WD My Passport SSD: vị cứu tinh dữ liệu của dân văn phòng
Bạn đã bao giờ để mất tiền hay những đồ vật có giá trị chưa? Cảm giác của việc đó là không hề dễ chịu chút nào phải không? Việc mất dữ liệu mà mình vừa trải qua có cảm giác tương tự như vậy, thậm chí còn nặng nề hơn nữa. Do chủ quan, mình đã tin tưởng vào sự ổn định và tính bảo mật của chiếc MacBook. Một sự cố khiến chiếc laptop của mình rơi vào tình trạng boot loop không cách cứu vãn và mình đã mất sạch dữ liệu. Vậy là bạn đã có thể hình dung cảm giác của mình lúc này rồi đấy!
Đối với mỗi người đều có những dữ liệu quan trọng trong cuộc sống của mình. Việc mất đi chúng có thể khiến cho chúng ta còn gặp nhiều rắc rối trong cả công việc. Đôi khi, những dữ liệu đã mất đi là kỉ niệm cá nhân mà không thể lấy lại được. Nếu đã quan trọng đến vậy thì tại sao mình lại không sao lưu dự phòng cho chúng ngay từ đầu?
Thật ra, sao lưu dự phòng dữ liệu là một việc mà mình thường làm trước đây. Khi đó, mình có sở hữu một chiếc ổ cứng di động HDD. Tất nhiên có những rào cản khi sử dụng mà mình đã ngừng sử dụng cách thức sao lưu dữ liệu đó được một thời gian dài. Đó là do thói quen sử dụng của bản thân mình, và mình chắc rằng nhiều người xung quanh mình cũng vậy. Ngay ở thời điểm hiện tại thì cả văn phòng chỉ có lác đác vài người là có phương án dự phòng là ổ cứng.
Lý do đầu tiên dẫn đến thói quen sử dụng đó là việc trang bị một chiếc desktop/laptop có dung lượng lớn. Ai cũng thích tiện dụng mà, chẳng mấy ai nghĩ rằng mình sẽ mua một chiếc máy tính có dung lượng lưu trữ thấp và sử dụng một phương tiện lưu trữ riêng biệt ở bên ngoài. Nó thật là bất tiện nếu bạn cứ phải lấy dữ liệu từ ổ cứng gắn ngoài thường xuyên. Mà một khi bạn đã có được dung lượng lưu trữ lớn trong máy tính thì bạn sẽ lại sinh ra cơn “lười” backup.
Trở ngại thứ hai là những chiếc ổ cứng di động sử dụng cổng USB kiểu cũ, khi mà bạn đã sử dụng những chiếc HDD tốc độ không cao, lại còn bị “bóp” băng thông so với giao thức SATA gốc của chiếc ổ đó thì bạn mới thấy rằng thảm cảnh đó sẽ như thế nào. Mặc dù hiện nay USB đã có những bước tiến lớn để nâng cao tốc độ truyền tải dữ liệu nhưng đó đã từng là lý do, và có thể vẫn sẽ là lý do khi bạn lựa chọn một chiếc ổ cứng di động giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Để mình bổ sung thêm cho các bạn một sự khó chịu nữa mà mình gặp phải khi sử dụng những chiếc ổ cứng kiểu này nhé. Khi mà bạn có một đầu kết nối đặc thù như Micro USB type B, bạn sẽ phải bảo vệ nó thật cẩn thận vì nếu có lỡ đánh rơi, làm đứt dây hay gãy đầu kết nối. Bạn sẽ gặp rắc rối lớn đó! Đó là một sợi dây cáp mà không phải nơi nào cũng bán, bạn cũng không thể thay thế bằng bất cứ sợi dây của một thiết bị nào khác mà bạn đang sở hữu. Nhất là khi mà chiếc ổ cứng di động của bạn chỉ thường được lôi ra trong những tình huống gấp gáp khó mà bình tĩnh hay trì hoãn được cả.
Là một thiết bị di động, nhưng lại rất nhạy cảm với độ cao, những chiếc HDD gắn ngoài thực sự chỉ yên ổn nếu bạn để tâm đến chúng. Còn nếu bạn là một người chỉ cần có chút bất cẩn thôi, chiếc ổ cứng của bạn có thể sẽ là nạn nhân của một “bài test trọng lực” và phần lớn thì dữ liệu trên những chiếc ổ cứng trong tình huống này cũng chỉ cần một làn gió là thổi bay.
Dù cảm thấy còn khá nhiều những ác cảm với một chiếc ổ cứng gắn ngoài nhưng sau vụ mất dữ liệu thì mình vẫn phải đưa ra quyết định là trang bị cho mình ít nhất một chiếc ổ cứng gắn ngoài để sao lưu những nội dung quan trọng đề phòng chúng không cánh mà bay.
Khi lựa chọn một chiếc ổ cứng gắn ngoài ở thời điểm hiện tại, mình không suy nghĩ quá nhiều. Với nhu cầu chỉ là sao lưu dự phòng, mình cần một thiết bị nhỏ gọn để có thể dễ dàng mang đi mang lại. Nó phải đi kèm một sự bền bỉ nhất định để có thể giảm thiểu được rủi ro từ những tình huống không mong muốn. Đặc biệt là phải nhanh để những thao tác sao lưu được diễn ra gọn gàng và đỡ mất nhiều thời gian chờ đợi.
My Passport SSD của Western Digital (gọi tắt là WD) là sự lựa chọn cuối cùng của mình bởi nhiều lý do. Đây không phải là chiếc ổ cứng di động xịn xò nhất về mọi khía cạnh. Tuy nhiên nó lại đáp ứng đầy đủ, thậm chí là nhiều hơn mình mong đợi.
Nói qua về My Passport SSD, đây là line-up sản phẩm cơ bản nhất của thương hiệu thiết bị lưu trữ nổi tiếng Western Digital. Bên cạnh những chiếc ổ cứng di động My Passport sử dụng HDD trước đây thì WD mới “kết nạp” thêm những chiếc SSD vào dải sản phẩm của họ để đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường. Trước đây, những chiếc My Passport sở hữu ngoại hình vuông vức, góc cạnh thậm chí là sử dụng một phần chất liệu ở lớp vỏ là kim loại để tăng độ “uy tín” của sản phẩm. Trong thời gian gần đây thì họ lại chuyển qua một thiết kế có phần trẻ trung và thân thiện hơn với đại đa số người dùng nhưng vẫn giữ lại được cho mình những nét sang trọng . Chủ yếu áp dụng lớp vỏ nhựa để giảm trọng lượng cho các thiết bị đậm tính di động như thế này. Bản thân mình cũng lựa chọn My Passport SSD bởi nó có những sự lựa chọn trùng hợp với màu sắc của loạt thiết bị mà mình đang sử dụng. Đó là màu Space Grey trên chiếc MacBook, iPad và Apple Watch của mình.
Cũng chính vì cái thiết kế này mà mình tự tin “đẩy” nó vào cái ngăn nhỏ bên hông của chiếc cặp chống sốc. Nó không chỉ mỏng, gọn mà còn có một kiểu dáng rất phù hợp để có thể lấy ra sử dụng bất cứ lúc nào. Trong những lúc cần thiết thì ngay cả túi quần jean, túi áo khoác, túi xách của mấy chị em gái cũng rất phù hợp để đựng chiếc ổ cứng di động này.
Trong tất cả những sản phẩm thuộc Line-up My Passport của Western Digital từ trước đến nay, chiếc SSD My Passport này mới thực sự xứng đáng với cái tên mà nó đang mang. Một cuốn hộ chiếu đưa bạn vượt qua nhiều biên giới mà những thiết bị lưu trữ khác đều không có khả năng vượt qua được. Đó chính là nhờ cổng USB-C được trang bị trên chiếc ổ cứng này.
Bạn chỉ cần duy nhất một sợi dây cáp USB-C to USB-C duy nhất để làm đủ thứ, kết nối đủ thứ, thậm chí là sạc đủ thứ luôn. Xung quanh mình hiện nay có rất nhiều những sản phẩm sử dụng cổng USB-C để kết nối như iPad, MacBook, điện thoại Android thế hệ mới v.v… và thật hay ho khi bạn có thể sử dụng chiếc ổ cứng di động của mình với tất cả những thiết bị như vậy.
Sử dụng giao tiếp kết nối USB 3.2 gen 2 có băng thông 5Gbps, tốc độ đọc/ghi của My Passport SSD tuy không phải là nhanh nhất nhưng 1GB/s cũng là một con số biểu thị sự vượt trội so với những chiếc ổ cứng di động sử dụng HDD trước đây rất nhiều. Đối chiếu với chiếc My Passport HDD cũng đến từ Western Digital, tốc độ của chiếc SSD mà mình đang sở hữu là gấp khoảng 7 lần.
Mình cũng đã thử test qua với Crystal Disk Mark để xem tốc độ có đúng là 1GB/s như WD đã quảng cáo hay không. Kết quả hoàn toàn đúng, ngoài ra, tốc độ đọc/ghi random File 4k của chiếc SSD này cũng rất đáng để chú ý. Nó không quá mạnh nhưng vừa đủ để cho mình có thể vận hành cả một hệ điều hành và ứng dụng trực tiếp từ chiếc ổ cứng chứ không cần phải đưa nó vào ổ cứng hệ thống bên trong máy tính.
Bên cạnh đó mình còn phát hiện ra một điều là phần ruột bên trong của chiếc SSD này chính là chiếc WD Blue SN550 NVMe SSD thông qua Crystal Disk Info. Mình cũng đã xác nhận lại điều này một lần nữa thông qua việc “mổ” chiếc SSD để thấy được phần ruột bên trong.
Chiếc SSD này hoá ra chỉ có phần khung chính là nhựa mà thôi, còn một phần nắp của My Passport SSD lại là nhôm mỏng. Ít nhất thì chúng ta vẫn còn một mặt có khả năng hấp thụ và tản nhiệt thụ động ra môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, thiết kế bên trong thực sự thiếu hợp lý. Phần tiếp xúc với mặt kim loại duy nhất lại không phải chiếc SSD mà lại là bảng mạch chuyển đổi. Nếu My Passport SSD có thể thay đổi một chút trong thiết kế thì nó sẽ được tản nhiệt tốt hơn hẳn.
Với tốc độ của My Passport SSD, mình không chỉ sử dụng nó dưới dạng một ổ lưu trữ thông thường mà thi thoảng mình còn tận dụng để biến nó thành một ổ cứng để khởi động hệ điều hành bên trong. Nó giúp mình có được một môi trường làm việc linh hoạt giữa MacOS và Windows hay thậm chí là giúp mình thử nghiệm một số ứng dụng mà không quá phải lo lắng về những thiệt hại với hệ thống chính.
Tất nhiên, nhờ sự nhỏ gọn và tiện lợi của My Passport SSD mà mình đã không gặp những rắc rối về dung lượng bộ nhớ mỗi khi phải làm việc ở bên ngoài.
Bỏ ra số tiền trên 3 triệu đồng cho 500GB lưu trữ có thể là một mức đầu tư đáng kể. Nhưng với những lợi ích mà chúng ta có thể nhận được từ chiếc ổ cứng này là rất nhiều. Khi mà dữ liệu và thời gian chính là tiền bạc, của cải của bạn thì mức đầu tư này cũng không đáng là bao. Đối với trường hợp của mình, có những thứ dữ liệu vô giá đã mất đi mà không thể làm lại được. Bởi vậy, khi mà những điều “bất ngờ” còn chưa tới thì bạn nên tạo cho mình những sự bảo vệ cần thiết để đỡ cảm thấy day dứt như mình nhé!.