Vì sao ai cũng nên có bên mình một chiếc ổ cứng di động?
Từ một loại hình đồ công nghệ xa xỉ cách đây 5-6 năm, SSD - hay ổ cứng thể rắn - nay đã dần trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn rất nhiều với người dùng công nghệ. Có lẽ mình cũng chẳng cần nhắc lại về lợi ích của nó nữa rồi, khi đã có quá nhiều bài viết hay video nói về điều này rồi. Nhưng nói tới ổ cứng di động nói chung - cụ thể là SSD di động - thì nhiều người lại không quá mặn mà. Cũng dễ hiểu thôi vì giá thành của chúng còn cao, mà lợi ích thì không phải ai cũng hiểu.
Nhưng với mình thì quả thật, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều từ ngày được biết tới và trải nghiệm loại hình sản phẩm này. Vậy nên hôm nay, mình sẽ chia sẻ một chút về lý do tại sao anh em nên có cho mình một chiếc ổ cứng di động - ví dụ như chiếc SSD TeamGroup PD1000 1TB trong bài viết đây.
Không phải xoá đi bất kỳ thứ gì
Không thể phủ nhận rằng qua thời gian, giới hạn lưu trữ của thiết bị điện tử nói chung đang ngày càng tăng cao. Đã qua rồi cái thời mà 32GB hay 64GB là đủ cho nhu cầu; giờ đây hầu như thiết bị nào cũng phải 128GB, 256GB, 512GB, hay thậm chí tính bằng TB thì mới là ổn. Không phải ngẫu nhiên mà Apple đã phải khai tử dung lượng 64GB kể từ thế hệ iPhone 13 mói, còn laptop hiện giờ - dù là ultrabook, gaming hay studiobook – thì cũng phải có sẵn (hoặc cho nâng cấp) tương đối về bộ nhớ trong. Nhưng dù gì đi nữa, bao nhiêu dung lượng rồi cũng sẽ có lúc cạn kiệt. Và đến khi đó, nhiều người sẽ lại ước có thêm không gian lưu trữ vì chẳng muốn xoá đi thứ gì. Có người thì đó sẽ là source công việc có thể dùng tới bất kỳ lúc nào, nhưng cũng có người thì đó lại là những tấm ảnh, video,… chứa đầy kỷ niệm về những người thân yêu.
Những lúc như vậy thì cũng không dễ để quyết định, và việc có được một nơi để san sẻ dữ liệu sẽ giúp thiết bị, cũng như chính chúng ta, “nhẹ gánh” đi phần nào. Bản thân mình mới đây cũng đã phải dọn dẹp lại ổ cứng laptop để cài thêm ứng dụng, cụ thể là “chuyển nhà” cho chỗ source ảnh và video được tích lại từ 2-3 năm trước. Và đó cũng là lúc mà chiếc ổ SSD TeamGroup PD1000 được cho mượn phát huy tác dụng.
Dữ liệu được chép ra rất nhanh thông qua kết nối USB 3.2 Gen2 trên máy, vậy nên chỉ khoảng 2-3 phút là mọi thứ đã được chuyển xong. Về tốc độ lý thuyết thì khi mình đo thử bằng phần mềm CrystalDiskMark, TeamGroup PD1000 cũng thể hiện tốt với 1062 / 848 (MB/s) cho đọc ghi tuần tự và 275 / 181 (MB/s) cho đọc ghi 4K. So với những SanDisk Extreme V2 1TB hay Samsung T7 1TB cùng tầm tiền thì đúng là tốc độ ghi của nó sẽ kém hơn khoảng 100 MB/s, nhưng khi sử dụng thì thú thực là bản thân cũng không cảm thấy quá nhiều sự khác biệt.
Phiên bản PD1000 mà mình đang dùng thì sẽ có dung lượng là 1TB, rất rộng rãi. Vậy nên mình cũng tranh thủ dùng nó để backup dữ liệu trên cả thẻ nhớ lẫn desktop luôn. Dạo qua thị trường SSD di động thì trên thực tế, những con số hiện đang phổ biến như 512GB hay 1TB đã là rất đủ cho đa phần nhu cầu. Vậy nên hãy cứ thoải mái lựa chọn, vì một tương lai không phải cân nhắc xoá đi những gì bản thân không muốn.
Dữ liệu luôn ở bên mình, sẵn sàng để được sử dụng
Còn nhớ những ngày chưa có SSD di động, mình và anh em đã từng phải dùng tới cả HDD kèm box ổ cứng để lưu trữ. Dung lượng thì có thể đáp ứng được đấy, nhưng việc tháo lắp lích kích cùng khả năng hỏng hóc cao (HDD va đập gây hỏng đĩa quay) nên mình vẫn không hoàn toàn yên tâm. Cho tới khi được trên tay những chiếc SSD di động thì đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Với kích thước ngày càng được thu gọn, chúng đã trên đường trở thành giải pháp tiện dụng nhất để giúp chúng ta mang dữ liệu đi khắp mọi nơi.
Ví dụ, hãy nhìn vào chiếc SSD TeamGroup PD1000 này, có lẽ nó chỉ chỉnh hơn chút ít so với một thanh KitKat phổ thông. Với kích thước 107 x 40 x 10.9mm cùng trọng lượng vỏn vẹn 75g, mình có thể đút gọn nó vào bất cứ đâu và mang đi dễ dàng: Trong balo, túi áo ngực hay thậm chí là cả túi đựng hộp diêm trên quần bò – bản thân thì hay dùng để nhét AirPods.
Vỏ của chiếc ổ này cũng được làm từ Nhôm chắc chắn và có cả khả năng chống xước, vậy nên anh em có thể yên tâm cả về độ bền nữa. Chưa kể tới việc sản phẩm còn thoả mãn tiêu chuẩn chống nước, áp lực và bụi IP68 – giúp cho dữ liệu bên trong của chúng ta vẫn được an toàn lỡ khi gặp phải tai nạn.
Bản thân mình thì khá thích cách TeamGroup chăm lo cho chiếc ổ này, dù hãng đã tuyên bố rằng sản phẩm “không cần có nắp che bụi” nhưng khi sản xuất thì vẫn gắn kèm. Hai sợi dây USB-C to USB-C và USB-C to USB-A đi kèm cũng được bện dù rất cẩn thận, cứng cáp. Có điều hơi ngắn nên nhiều khi sử dụng mình thấy khá bất tiện.
Hẳn đến đây có bạn sẽ cho rằng, lưu trữ đám mây cũng giúp chúng ta mang dữ liệu bên mình cơ mà? Đúng là phương pháp đó cũng cho phép sử dụng dữ liệu ở bất kỳ đâu, nhưng điều kiện thì tất nhiên rồi: Nơi đó phải có sẵn kết nối Internet. Mà kể cả khi có kết nối mạng, hẳn không phải lúc nào bạn cũng sẽ chịu được sự chờ đợi để tải xuống những gì mình cần.
Trong khi đó với SSD di động, chỉ cần cắm dây vào máy thôi là mọi thứ sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều. Nếu anh em bỗng nhiên quên mất tốc độ chúng đạt được tốt ra sao, hãy quay lại cuối phần trước nhé.
Sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất
Có một sự thật là khi đồ công nghệ càng có nhiều dung lượng bộ nhớ, chúng ta lại càng ỷ lại vào đó và coi nhẹ việc sao lưu dữ liệu. Để rồi cho tới khi những sự cố bất ngờ xảy ra, mình tin nhiều anh em sẽ ước giá như đã làm điều này sớm hơn. Đó có thể là một lần anh em lỡ để virus tấn công, xoá nhầm, cập nhật hệ điều hành bị lỗi, v.v. Rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra và làm ảnh hưởng tới dữ liệu của chúng ta trong quá trình sử dụng – chỉ là khi nào nó có thể đến mà thôi.
Ngay cả khi lưu trữ trên đám mây thì chúng ta vẫn có những nguy cơ. Có thể là một cuộc tấn công mạng, một thoáng anh em bất cẩn ấn vào link độc hay chỉ đơn giản là… quên tên đăng nhập / mật khẩu; mọi thứ sẽ khá là tệ.
Việc có được một chiếc SSD di động sẽ là giải pháp hữu hiệu cho chuyện này. Với dung lượng thường rất lớn như mình đã nói, anh em hãy cứ sao lưu những gì quan trọng nhất như source công việc, ảnh, video, v.v. ra ngoài, nhỡ có chuyện gì thì là biết tìm chúng ở đâu rồi đó. Chưa kể với những mẫu SSD như TeamGroup PD1000, chúng ta sẽ còn có được khả năng tương thích với đa nền tảng từ iOS, Android, macOS cho đến Windows. Vậy nên chỉ cần có nhu cầu hay thói quen sao lưu dữ liệu, hãy cứ tin tưởng PD1000 – dù thiết bị bạn đang dùng là gì đi chăng nữa.
Về cơ bản, đó là những gì ThinkView muốn chia sẻ với anh em về tầm quan trọng của một chiếc SSD di động, thông qua những gì tìm hiểu được cũng như là cả trải nghiệm cá nhân với chiếc SSD TeamGroup PD1000 này. Hiện tại thì theo mình biết, PD1000 cũng đã có mặt chính hãng tại thị trường Việt Nam bởi Thuỷ Linh Computer, vậy nên nếu có hứng thú với sản phẩm này thì anh em có thể ghé thăm website của đơn vị này để tìm hiểu thêm nhé.