V-Sync, G-Sync, Adaptive Sync,... là gì? Hữu ích ra sao? Nên dùng khi nào?

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Dù là câu chuyện của số ít, nhưng biết một chút vẫn sẽ hay hơn phải không nào?

Xé hình là gì? V-Sync, G-Sync, Adaptive Sync,... là chi? Có phải lúc nào cũng nên tắt chúng đi để có trải nghiệm tốt nhất? Hãy cùng ThinkView tìm hiểu trong bài viết này nhé. 

V-Sync là gì? 

V-Sync (hay Vertical Synchronization - Đồng bộ Dọc) là công nghệ đồng bộ FPS (Frame Per Second - Tốc độ Khung hình) trong game với tần số quét màn hình (Refresh Rate), hướng đến loại bỏ hiện tượng xé hình và tối ưu trải nghiệm thị giác cho game thủ. Có thể nói, V-Sync là cha đẻ của những thuật ngữ liên quan được liệt kê phía trên (G-Sync, Adaptive Sync, v.v...)

Còn về xé hình, đúng như tên gọi, đây là hiện tượng khung hình trong game bị "xé" ra làm nhiều mảnh, tạo ra những khung hình không hoàn hảo gây khó chịu cho game thủ. 

Ví dụ về hiện tượng xé hìnhXé hình thường xảy ra khi FPS trong game cao hoặc thấp hơn so với tần số quét của màn hình bạn đang dùng. Lúc này, khung hình mới được xuất ra nhanh hoặc chậm hơn tốc độ màn hình làm tươi hình ảnh, dẫn đến các khung hình mới - cũ chồng lên nhau. 

G-Sync, Adaptive Sync,... là gì? 

Do là "con" của V-Sync; các thuật ngữ kể trên về bản chất vẫn sẽ để chỉ cùng một hành động (đồng bộ FPS và tần số quét để tránh xé hình). Chúng khác nhau hoặc là từ trong soucre code, hoặc là do các hãng phần cứng đặt ra để Marketing cho màn hình và card đồ họa. 

Tùy thuộc vào phần cứng sử dụng, bạn có thể sẽ bắt gặp một số thuật ngữ "Sync" sau: 

  • AMD FreeSync: Công nghệ đồng bộ khung hình được phát triển bởi AMD, với mục đích cạnh tranh trực tiếp với G-Sync của NVIDIA. 
  • NVIDIA G-Sync: Công nghệ đồng bộ khung hình được phát triển bởi NVIDIA.
  • VESA Adaptive Sync: Còn được biết đến với cái tên Adaptive Sync, thường ít được nhắc đến. Adaptive Sync là chuẩn đồng bộ khung hình do Hiệp hội Tiêu chuẩn Video Điện tử (Video Electronics Standards Association - VESA) đặt ra để cho các hãng phần cứng thành viên có thể hướng tới. 

Ngoài ra trong thế giới công nghệ; chúng ta cũng có thêm những Apple ProMotion hay Qualcomm Q-Sync cũng liên quan đến đồng bộ khung hình. Điểm khác biệt lớn nhất là chúng sẽ gần như không xuất hiện khi ta nói về PC hay Game. 

Khi nào nên bật / tắt V-Sync? 

Ở thời điểm 2020, có thể nói V-Sync không còn quá cần thiết như cách đây vài năm nữa. Vốn dĩ vì hiện tại, game thủ giờ đây thường không mất quá nhiều tiền để có PC Gaming tốt. Nhờ vậy, trải nghiệm chơi được nâng cao, câu chuyện xé hình cũng dần đi vào quên lãng (do xu hướng chơi game FPS cao, do các thiết lập đồ họa phụ trợ, v.v..). 

Tuy vậy, V-Sync vẫn sẽ cần thiết trong một số ít trường hợp, cụ thể là khi bạn chơi với mức FPS quá thấp so với tần số quét màn hình (do phần cứng yếu hoặc do game nặng + Ultra Settings). Khi bật V-Sync, card đồ họa sẽ điều tiết lại tín hiệu để đồng bộ với màn hình, loại bỏ hiện tượng xé hình bằng cách cho một khung hình lặp lại vài lần. Hiệu năng game đáng tiếc là không có cải thiện, nhưng trải nghiệm hình ảnh sẽ đỡ khó chịu hơn nhiều. 

Lựa chọn phần cứng có G-Sync, FreeSync

Về cơ bản, FreeSync và G-Sync đang dần phổ biến hơn trên thị trường màn hình, đặc biệt là FreeSync do nó được AMD miễn phí cho các hãng sản xuất. Nhờ vậy nên ngay ở các mẫu gaming giá rẻ, chúng ta đã có thể trải nghiệm công nghệ chống xé hình nếu muốn. Hiện tại, người viết đang dùng một mẫu màn gaming 75Hz của LG. Dù chỉ 3 triệu Đồng nhưng cũng đã có AMD FreeSync để sử dụng khi cần. 

Một số mẫu màn hình giá rẻ cũng đã có sẵn FreeSync để trải nghiệmNhưng nếu có nhu cầu rất cao về trải nghiệm hình ảnh, bạn đọc có thể cân nhắc mua các mẫu màn hình trang bị G-Sync (do xu hướng tin dùng card đồ họa NVIDIA thực tế vẫn cao hơn AMD). Tuy vậy, hãy chắc chắn mình có một nguồn tài chính vững mạnh do các mẫu màn này đều có giá thành không rẻ (tối thiểu khoảng 10 triệu Đồng). 

Tạm kết 

Suy cho cùng, dù nghe có vẻ "đao to búa lớn", nhưng trên thực tế xé hình hay V-Sync vẫn chỉ là những câu chuyện không cần để tâm thường xuyên. Chúng chỉ diễn ra với một số tựa game nhất định (ví dụ như Cyberpunk 2077, series Assassin's Creed hay các dòng game đua xe), hoặc khi bạn cố gắng "cày kéo" game nặng trên một cấu hình già nua. 

Cyberpunk 2077 cũng là một tựa game dễ gây xé hình nếu không có những tinh chỉnh phù hợpNgoài ra, việc cần quan tâm đến V-Sync cũng phần nhiều do trải nghiệm thị giác của bạn đọc quyết định. Nếu thực sự cảm nhận được xé hình, những thông tin và giải pháp bên trên sẽ là khá hữu ích. Còn không thì có thể như người viết, tắt đi toàn thời gian trong Settings để tận dụng card đồ họa thoải mái hơn. 

Trên đây là những gì cơ bản nhất mà người viết có thể chia sẻ về V-Sync, xé hình và những vấn đề liên quan. Nếu thấy bài viết hay, đừng quên ủng hộ ThinkView để đội ngũ có thể tiếp tục đưa đến các bài viết chất lượng hơn nữa trong tương lai nhé. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập