article detail

Ulefone Power Armor 14 Pro: Chiếc điện thoại này ngang 2 em iPhone 13 Pro Max

Hoang Nguyen
1 năm trước
Cập nhật 1 năm trước
Ý tôi nói nó ngang độ dày, chứ giá con này thực tế chỉ bằng 1 phần 5 chiếc iPhone nha anh em!

Cục mịch, dày bản, kích thước rất lớn, cầm bằng 2 tay mới giữ được con máy này để sử dụng bình thường. Sẽ có một lượng fan hâm mộ nhất định cho những chiếc máy như thế này, những người muốn một chiếc máy ăn chắc mặc bền. Độ bền, không phải vấn đề. Dùng mọi lúc mọi nơi, không phải vấn đề. Cảm giác cũng thú vị lắm chứ, và mình cũng muốn được thử xem nó có thực sự đáng mua hay không. 

Đây là chiếc điện thoại “cục gạch” Ulefone Power Armor 14 Pro, nó cũng có dòng "không pro" với thông số cắt giảm đi một chút. Sau vài ngày sử dụng, thì mình cảm thấy rằng có lẽ…chúng ta nên mua những chiếc điện thoại bình thường thì hơn.

Khi cầm con máy này lên, điều đầu tiên khiến mình ấn tượng đó là nó dày dày dày và rất dày. Nó có độ dày 17,2 mm, mình xếp chồng hai con iPhone 13 Pro Max lên thì nó mới bằng độ dày của con máy này luôn. Cũng vì được thiết kế to, nạc mà nó có cân nặng lên tới 360g, bạn đang cầm 1 chiếc xe tăng đồ chơi vậy, đúng, cảm giác như cầm một món đồ chơi luôn. Máy có mặt trước là một màn hình 6,52 inch, và được thiết kế dưới dạng giọt nước. Màn hình tấm nền IPS LCD với độ phân giải chỉ HD+, và độ sáng cũng không quá cao. 

Khó hiểu là mang tiếng là siêu dày và bền bỉ, nhưng máy chỉ được bảo vệ bởi kính cường lực Corning Gorilla Glass 3, tức là mua chiếc máy siêu bền này về anh em vẫn nên cho nó thêm một chiếc kính cường lực để nó trở nên siêu bền. Tỉ lệ hiển thị của máy chỉ đạt 70,8%, bạn sẽ được nhìn thấy một quả viền dày mà đến Nokia cũng phải gọi bằng cụ. Mặt sau của máy được làm từ chất liệu nhựa kết hợp với cao su, và khung viền được làm từ kim loại nên tạo được sự chắc chắn nhất định, vì dù sao, đây cũng là chiếc điện thoại siêu bền mà!

OK, đến với cấu hình và camera. máy sử dụng một cấu hình khá là bình thường, với con chip Helio G85, với 128GB với 6GB RAM, trên hệ điều hành Android 12. khi mình sử dụng, máy lại khá là cà giật. Ngay cả thao tác vuốt trên launcher gốc của con máy này cũng không hề có sự mượt mà, khi một lần chuyển đều có sự khựng nhẹ, trong khi launcher của con máy này là launcher gần hệ điều hành Android gốc như Asus cơ mà? Hay là khi mình load pokemon thì tốc độ load game cũng khá lâu. Mình check thì máy chỉ sử dụng chuẩn bộ nhớ khá chậm là eMMC 5.1, trong khi giờ chuẩn UFS 2.1 2.2 cũng đã được phổ biến rồi. 

Còn Helio G85 cũng không thể nào mà đọ được những Dimensity 700 hay Snapdragon 695 5G, cho nên hiệu suất chơi game cũng không phải là tốt. Asphalt 9 không thể khởi chạy trên này, mình chỉ có thể chơi được Pokemon Go, Pokemon Unite và TFT, LMHT Tốc chiến trên này, thì thấy, TFT không ổn định nhưng Tốc chiến thì lại khá ổn định ở 60 FPS, trong khi những tựa game khác thì thấy giật giật nhè nhẹ mỗi khi chuyển cảnh, kể cả là những tựa game nhẹ như Pokemon Go. Chứng tỏ là tối ưu phần mềm của Ulefone cho con này vẫn chưa hề tốt so với cấu hình của nó. Thử nghiệm với launcher khác (Nothing Launcher) thì mình có 1 trải nghiệm mượt mà hơn hẳn so với cái của nhà sản xuất, và kì lạ thay, đó là khi mình thay launcher khác, thì cái launcher gốc lúc nào cũng bị báo buộc dừng.

Camera chắc chắn cũng không phải là điểm mạnh của con máy này. Cụm camera sau của nó khá là đáng quên với 1 cảm biến 20MP và 2 cảm biến còn lại, mỗi cảm biến chỉ… 2MP. Mình biết là điện thoại siêu bền sẽ hy sinh yếu tố về camera, thế nhưng ngay cả cảm biến 20MP gốc cũng cho ra bức ảnh khá là tệ, chụp xong zoom lên thì không có độ chi tiết. Camera chính cũng chỉ hỗ trợ quay video 1080p30, thật là kì lạ. 

Hai cảm biến còn lại dù có chức năng là gì đi chăng nữa, nhưng độ phân giải chỉ 2MP cũng khiến cho mình cảm thấy không được vui cho lắm. Và quả thực đúng như vậy, camera 2MP Macro nếu gọi là tệ thì vẫn quá nhẹ, bởi vì nó cứ mờ mờ như có làn sương che phủ qua. Cảm biến còn lại là 1 cảm biến 2MP đo chiều sâu, thôi chắc chả phải nhắc về tác dụng của cái cảm biến này nhỉ. Camera trước 16MP, tuy độ sắc nét có thể k bằng so với những chiếc điện thoại tầm trung nhưng vẫn có thể coi là dùng được. 

Vậy thì nếu camera hay cấu hình không phải là điểm mạnh của nó, thì cái gì sẽ là điểm nổi bật nhất của nó? Câu trả lời nằm ở thiết kế hầm hố của nó. Thiết kế kiểu “xe tăng” của nó giúp cho nó có một viên pin khủng lên tới 10,000mAh, và mình thề với mọi người là mình dùng 2 ngày rồi vẫn chưa cạn pin! Ulefone cũng hào phóng nhét cho nó sạc không dây 15W, và sạc nhanh 18W có dây, hỗ trợ sạc ngược có dây, biến nó thành cục sạc dự phòng chính hiệu. Ngoài ra, thiết kế hầm hố của nó thể hiện rằng con này là “một chiếc điện thoại siêu bền”. Nó có chuẩn kháng nước IP68 và IP69K. Tiêu chuẩn quân đội cũng giúp cho những người làm việc hay sinh tồn ở môi trường khắc nghiệt có thể an tâm, tuy nhiên là nên nhớ bảo vệ màn hình. 

Okie, Ulefone Power Armor 14 Pro, mình đã thỏa mãn sự tò mò với chiếc máy này. Với mức giá 6 triệu đồng, bạn sẽ có thể nhận được nhiều hơn với một chiếc điện thoại có cấu hình, camera và trải nghiệm phần cứng tốt hơn, mà vẫn còn dư tiền để mua một cục sạc dự phòng 10,000mAh. Tuy vậy, nó sẽ phù hợp đối với những người sử dụng điện thoại để liên lạc ở môi trường khắc nghiệt, còn với người dùng phổ thông, mình nghĩ con này thực sự không phù hợp. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập