Việt Nam dẫn đầu thế giới về số tài khoản bị Facebook ... xóa

3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Trong năm 2020, Việt Nam đã phối hợp với Facebook để xoá gần 300 tài khoản giả mạo, chặn hơn 300 fanpage quảng cáo game, cờ bạc.

Tại "Hội thảo đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020", ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, thay mặt Bộ TT&TT đã có bài phát biểu tổng kết đánh giá về hoạt động của trang điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trò chơi điện tử và cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông trong năm 2020, định hướng 2021. 

Báo cáo tại "Hội thảo đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020", ông Lưu Đình Phúc cho biết trong năm 2020, những mạng xã hội xuyên biên giới lớn, như Facebook, YouTube, TikTok tiếp tục ảnh hưởng đến truyền thông xã hội trong nước. Cơ quan chức năng đã tăng cường làm việc với các nền tảng này để chặn, gỡ các tài khoản mạo danh hoặc đưa thông tin sai sự thật.

Tin đồn giả về Covid-19 được tung ra hàng loạt

Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, khẳng định Việt Nam đứng số một thế giới về số lượng tài khoản và bài viết bị Facebook xử lý trong năm qua.

Cụ thể trong năm 2020, Facebook đã gỡ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức. 100% tài khoản giả mạo Bộ Y tế đưa tin giả về Covid-19 được ngăn chặn. 330 fanpage về quảng cáo game, cờ bạc, đổi thưởng và 2.200 đường link quảng cáo cho hoạt động buôn bán, dịch vụ bất hợp pháp bị gỡ.

Youtube cũng mạnh tay xử phạt

Bên cạnh đó, những nội dung video nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng được hạn chế một cách đáng kể. Thành quả này có được là nhờ sự hợp tác giữa Cục và Youtube, từ đó siết chặt hơn khâu kiểm duyệt nội dung khi đăng tải. Theo đó, đã có 29.009 video vi phạm đã bị gỡ bỏ, 24 tài khoản phản động, với hàng nghìn video nội dung không phù hợp bị xóa khỏi nền tảng này.

Hiện tại, những nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ được YouTube xử lý và không phải chờ đến khi pháp luật Việt Nam can thiệp. Trong khi trước đó, YouTube chỉ gỡ hoặc chặn quảng cáo những kênh thuộc các đối tượng bị pháp luật truy tố, như Khá Bảnh, Dũng Trọc,...

Chiều 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992, trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) - chủ kênh YouTube Hưng Vlog - 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Hưng Vlog nhận án phạtViệc xử phạt YouTuber này nhận được sự đồng tình của nhiều người. Tuy nhiên, không ít cá nhân cũng đặt câu hỏi rằng liệu cơ quan chức năng có hành động quá muộn màng.

Nhiều kênh YouTube tương tự Hưng Vlog, như PHD Troll, Bà Tân Vlog, NTN Vlogs với nội dung không có gì ngoài bày trò chơi khăm, thực hiện thử thách nguy hiểm hay gây lãng phí thực phẩm... nhưng vẫn khiến nhiều bạn trẻ tò mò, theo dõi, mà không hề bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.

Mạng xã hội trong nước còn chưa được ưa chuộng

Tính đến tháng 11/2020, Zalo đang trở thành nền tảng mạng xã hội trong nước dẫn đầu với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau lần lượt là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên). 

Đây không phải tổng số tài khoản đăng ký (account) mà là tổng số người dùng hoạt động hàng tháng (Monthly Active Users - MAU). Chỉ số này là công cụ đo lường phổ biến cho thấy mức độ tương tác của người dùng đối với một một sản phẩm trên môi trường Internet. 

Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam giờ đây đã có 4 nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước được xem là có đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại.

Tuy nhiên, các nền tảng như Facebook, Youtube, TikTok vẫn có một độ phủ quá lớn tại Việt Nam. Vì vậy, việc thông tin giả, nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục và luật pháp Việt Nam vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Tổng hợp

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập