"Nuốt trọn" 80% dây chuyền TSMC 5nm, Apple sẽ khiến cả thị trường công nghệ lao đao?
Mặc dù đã có kế hoạch cho bóng bán dẫn 3nm, thậm chí là GAAFET 2nm trước năm 2024; nhưng nguồn thu chính lúc này của TSMC vẫn đến từ dây chuyền 5nm và 7nm. Và nếu tin đồn 80% sản lượng dây chuyền 5nm được Apple “thâu” mới đây là chính xác, lợi nhuận mà công ty Đài Loan có được sẽ còn tăng mạnh trong tương lai.
Cụ thể theo WCFTech, TSMC đã quyết định dành 80% dây chuyền 5nm để phục vụ “khách quý” Apple, và hệ thống này sẽ đi vào hoạt động kể từ Quý I/2021. Dự kiến, dây chuyền này sẽ có thể ổn định kể từ tháng 6 tới, với sản lượng hàng tháng đạt mức 9000 tấm wafer 5nm đã “in” die chip bán dẫn, sẵn sàng xử lý và gia công thành sản phẩm thương mại.
Với việc không còn lo lắng về nguồn cung, nhà Táo rất có thể sẽ biến những tin đồn phần cứng 2021 gần đây trở thành sự thực (A14Z Bionic trên iPad Pro, A14T Bionic cho iMac hay A15 cho iPhone 13). Và nếu nhìn xa hơn nữa, đây còn vô tình (hoặc không) là động thái gây tổn thương rất lớn tới các sản phẩm cùng sử dụng chung tiến trình 5nm trên toàn thế giới.
Cụ thể ở đây, chúng ta có những Qualcomm, Broadcomm, MediaTek và một vài công ty liên quan - những người sẽ phải vật lộn để chia 20% dây chuyền còn lại vào năm sau. Với việc nhu cầu bán dẫn chắc chắn sẽ tăng, số đông này sẽ còn phải vất vả nhiều, nhất là khi sản lượng của TSMC sẽ khó có thể tăng trước nửa cuối 2021. Chưa kể hiện tại, TSMC cũng đang không có ý định tăng sản lượng vào 5nm, khả năng là để tập trung tài nguyên cho nhà máy 3nm sắp tới.
Không chỉ smartphone, việc khan hiếm wafer cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm công nghệ khác: PlayStation 5, Xbox Series X, hay thậm chí là cả APU và GPU trên PC. Tất cả các sản phẩm trên đều trong tình trạng khan hàng, và các sản phẩm mới trong tương lai sẽ không thể ra mắt đúng lộ trình do thiếu nguyên vật liệu, giao hàng chậm,... và còn nhiều nữa.
Một ví dụ điển hình cho câu chuyện “quay xe” chính là card đồ họa RTX 3080Ti, khi mới đây nó đã phải nhường chỗ cho RTX 3060 trong tháng Giêng tới. Mặc dù chưa biết lý do chính thức, nhưng rất có thể đây là hậu quả của việc thiếu nguồn cung nguyên liệu – bao gồm cả bóng bán dẫn.
Ngay cả những sản phẩm dùng tiến trình cũ hơn (7nm, 10nm,..); liệu chúng có thể thoát khỏi vòng xoáy, khi TSMC chắc chắn sẽ phải dồn nhiều nhân lực và vật lực hơn để đảm bảo sản lượng cho “khách sộp”?
Chưa kể, công ty Đài Loan vừa có đợt tăng giá lần thứ 3 chỉ trong Quý IV vừa rồi, vậy nên linh kiện lúc này ngoài khan hiếm ra thì còn rất đắt. Phần cứng sử dụng 5nm theo đó cũng sẽ tăng giá, dẫn đến các sản phẩm công nghệ liên quan cũng khó có thể giữ mình. Khi đó, sẽ có nhiều sản phẩm không thể ở lại phân khúc định sẵn, dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về hiệu năng trên giá thành. Hậu quả là người dùng sẽ mất đi một lựa chọn sáng giá, hoặc ít nhất là đã từng vậy.
Nhìn chung, nếu đúng là Apple sẽ “thâu” gần như trọn gói dây chuyền 5nm, làng công nghệ nói chung hứa hẹn đảo lộn không ít trong năm tới. Thậm chí, TSMC cũng sẽ cần chịu một phần trách nhiệm nếu điều này xảy ra, và công ty Đài Loan sẽ cần có phương án điều tiết sản xuất thích hợp để tránh gây “náo loạn” ngành công nghệ thế giới trong tương lai.
Theo Wfctech