article detail

Xiaomi đang đánh vào khoảng trống mà Huawei để lại

3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Trong khoảng 1-2 năm tới, Xiaomi có thể vươn lên trở thành thương hiệu điện thoại số 1 Trung Quốc.

“King of Android” là cụm từ để Xiaomi ám chỉ Mi 11 Ultra ra mắt đầu tháng qua. Biệt danh vừa rồi gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng bởi sự tự tin thái quá đến từ Xiaomi. Tuy nhiên, trên thực tế Xiaomi đã thực sự lớn mạnh và thậm chí còn sẵn sàng thay thế ông lớn Huawei trong phân khúc điện thoại cao cấp.

Từ giữa năm 2019, tương lai của Huawei bị phủ một màu u tối khi nhận phải lệnh cấm thương mại từ Mỹ. Kể từ đó, thương hiệu Trung Quốc này sẽ không được phép sử dụng các sản phẩm có sử dụng công nghệ Mỹ, bao gồm cả Google Mobile Service. Kể từ Mate 30 series, điện thoại thông minh của Huawei sẽ không còn dịch vụ của Google bên trong, bao gồm những dịch vụ quan trọng như Play Store, Google Maps, Gmail,...

Và thời điểm đó cũng là lúc đánh dấu sự suy tàn của một đế chế, một thế lực hùng mạnh đến từ Trung Hoa trong mảng smartphones. Nhiều người ở thời điểm đó cho rằng, điện thoại Trung Quốc sẽ ngày một suy tàn khi “người anh cả” Huawei sụp đổ, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Tại sao muốn đánh chiếm thị phần từ Huawei?

Ngay sau khi Huawei nhận phải đòn đau này, Xiaomi đã có những động thái thay đổi chiến lược để vươn mình hơn, qua đó thể hiện tham vọng trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Những chiếc smartphones cao cấp của Huawei thời điểm đó như Mate 20 Pro, P30 Pro (vẫn có Google Mobile Service) được đánh giá rất cao bởi cả người dùng lẫn giới phê bình. Tuy nhiên, ngay sau khi mất đi dịch vụ Google, thị phần của thương hiệu này lập tức tụt dốc.

Huawei Mate 20 Pro - Ảnh: The Verge

Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Xiaomi đã thực sự chuyển mình, và sẵn sàng vào khai thác khoảng trống trong phân khúc smartphones cao cấp mà Huawei để lại. Phân khúc này luôn là khao khát của tất cả thương hiệu làm điện thoại thông minh. Ở đó, giá bán của mỗi thiết bị được nâng cao, từ đó cũng tạo ra biên lợi nhuận lớn. Ngoài ra, có một chiếc smartphones cao cấp được người dùng ghi nhận cũng là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm với khách hàng. Tất cả đã thôi thúc Xiaomi phải vươn mình, chiếm lĩnh thị phần mà Huawei để lại.

Xiaomi đã làm gì để chiếm lĩnh phần của Huawei?

Vậy Xiaomi đã làm gì để chiếm lĩnh được thị phần của Huawei? Vài năm trước, Xiaomi được định hình là một thương hiệu điện thoại giá rẻ, tuy nhiên thương hiệu này đang dần gỡ bỏ tấm áo đó để nâng tầm cái tên Xiaomi lên phân khúc cao cấp. Khi đó, phân khúc giá rẻ và tầm trung sẽ được nhường cho Redmi - công ty con đã có nhiều thành tựu đáng được ghi nhận trong thời gian qua.

Khi được thỏa sức, tập trung phát triển điện thoại phân khúc cao cấp. Xiaomi chắc chắn sẽ có được những sản phẩm chất lượng hơn, mà mới nhất là thế hệ Mi 11. Mi 11 chính hãng đã về Việt Nam từ 1 tháng trước và phần nào khẳng định được chất lượng về cả phần cứng lẫn trải nghiệm.


Thiết kế, mức độ hoàn thiện của những chiếc flagship mang thương hiệu Xiaomi giờ đây đã thực sự cao cấp. Tấm gương Huawei được Xiaomi noi theo học tập và cũng phát triển để được được những sản phẩm chất lượng như vậy. Giờ đây, cầm trên tay Mi 11 hay Mi 11 Ultra, ta đã cảm nhận được độ “sướng” mà nó mang lại.

Thêm nữa, Xiaomi cũng có chiến lược khá rõ ràng khi ra mắt Mi 11. Thời điểm ra mắt, Mi 11 còn trở thành chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Snapdragon 888. Xiaomi muốn mình phải là người đầu tiên sở hữu chipset cao cấp nhất, dẫn đầu công nghệ cũng là cách để khẳng định chất lượng của hãng.

Huawei những năm huy hoàng được nhắc nhiều bởi thành công từ cụm camera. Do đó, Xiaomi muốn có được thị phần mà Huawei để lại cũng phải có một sản phẩm đạt được chất lượng tương tự. Và trên thực tế trải nghiệm Mi 11, chất lượng hình ảnh đã được Xiaomi cải thiện rất nhiều cả về màu sắc lẫn chi tiết. Hay xa hơn, Mi 11 Ultra còn có được cụm camera cực kỳ ấn tượng ở mặt lưng. “King of Android” là tên gọi được Xiaomi dùng khi nhắc tới phiên bản Ultra này và điểm nhấn lớn nhất cũng là cụm camera. Màn hình nhỏ ở cạnh camera cũng là điểm nhấn đáng chú ý trong thị trường điện thoại thông minh hiện nay. Qua đó phần nào khẳng định được tham vọng của Xiaomi, tham vọng thay thế ông lớn Huawei.

Song song với đầu tư vào sản phẩm, một thương hiệu lớn cũng cần có được phương pháp truyền thông hiệu quả.

Tại thị trường quốc tế, Huawei đã thực sự thể hiện sự yếu ớt trong việc marketing sản phẩm nếu so sánh với đồng hương Xiaomi. Tại thị trường Châu Âu, nơi được coi là “sân nhà thứ 2” của Huawei ở thời điểm này cũng thưa dần sự xuất hiện của các chương trình khuyến mãi, những dự án marketing rầm rộ. Tất cả chỉ dừng lại ở mức vừa đủ, không thể tiếp cận được lượng lớn khách hàng như trước. Lý do đơn giản là vì người dùng đang dần quên Huawei, quên đi một sản phẩm Android thiếu đi linh hồn bên trong nó. Đó là Android, là Google Mobile Service.

Trái ngược hoàn toàn, Xiaomi đã thực sự vươn mình hơn trong các chiến dịch truyền thông trên toàn thế giới. Dễ thấy nhất là tần suất đăng video trên kênh YouTube của Xiaomi và Huawei. Trong khi Xiaomi tập trung vào tính năng của smartphone với hàng loạt đoạn video giới thiệu thì Huawei vốn đã ít video, giờ đây lại tập trung vào tai nghe, máy tính bảng, đồng hồ thông minh… Qua đó phần nào thể hiện sự “hời hợt” của Huawei khi truyền thông về các sản phẩm flagship của hãng. Xiaomi đã và đang tận dụng thời điểm này để đưa Mi 11 series và các sản phẩm cao cấp tới gần hơn với người dùng. 

Ngay tại thị trường Việt Nam, các chương trình truyền thông của Xiaomi cũng được đầu tư hơn hẳn so với Huawei. Mi 11 ra mắt được gắn liền với cụm từ “Phép màu điện ảnh” trong mọi chiến dịch marketing trên hầu hết các nền tảng mạng xã hội, website, báo chí,... Còn Huawei? Mặc dù vẫn hoạt động ở Việt Nam, tuy nhiên để nhìn thấy một chương trình truyền thông của Huawei là khá hiếm. Huawei đã nổi tiếng với cụm camera dẫn đầu xu thế, thì Xiaomi cũng sẽ làm tương tự để đi đúng con đường mà đàn anh đã đi. Qua đó, nhanh chóng chiếm được thị hiếu của người dùng trong phân khúc cao cấp.

Kết quả

Đầu năm 2021, Xiaomi đã tự hào tuyên bố năm 2020 là năm đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của thị trường châu Âu, nơi từng được coi là “sân nhà” của Huawei. Sự gia tăng đó phản ánh những động thái tích cực của Xiaomi để cạnh tranh với Huawei ở Trung Quốc đại lục và trên cả thị trường quốc tế. Nó cũng đã đến trong bối cảnh Huawei đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.

Thị phần của Xiaomi trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã tăng lên 11,2% trong quý IV với tổng cộng 43,3 triệu chiếc được bán ra. Kết quả đó đưa Xiaomi có được vị thế vững chắc trên thị trường, sau Apple và Samsung Electronics. Trong khi đó, Huawei giờ đây chỉ còn 8% thị phần toàn cầu. Đây là mức sụt giảm đáng kể so với thời hoàng kim năm 2018 với 20% thị phần (dẫn đầu thế giới) và 14% thị phần trong năm 2019.

Xét về thị phần nội địa Trung Quốc, Huawei vẫn là nhà cung cấp điện thoại thông minh nội địa hàng đầu của của quốc gia tỷ dân trong quý IV với 22% thị phần. Tuy nhiên, đó là dư địa từ thành công của những năm trước, và tính tới hiện tại tốc độ tăng trưởng của Huawei đã giảm 44% trong giai đoạn này. Trong khi đó, Xiaomi với tốc độ tăng trưởng 52% đã chiếm 15% thị phần tại Trung Quốc.

Tổng kết

Nhìn chung, việc đầu tiên Xiaomi cần làm nếu muốn vươn mình trở thành thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới là vượt qua Huawei. Huawei đã là một thế lực quá lâu ở cả thị trường Trung Quốc lẫn thế giới và Xiaomi cần bước ra khỏi cái bóng đó để thể hiện mình. Tới thời điểm hiện tại, những tín hiệu đó đã ngày một rõ ràng và hãy cùng chờ thời điểm Xiaomi bùng nổ thực sự nhé!

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập