão hòa trong năm tới, các ông lớn trong ngành công nghệ cũng sẽ không vội vã mà ra mắt sản phẩm mới. Mọi thứ sẽ chậm lại hoàn toàn. Khi đó, những sự thay đổi nhỏ giọt trong thị trường chỉ nhằm phục vụ những người đang có nhu cầu nâng cấp hệ thống của mình mà thôi.
Để tránh được kịch bản xấu nhất xảy ra với ngành công nghệ trong vài năm tới. Ít nhất là từ giữa năm 2021 trở về sau, các thương hiệu công nghệ nên điều tiết giữa việc phục vụ nhu cầu trong hiện tại và tìm hướng đi mới cho những năm tiếp theo. Một trong những giải pháp mà mình thấy các hãng áp dụng chính là việc đóng gói các sản phẩm công nghệ dưới dạng một khối thống nhất thay vì bán theo các dạng mô đun lắp ráp như trước đây.
Đối với người dùng, về lâu về dài nó không có lợi cho lắm vì một khi đã hỏng ở mảng nào đó thì họ sẽ khó mà đi sửa chữa bằng các linh kiện thay thế, hoặc nó cũng không thể nâng cấp thêm được. Đó là cách để khiến vòng đời của các sản phẩm sẽ ngắn lại và người dùng sẽ tìm đến những chiếc máy mới thay vì cố sửa chữa những chiếc máy đang sử dụng.