Vài điều anh em nên lưu ý trước khi nắn chân CPU

Công Minh
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Những bước cần thiết để tiến gần hơn tới chiến thắng trong ván bài cực kỳ may rủi này.

Với CPU desktop, việc bị cong chân tiếp xúc là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Chỉ một chân gặp vấn đề thôi cũng đủ để nó không lên được, và khiến anh em đứng trước nguy cơ lãng phí số tiền đã bỏ ra. Tuy nhiên trên thực tế thì nếu muốn, anh em vẫn có thể tự xử lý bằng cách bẻ cong thành thẳng, theo đúng nghĩa đen. Và dưới đây sẽ là vài lời khuyên từ Carsten Frauenheim – cây viết mảng kỹ thuật của iFixit – để ván bài may rủi này có nhiều phần trăm thành công hơn. 

Cụ thể thì vào một ngày đẹp trời, Carsten tình cờ tìm thấy một chiếc CPU Ryzen 7 2700X trên eBay, với vài chân bị cong và được bán bằng một nửa giá gốc (90 USD). Sau một hồi suy nghĩ, anh chàng quyết định mua về, vọc vạch, và kết quả là có được một sản phẩm chạy tốt cùng vài lời khuyên hữu ích về việc nắn chân CPU. 

Lưu ý: Bài viết này chỉ dành cho các anh em sử dụng CPU sừ dụng socket PGA (tức các CPU AMD socket AM2, AM2+, AM3, AM3+ và AM4). Còn với CPU Intel hiện tại thì sẽ không có tác dụng vì chúng là dạng LGA (tức chân pin nằm trên socket bo mạch chủ)

Thường thì để tạo ra chân CPU, người ta sẽ sử dụng kết hợp Vàng và Đồng – đều là những kim loại với khả năng dẫn điện tốt. Nhưng chúng có điểm yếu là khá mỏng manh, và đó cũng là lý do mà anh em nên cẩn thận mỗi khi cầm trên tay. Khi lắp CPU vào bo mạch chủ, sẽ có lúc chúng ta cần dùng lực để mọi thứ vào đúng chỗ. Nếu chẳng may đặt lệch vị trí hay quá mạnh tay, đó cũng sẽ là lúc phần chân chip bị biến dạng. 

Xem sơ đồ pinout, nhỡ đâu phần chân bị gãy là không quan trọng 

Trước khi bắt đầu nắn chân, lời khuyên đầu tiên của Carsten là chúng ta có thể tìm và xem qua sơ đồ pinout của CPU đó. Nếu may mắn thì phần chân bị cong sẽ là chân dummy, và mọi thứ vẫn ổn. Còn nếu không phải, thì phần tiếp theo của bài viết là dành cho anh em đấy. 

Chọn công cụ nắn chân thích hợp 

Để nắn thẳng chân CPU thì cũng có nhiều cách, tương ứng với nhiều công cụ có thể sử dụng. Có người dùng lưỡi dao rọc giấy, người khác thì lại thích nhíp hơn,… nhưng với Carsten thì đó sẽ là một lưỡi dao mỏng hình thang. Lý do là vì nó có thể cầm chắc, và có độ mỏng vừa đủ để len vào giữa các hàng chân CPU. Tuỳ theo số chân bị cong mà anh sẽ thể đưa lưỡi dao vào nông / sâu cho hợp lý. 

Ở Việt Nam thì mình không chắc là có loại dao đúng như hình, nhưng anh em có thể tự tìm một cái riêng. Miễn là đảm bảo độ mỏng để đưa vào trong chân CPU và đủ cứng cáp là được rồi. 

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tìm thêm một chiếc nhíp góc nhọn đầu nhỏ. Công cụ này sẽ giúp chúng ta xử lý những chiếc chân cứng hơn / nằm ở giữa hàng, ít nhất là khiến chúng đủ thẳng để có thể nắn tiếp bằng lưỡi dao.

Tránh “chữa lợn lành thành lợn què”

Trong quá trình nắn, đôi khi vì quá tập trung mà anh em có thể lỡ tay siết chặt các cạnh bên còn lại, dẫn đến vô tình làm hỏng thêm chân mới. Sự cố này cũng có thể xảy ra trước khi thao tác, khi anh em thường sẽ cầm CPU lên để ngắm nghía phần chân có vấn đề. Đó là một số trường hợp mà Carsten nhắc lại để chúng ta lưu ý, tránh tình trạng “biến chân lành thành chân què”.

Không nên cố nắn qua lại nhiều lần 

Chân CPU cơ bản là mỏng manh, và chúng chỉ có thể được nắn một số lần trước khi trở nên quá yếu. Carsten trong quá trình nắn chân chỉ làm tối đa 2 lần ở hai bên, và anh cũng khuyên trong bài viết của mình như vậy mà thôi. Ngoài ra khi nắn chân, anh em nếu dùng dao thì cũng không nên nhấn mạnh xuống bề mặt CPU, dẫn đến hỏng hóc ngoài ý muốn.  

Vài lưu ý nhỏ khi lắp lại CPU

Thường trên CPU, chúng ta sẽ thấy một góc của nó được đánh dấu bằng hình tam giác. Anh em hãy tìm dấu hiệu tương tự trên socket bo mạch chủ và dóng thằng hàng chúng với nhau, sẽ lắp được. Sau đó từ từ hạ CPU xuống, và nếu đúng vị trí thì các chân sẽ khớp hết, không có khoảng trống. 

Tạm kết 

Về cơ bản thì đó là một vài lời khuyên để anh em có thể nắn chân CPU (cẩn thận) như một chuyên gia từ iFixit. Mặc dù đây không phải là một câu chuyện dễ dàng, với rủi ro luôn là rất cao, nhưng với những chia sẻ từ Carsten Frauenheim thì hi vọng rằng, anh em sẽ có thể cẩn thận hơn để tới gần với thành công. Trong thời buổi linh kiện khan hiếm và đắt đỏ như hiện tại, mọi điều kỳ diệu với những thứ tưởng chừng bỏ đi đều đáng được hoan nghênh phải không nào? 

Để đọc hướng dẫn đầy đủ của Carsten Frauenheim, anh em có thể vào link này.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập