article detail

Từ rửa bát thuê, doanh nhân Việt đang "khuấy đảo" ngành AI xứ hoa Anh Đào

3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Dù đã thi đỗ vào một trường đại học tại Việt Nam và bị gia đình phản đối nhưng Thanh vẫn quyết định sang Nhật.

Một công ty khởi nghiệp phát triển phần mềm được thành lập bởi ba thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản đang có ý định nắm bắt cơ hội lớn bằng cách đáp ứng các chi tiết mà các công ty Nhật Bản thường bỏ qua.

“Chúng tôi muốn cung cấp các hệ thống dễ sử dụng ngay cả với các công ty vừa và nhỏ,” Chủ tịch Hachix Nguyễn Công Thanh trả lời tờ Nikkei Asia.

Hachix được thành lập vào tháng 7 năm 2017 tại Nagoya, tỉnh Aichi, với số vốn 5 triệu yên (khoảng 1,08 tỷ đồng vào thời điểm đó). Một nửa số vốn do Thanh và hai người đồng sáng lập khác bỏ ra, phần còn lại do một doanh nhân mà họ quen biết đóng góp. Công ty phát triển, tiếp thị trí tuệ nhân tạo và hệ thống phân tích dữ liệu cho các nhà bán lẻ, nhà sản xuất và nhà cung cấp công nghệ thông tin.

Chủ tịch Hachix Nguyễn Công Thanh dự định đưa công ty khởi nghiệp của mình ra Hà Nội và Đà Nẵng, đồng thời mở rộng sang các dịch vụ y tế cho người lớn tuổi.

Hachix cung cấp phần mềm dự đoán và phân tích doanh số bán văn phòng phẩm. Dịch vụ này cung cấp một hệ thống Internet of Things cho các nhà máy sử dụng cảm biến để giám sát dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, nó cũng cung cấp dữ liệu lấy từ cảm biến để tối ưu hóa việc sắp xếp công nhân nhà máy.

Các đơn đặt hàng mà công ty này nhận được dao động từ 1 triệu yên đến 2,5 triệu yên. Khách hàng chủ yếu là các nhà sản xuất vừa và nhỏ với 50 đến 100 công nhân. Hiện tại, nhiều công ty như vậy vẫn chưa tin học hóa hệ thống của họ, Hachix tin rằng, đây là "mảnh đất màu mỡ" chưa được khai phá và có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Năm đầu tiên kinh doanh thật "khủng khiếp", Chủ tịch Hachix chia sẻ

Kinh nghiệm cay đắng đã khiến Hachix bắt đầu nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất và nhà cung cấp CNTT, và trong năm tính đến tháng 6 năm 2018, Hachix đã đạt doanh thu khoảng 3 triệu yên. Ngay năm sau đó, doanh thu của start-up này đã cán mốc 16 triệu yên.

Đại dịch kể từ đó đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của Hachix, mặc dù công ty vẫn kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng 50% trong năm kinh doanh hiện tại.

Theo Tổ chức Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ và Đổi mới Khu vực Nhật Bản, người nước ngoài rất hiếm khi thành lập các công ty công nghệ thông tin hoặc các doanh nghiệp tiên tiến khác trong và xung quanh Nagoya.

Ca ngợi mạng lưới ở nước ngoài của Hachix, Yutaka Matsuyama, quản lý tại Vườn ươm Khoa học Đời sống Nagoya cho biết, công ty khởi nghiệp này cần phải cải thiện các dịch vụ bảo trì và đảm bảo chất lượng, đồng thời tích lũy kinh nghiệm bằng cách giành được các đơn đặt hàng lớn hơn.

Chính phủ Nhật Bản và các địa phương đang khuyến khích người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp CNTT và công nghệ tiên tiến khác. Nhật Bản vẫn hấp dẫn các doanh nhân nước ngoài vì an ninh công cộng và các tiêu chuẩn khác mà nước này đã duy trì trong suốt đại dịch COVID-19.

Sang Nhật, rửa bát thuê và xây dựng sự nghiệp của Nguyễn Công Thanh

“Tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp khi còn là một học sinh Trung Học Cơ Sở”, Nguyễn Công Thanh nói. Khi xem TV Sony và lái xe máy Honda, anh đã có được niềm yêu thích với các thương hiệu sản xuất tại Nhật Bản.

Dù đã thi đỗ vào một trường đại học Việt Nam và bị gia đình phản đối nhưng Thanh vẫn quyết định sang Nhật.

Trong thời gian học tại một trường dạy tiếng Nhật ở thành phố Hiroshima, Thanh rửa bát thuê tại một khách sạn và một số công việc làm thêm khác. Sau đó anh đỗ vào Đại học Osaka năm 2005 và cuối cùng nhận bằng thạc sĩ về mạng thông tin.

Khi tốt nghiệp, Thanh gia nhập Brother Industries, một nhà sản xuất thiết bị điện tử có trụ sở tại Nagoya, trong 6 năm. Sau khi nghỉ việc tại Brother, anh bắt đầu chuẩn bị cho việc thành lập công ty của riêng mình, đồng thời tham gia các hội thảo về khởi nghiệp và các chương trình khác.

Hachix có 8 nhân viên cả toàn thời gian và bán thời gian, tất cả đều là người Việt Nam và là các chuyên gia về AI, mạng nhúng và các lĩnh vực tiên tiến khác. Sự hiện diện của nhiều chuyên gia là lý do tại sao những người Việt này có thể nhanh chóng phát triển hệ thống và khẳng định được giá trị ngay trên đất Nhật Bản..

Hiện tại, công ty đang có kế hoạch thành lập các chi nhánh tại các thành phố Hà Nội và Đà Nẵng. “Chúng tôi muốn giúp đỡ những người lớn tuổi ở Việt Nam và phục vụ họ nhiều hơn nữa cho cuộc sống của họ”, anh Thanh nói. Các dự án phát triển các hệ thống y tế như sự kết hợp của xác thực khuôn mặt và các chương trình đo nhiệt độ cơ thể mới sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân Việt Nam.

Theo Nikkei Asia

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập