AMD năm 2020: Thắng đậm nhưng đừng nên chủ quan
Năm 2020 có thể là một năm không mấy vui vẻ với đối thủ Intel. Nhưng với AMD và Dr. Lisa Su, Year End Party năm nay chắc chắn sẽ rất hoành tráng với nhiều lời khen ngợi và chúc mừng. Mặc dù không được mời đến buổi lễ đó (tuổi gì mà được mời), mình vẫn muốn được chia sẻ về những thành công của AMD trong năm nay. Tất nhiên, AMD cũng không nên ngủ quên trên chiến thắng này mà phải nhận ra rằng còn rất nhiều kẽ hở trong sự phát triển trong từng sản phẩm của mình.
AMD Ryzen 5000 series - thổi phát là Intel "bay màu"
Ngay từ Ryzen 3000 series, AMD đã là một thế lực đe dọa rất lớn đến thị trường PC của Intel nhưng sức mạnh đó vẫn chỉ là một tiềm năng chứ chưa thực sự thuyết phục được người dùng chuyển từ Intel sang AMD. Nhưng sang đến năm 2020, khi AMD tung ra vi kiến trúc Zen 3 bên trong những chiếc CPU Ryzen 5000, định kiến AMD là nóng mới chính thức bị xóa bỏ. Không phải là AMD đã “nguội” mà chỉ là đối thủ Intel của họ ngày một nóng hơn thôi.
Chúng ta vẫn công nhận rằng Intel rất mạnh, nhưng sự mạnh mẽ của họ yêu cầu một mạch VRM phải đủ lớn, một hệ thống tản nhiệt phải đủ tốt để gồng gánh sức mạnh đó. Đôi khi, chúng ta sẽ thấy rằng, không phải là AMD họ đang mạnh lên, mà họ chỉ tối ưu hóa tài nguyên để hoạt động trở nên hiệu quả hơn thôi. Theo như con số được chính AMD công bố vào ngày ra mắt của Ryzen 5000 series, IPC – số lượng chỉ thị trên mỗi chu kì, tăng 19% so với Ryzen 3000 series 2 năm trước đó.
Không cần đến trùm cuối Ryzen 9 5900X, ngay cả Ryzen 5800X đã có thể đánh bại Intel i9-10900K ở một số tựa game như Total War: Three kingdoms khoảng 7%. AMD Ryzen đã chính thức soán ngôi vị CPU chơi game tốt nhất của Intel đã giữ suốt nhiều năm qua.
Không chỉ dừng lại ở mảng PC Desktop, những chiếc laptop chạy CPU AMD cũng dần trở nên có tiếng nói hơn. Không ít những cấu hình laptop flagship được ra măt trong năm 2021 đã lộ cấu hình sử dụng CPU AMD Ryzen 5000 cùng với những option card đồ họa cao cấp nhất như RTX 3080. Sự thống trị của AMD sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Theo nhiều dự báo thì Intel Rocket Lake sẽ không có quá nhiều sự tiến bộ so với những phiên bản cũ. Hiện tại, nhân Cypress Cove chưa có gì là đảm bảo cho một hiệu năng vượt trội hơn từ phía Intel. Và nó vẫn tiếp tục là một màn tăng khả năng tiêu thụ điện và sinh nhiệt mới. Đó là thứ mà những game thủ và người dùng PC không mong muốn chút nào. AMD vẫn phải dè chừng, nhưng họ không cần quá bận tâm với điều đó.
Điều mà họ cần bận tậm chính là sự phụ thuộc quá nhiều vào dây chuyền của TSMC sẽ khiến họ bị tổn thương bởi những thương vụ lớn mà nhà sản xuất bán dẫn này đang nhận về, ví dụ rõ ràng nhất là 80% dây chuyền 5nm đã vào tay của Apple. Trong khi đối thủ Intel của họ lại đang tự chủ về mặt sản xuất wafer nên chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn. Điều này có thể thấy ngay trên thị trường vào lúc này.
Đọc thêm:
AMD Big Navi – nội tại đã tốt, lại còn tốt hơn khi kết hợp vói AMD Ryzen 5000
Không chỉ làm rất tốt ở mảng CPU, GPU của AMD trong năm 2020 cũng không phải là dạng vừa khi vừa đủ sức để “cà khịa” với Nvdia không chỉ ở phân khúc tầm trung đổ lại mà còn sánh ngang hàng với những chiếc card đồ họa cao cấp nhất của đội xanh là RTX 3090.
Vào năm 2018, khi ra mắt Radeon RX5000 series, GPU mạnh mẽ nhất bấy giờ của AMD mới chỉ có thể cạnh tranh với những dòng card tầm trung của Nvidia như RTX 2060 Super mà thôi. Đấy là chưa kể, vào thời điểm đó, RTX còn có những vũ khí đặc biệt mà AMD không có như Ray Tracing, DLSS. Trong đó DLSS đóng vai trò chìa khóa vô cùng quan trọng trong việc trải nghiệm rất nhiều tựa game yêu cầu đồ họa cao, giúp số lượng khung hình mượt mà hơn mà bản thân các nhân đồ họa không phải làm việc đúng sức của nó. Bản chất bộ vi xử lý hình ảnh của Nvidia đã mạnh hơn AMD nếu không chạy DLSS, nhưng nếu có thêm DLSS thì bạn hiểu được rằng AMD còn thua thiệt tới đâu nữa.
Tuy nhiên, cố gắng nhồi nhét tất cả vào trong một chiếc card đồ họa sẽ khiến nó nóng lên, như trường hợp của Intel vậy. Bạn có thể nhìn thấy sự đồ sộ của những chiếc card đồ họa RTX 3000 series của Nvidia rồi đó. Những chiếc case bé bé như của mình cũng phải rất cân nhắc nếu muốn nâng cấp lên những chiếc card đồ họa như thế này. Tuy đó chỉ là một điểm trừ nhỏ với GeForce RTX, nhưng nếu nhìn xa hơn, bạn cũng có thể thấy rằng họ đã đi đến giới hạn thực tế về khả năng xử lý đồ họa.
Cách mà RDNA2 phát triển đi theo con đường hoàn toàn khác so với kiến trúc của Nvidia. Mặc dù cũng có Ray Tracing, có thể là có thêm thứ gì đó để cạnh tranh với DLSS trong tương lai gần, nhưng đó cũng không phải là do AMD đang bị ảnh hưởng và phải chơi theo luật của đối thủ. Big Navi của AMD lại hướng đến hiệu suất làm việc với cùng những tài nguyên mà họ có sẵn, họ đang cố gắng tối ưu hóa kiến trúc, phân bổ lại tài nguyên. Trong quá trình phát triển của AMD, khi nhìn vào RDNA2 ngoài việc nâng cao hiệu năng trên từng đầu sản phẩm, từng phân khúc, họ còn rất chú trọng vào việc kiểm soát hiệu suất của vi xử lý trên từng W điện. Cùng đem lại một kết quả giống nhau, nhưng so với thế hệ trước đó, RDNA 2 sử dụng ít tài nguyên hơn thế hệ cũ đáng kể.
SAM – Smart Memory Access, tính năng nhỏ, hiệu quả lớn
Không hổ danh là công ty duy nhất có cả CPU và VGA rời, AMD rất biết tận dụng thế mạnh này của mình để biến nó thành thứ vũ khí nguy hiểm cho những đối thủ đáng gờm nhưng lại chỉ đứng một mình như Intel và Nvidia. Về bản chất, AMD đã có nhiều kinh nghiệm với những hệ thống sử dụng cả CPU và GPU do chính mình sản xuất. Đó là những hệ máy game Console bán chạy nhất thế giới, Playstation và Xbox. SAM tuy là một giải pháp được phát triển bởi một bên thứ ba, thậm chí là nó tồn tại từ rất lâu trước đó, nhưng chỉ có AMD mới đầy đủ tiềm năng để sử dụng nó một cách ổn thỏa nhất. Mặc dù sự độc quyền của công nghệ này có thể phá vỡ bất cứ lúc nào, tuy nhiên Intel thì đang bận rộn với Intel Graphic Xe của mình, còn Nvidia thì lại đang đi theo hướng AI hóa sản phẩm card đồ họa. Chúng ta không thấy được sự đồng lòng của hai đại gia công nghệ này trong việc chống lại AMD.
Chỉ cần nhìn cách mà AMD (SAM) và Apple (UMA) sử dụng những giải pháp để tối ưu hóa bộ nhớ trên những hệ thống không quá xuất sắc về khả năng xử lý nhưng mang đến những kết quả cuối cùng hơn cả mong đợi. Nó dễ dàng được đón nhất hơn nhiều so với việc bạn sử dụng những hệ thống mạnh mẽ riêng rẽ nhưng không có sự kết nối tối đa, thật là lãng phí và tốn kém cho người dùng.
Game Console – Món quà tuyệt vời của sự hợp tác
Nếu như Intel vừa đánh mất một khách hàng tuy nhỏ nhưng lại có tác động lớn của mình là Apple, thì AMD lại rất thành công với các đối tác của mình là Sony và Microsoft. Mặc dù gặp rất nhiều trục trặc về nguồn cung và phải đối mặt với nhu cầu siêu to khổng lồ đến từ các thị trường trên toàn thế giới, nhưng đó vẫn là một thành công rất lớn không chỉ của riêng hai thương hiệu này mà còn khẳng định với các đối tác về giá trị của AMD trong sự phát triển chung của các hệ máy Console đỉnh cao nhất.