article detail

Việt Nam sẽ trở thành "công xưởng" mới của thế giới khi Apple, Google và Xiaomi tiến công?

Hoang Nguyen
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Thời thì tới rồi đấy anh em, nhưng thứ khiến mình thắc mắc là, liệu gia công có giúp đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới như Trung Quốc đã từng?

Chuyện gì đang xảy ra?

Trung Quốc trước giờ vốn rất tự hào với cái mác "công xưởng của thế giới" của họ, bởi vì đó là điểm khởi đầu cho những niềm tự hào công nghệ, những Xiaomi, những Huawei, những OPPO Vivo vươn lên, nó cũng chính là thứ đã khiến cho mọi tập đoàn công nghệ từ lão làng đến các startup mới nổi đổ dồn vốn đầu tư để phát triển việc làm, xây dựng nhà máy, gia công, biến họ trở thành 1 thung lũng Silicone thứ 2 của thế giới, sau "bản gốc" thứ 2 là ở Mỹ. Thế nhưng, cuộc chiến thương mại và pháp lí Mỹ - Trung đã kích thích sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của các hãng công nghệ lớn, từ những hãng công nghệ Mỹ như Apple, hay Google, ông vua Android như Samsung, hay thậm chí cả những tập đoàn nội địa như Xiaomi. 

Nhà máy Xiaomi tại Hải Phòng với khoản đầu tư 80 triệu đô đã khiến cho mạng xã hội Weibo tranh cãi kịch liệt.

Hôm bữa, Xiaomi bất ngờ công bố họ sẽ đẩy mạnh dây chuyền sản xuất tại nước ngoài, bằng việc đầu tư một khoản trị giá 80 triệu đô la Mỹ cho một nhà máy rộng 200,000 mét vuông tại Việt Nam. Họ cũng uỷ thác cho một công ty công nghệ tại Hong Kong là DBG Technology với trách nhiệm gia công và sản xuất điện thoại mang thương hiệu Xiaomi và "Made In Vietnam" nhằm tiến đánh thị trường chủ lực Đông Nam Á. Trước đó, Samsung đã đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone và linh kiện điện tử cuối cùng của họ tại Trung Quốc, Apple cũng dịch chuyển các dây chuyền sản xuất AirPods, HomePod Mini, iPad và Macbook sang Việt Nam theo cơ cấu của Luxshare; hay Google cũng đang thử nghiệm và tiến tới chuyển dịch hoàn toàn dây chuyền sản xuất Pixel 7 sang Việt Nam. Những thông tin này gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng Trung Quốc, đặc biệt chính là tin Xiaomi sang Việt Nam xây nhà máy. Vậy điều gì khiến cho các hãng công nghệ "nối gót" nhau rời khỏi Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam nhanh chóng tới vậy? 

AirPods 3 được sản xuất tại Việt Nam thay vì Trung Quốc!

Phản ứng của Chính phủ Trung Quốc đối với đại dịch Covid-19.

Nhà máy lớn nhất thế giới của Tesla tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề lớn nhất của Tesla vì chính sách Zero COVID của chính phủ Trung Quốc

Hiện tại nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vẫn đang gây tranh cãi rất lớn, nhưng không thể phủ nhận rằng Vũ Hán chính là nơi khởi phát của đại dịch đã làm chậm sự tiến bộ của cả thế giới và đưa thế giới trở lại với thời ki tiền suy thoái sau cả thập kỉ tăng trưởng tiến bộ. Và sau 3 năm đương đầu với đại dịch COVID-19, khi cả thế giới đã bắt đầu với trạng thái "bình thường mới" thì tại Trung Quốc, chính phủ của ông Tập vẫn chưa gỡ bỏ hàng rào phong toả cực kì chặt chẽ từ những nơi đô thị lớn tới những khu vực nhà máy sản xuất, nơi mà vốn được coi là "niềm tự hào" của chính họ để tập trung cho chính sách Zero COVID vốn đã là một trong những hình mẫu chống dịch của khu vực châu Á, nhưng đã trở nên lỗi thời ở thời điểm hiện tại. Tesla của tỷ phú Elon Musk đang cho thấy những tín hiệu khó khăn đáng kể sau những màn đầu tư khổng lồ tại Trung Quốc. 

Những chính sách phong toả Zero COVID đang ảnh hưởng tới việc sản xuất của họ. Không chỉ có thế, ngay tại Việt Nam tầm nửa đầu năm nay, việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Không COVID cũng đã ảnh hưởng tới ngành Logistics đến mức lớn như thế nào, khi hàng hoá của mọi người khi đặt quốc tế từ Trung Quốc phải tính bằng tháng, và cũng như việc xuất nhập khẩu đồ dùng và thực phẩm sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, thậm chí còn bị chặn đứng. Đối với những người kinh doanh nhỏ lẻ còn gặp khó khăn tới vậy, thì chúng ta chắc khỏi phải bàn sự lo lắng của các công ty, đặc biệt là những công ty công nghệ và gia công công nghệ tại Trung Quốc và Đài Loan nó sẽ lớn như thế nào về vấn đề logistic. Bởi vì nếu như khâu vận chuyển gặp vấn đề, thì sản phẩm sẽ không thể nào sản xuất và rời nhà máy đúng hạn, việc đến tay người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ, và gây thiệt hại rất lớn đối với các hãng công nghệ lớn. 

Điển hình như Apple, chúng ta chắc khỏi phải bàn về vấn đề đó, khi những chiếc iPhone đến tay người dùng muộn hơn hẳn mọi năm, và thậm chí, Apple cũng phải làm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại. Hay như vừa rồi Apple cũng phải cắt giảm số lượng lớn iPhone 14 vốn còn chưa ra mắt, bởi vì hiện tại đang có một cuộc khủng hoảng trầm trọng của ngành công nghiệp gia công, vì chính sách Zero COVID của Trung Quốc, công nhân bị hạn chế số lượng trong nhà máy, dẫn tới việc sản xuất diễn ra chậm hơn rất nhiều. Điều đó còn cho thấy... 

Sự lệ thuộc quá lớn của các hãng công nghệ vào Trung Quốc lộ ra những điểm yếu của chính nó.

Trung Quốc trước đây có được những khoản đầu tư khổng lồ về công nghiệp công nghệ cao, điều chưa từng có trên thế giới.

Các hãng trước giờ đổ cả đống tiền vào Trung Quốc để xây dựng nhà máy, tuyển nhân sự để có thể nghiên cứu, sản xuất và gia công sản phẩm của mình. Trung tâm Sản xuất và gia công điện thoại thông minh, nơi được coi là "thành phố" của một nền công nghiệp gia công của Foxconn, vốn có được sự đầu tư rất lớn của Apple. Các hãng gia công lớn như Luxshare vẫn hàng năm nhận được những hợp đồng tỷ đô để có thể sản xuất những chiếc điện thoại, máy tính và phụ kiện của những hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Cả thế giới coi thị trường 1,4 tỷ dân là thị trường quan trọng, là miếng bánh béo bở chứ không riêng gì thế giới công nghệ, với những chính sách trước đây của chính phủ Trung Quốc, vốn thu hút sự đầu tư khổng lồ của các công ty công nghệ nước ngoài đầu tư vào đây. Không ai nghĩ rằng cơn sóng thần khó khăn sẽ ập tới khi COVID 19 diễn ra, và trước đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được phát động bởi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Những ưu đãi thuế quan đã không còn phát huy tác dụng và bị loại bỏ, thay vào đó là những hàng rào thương mại được dựng lên để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Việc làm ăn với Trung Quốc cho đến bây giờ cũng khó khăn hơn rất nhiều về vấn đề tối ưu hoá chi phí khi những lớp thuế quan sẽ được áp vào sẽ khiến cho chi phí sản phẩm sẽ ngày càng tăng lên và trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều so với trước. Nhưng điều đó vẫn chưa là gì đối với sức ảnh hưởng của đại dịch COVID 19, khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero COVID, sự vươn lên đáng kinh ngạc của tiền mã hoá, và tình trạng khủng hoảng bán dẫn trên toàn cầu đã khiến cho cả thế giới công nghệ thấy được sự lệ thuộc đáng kinh ngạc và việc ảnh hưởng của nó khi chỉ đầu tư cho Trung Quốc, khiến họ mất trắng hàng tỷ đô. "Bỏ hết các trứng vào một giỏ" đã khiến họ thiệt hại quá nhiều và gây ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm.

Cái tên Việt Nam gây chú ý.

Biểu tượng của Samsung tại Việt Nam - nhà máy Samsung tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam, một trong những nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, sau Ấn Độ.

Trong đó, điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn cả chính là Việt Nam, và đặc biệt, đó là Samsung. Hãng công nghệ Hàn Quốc dường như chỉ bị ảnh hưởng đáng kể về việc thiếu chip, còn tiến độ ra mắt sản phẩm của họ tuy có gặp khó khăn nhất định khi Việt Nam thực hiện chính sách Không COVID và 5K, nhưng dần dần khi chính phủ nước ta đã chuyển sang "Bình thường mới" và "Sống chung với COVID-19" như các nước trên thế giới, thì việc sản xuất của họ được phục hồi. Chưa kể, chính phủ còn đẩy mạnh những ưu đãi thuế quan đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài để họ có thể xây dựng nhà máy và tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam, thì dẫn tới một sự dịch chuyển đáng kinh ngạc ra khỏi Trung Quốc của các hãng công nghệ lớn, từ các hãng gia công tới các tập đoàn công nghệ hàng nghìn tỷ đô. 
Nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tại Ấn Độ của Samsung, cho thấy Việt Nam không phải là cái tên duy nhất...

Thực ra, Việt Nam không phải là cái tên duy nhất mà các OEM và ODM nhắm tới, mà thực ra mục tiêu chính của họ là thị trường Ấn Độ. Cả hai đều có ưu điểm là chi phí người lao động có trình độ cao tương đối rẻ, có sự hỗ trợ của chính phủ, thế nhưng, vị trí địa chính trị của Việt Nam khiến cho nó trở nên đáng chú ý hơn rất nhiều. Cả hai nước đều giáp với Trung Quốc, nhưng việc dịch chuyển sang Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều do Việt Nam rất gần với các trung tâm công nghệ lớn của Trung Quốc, đặc biệt là Thâm Quyến, được coi là thủ phủ công nghệ lớn của Trung Quốc, khiến cho các OEM và ODM tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc chuyển sang Ấn Độ, gần như là đầu tư lại từ đầu nên chỉ phù hợp với các OEM và ODM lớn như Samsung hay liên minh Foxconn/Apple, trong khi đó, vị trí địa lí thuận lợi, đồng thời địa chính trị quan trọng như là điểm trung chuyển từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, tình hình chính trị ổn định nhờ chính sách ngoại giao mềm mỏng và trung lập, và việc ưu đãi thuế quan của chính phủ đổi lại tạo ra công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy lao động có tay nghề trình độ cao, vô hình chung đã tạo nên sự ăn khớp giữa mục tiêu của chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn. 

Chưa kể, không chỉ chính phủ mà ngay cả các tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam cũng rất ủng hộ sự tiến công của công ty nước ngoài sang Việt Nam. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, đã mong muốn được hợp tác để xây dựng nhà máy đúc chip đầu tiên ở Việt Nam, một điều chưa từng có và nhiều người còn cảm thấy khó tin ở một đất nước mà mới chỉ 50 năm trước vẫn còn đang chìm trong bom đạn và khói lửa, mắc kẹt trong bàn cờ địa chính trị của các nước lớn và ảnh hưởng từ Chiến tranh Lạnh. 

Tương lai rạng rỡ, nhưng điều gì sẽ đến tiếp theo?

Việc các hãng đẩy mạnh cho ngành công nghiệp gia công và sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam là điều đã được dự báo từ trước chứ không phải cái gì đó quá xa lạ đối với các chuyên gia nghiên cứu tài chính nước ngoài; đặc biệt là sau chiến tranh thương mại và đại dịch Covid 19. Nó cũng dẫn tới sự bùng nổ của các công ty gia công phần cứng lẫn phần mềm (gọi chung là công ty outsourcing) ở Việt Nam, biến Việt Nam sắp tới trở thành 1 trong những "công xưởng mới" của thế giới, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao! 

Thế nhưng, liệu rằng, để có thể giữ chân lâu dài các tập đoàn công nghệ nước ngoài, thì chính phủ nên làm gì? Theo mình, đó là chính phủ nên tiếp tục tạo điều kiện đặc biệt dành cho các công ty gia công và các tập đoàn công nghệ nước ngoài, bớt đi gánh nặng chi phí sản xuất tại Việt Nam sẽ là cách tốt nhất để khiến họ có mối quan hệ và hợp tác lâu dài với không chỉ chính phủ và người dân Việt Nam, tạo được công ăn việc làm và đào tạo lao động trình độ cao, trong khi vẫn có thể bảo vệ được quyền lợi của người lao động Việt Nam. Điều này cũng giúp cho định hướng phát triển trở thành nước Công nghiệp Công nghệ Cao của chính phủ, định hướng trở thành nước phát triển vào năm 2045. 

Chúng ta cần nhiều hơn những cái tên như VinSmart hay Vinfast.Nhưng hơn thế nữa, bên cạnh gia công, việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao còn là đòn bẩy giúp cho những cái tên công nghệ "Make In Vietnam" có thể bắt đầu nhen nhóm và vươn ra thế giới. "Ngọn cờ đầu" Vinfast đã và đang thành công với lối tư duy này, nhưng mình đang hy vọng nhiều hơn là chỉ 1 Vingroup vốn đã quá mạnh và quá nổi tiếng. Cần nhiều hơn những công ty công nghệ Việt Nam với đủ tiềm lực và dải sản phẩm chất lượng, đủ sức phục vụ thị trường quốc tế để có thể đưa Việt Nam lên bản đồ, và đó là tương lai mà ngành công nghiệp Việt Nam cần hướng tới. Hy vọng rằng, sự phát triển của công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam có thể giúp cho Việt Nam vươn xa hơn nữa như những gì đã xảy ra với anh bạn hàng xóm, đương nhiên là theo lối bền vững hơn và lâu dài hơn rất nhiều để né được và dung hoà những ảnh hưởng địa chính trị cũng như đủ sức đứng vững và đối đầu với những khó khăn sắp tới của thế giới.

Thảo luận (1)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập