Báo cáo tài chính đầu năm 2021 cho thấy các công ty công nghệ hút máu chúng ta thế nào

Thu Hồng
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Các công ty công nghệ đang gặt hái một mùa bội thu bất chấp những khó khăn chồng chất.

Không thể phủ nhận COVID đã tạo ra vô số những thách thức cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt các công ty công nghệ cũng đã phải chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ. Thế nhưng theo các báo cáo tài chính quý I năm 2021 mới đây có thể thấy rằng, các công ty công nghệ đang gặt hái một mùa bội thu với loạt doanh số khủng khiến các chuyên gia cũng phải bất ngờ. 

Bức tranh toàn cảnh 

Tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài 2 năm ròng và chưa hề có dấu hiệu suy giảm, làm cho bức tranh toàn cảnh thị trường công nghệ thật vô cùng u ám. Hàng ngàn nhân công phải nghỉ việc để thực hiện các biện pháp phòng dịch, dây chuyền sản xuất bị quá tải, sản xuất không kịp tiến độ. Cũng từ đây, vấn đề thiếu hụt linh kiện ngày càng nhiều, các thiết bị trở nên khan hàng, cung không đủ cầu. Đại dịch cũng làm cho việc xuất nhập khẩu bị hạn chế, các thương lái thì đua nhau đẩy giá, chèn ép khách hàng. Một chuỗi domino đầy khắc nghiệt diễn ra trước mắt...

Thị trường công nghệ vẫn “sống ngon” nhờ người dùng

Ngỡ tưởng đại dịch sẽ là một “vật ngáng đường” cho đà tăng trưởng của thị trường công nghệ nhưng không. Các báo cáo cho thấy doanh thu của các công ty này vẫn tăng trưởng tốt, thậm chí là tăng trưởng một cách chóng mặt.

Tổ chức nghiên cứu thị trường Canalys cho biết, chi tiêu cho công nghệ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp kinh tế toàn cầu suy thoái, chủ yếu dành cho các sản phẩm và dịch vụ cho phép hoạt động kinh doanh liên tục, bao gồm máy tính xách tay và thiết bị ngoại vi, các dịch vụ dựa trên đám mây và an ninh mạng. 

Tài sản của các công ty công nghệ được thúc đẩy giữa bối cảnh người dân trên toàn thế giới phải “chôn chân tại nhà” vì đại dịch COVID-19. Chủ yếu phải kể đến nhu cầu về các thiết bị phục vụ học tập, làm việc của học sinh sinh viên và người đi làm tăng đột biến, mọi SKU đều bị “vơ sạch”, kể cả là những thiết bị khó bán nhất.

Ngoài nhu cầu về học tập và làm việc, thì nhu cầu về giải trí cũng được nhiều người đặt lên hàng đầu. Bằng chứng là Sony đã công bố một con số kỷ lục cho PlayStation 5 – 7,8 triệu thiết bị đã được bán ra thị trường kể từ thời điểm ra mắt tháng 11 năm 2020.

Các dịch vụ trò chơi trực tuyến cũng được các công ty phần mềm đẩy mạnh, bởi hầu hết người dùng không chỉ mua một chiếc máy chơi game đơn thuần, mà họ còn mua kèm những trò chơi được tích hợp trong các nền tảng đó, thậm chí là nâng cấp các phiên bản trò chơi đã cũ để tận dụng được sức mạnh phần cứng của các thiết bị mới.

Và khi nhu cầu về phần cứng đã chạm giới hạn, việc sở hữu những thiết bị cao cấp ngày càng khó khăn do vấn đề thiếu nguồn cung chưa được giải quyết, người dùng đã tìm đến những giải pháp về phần mềm, hay cụ thể hơn là dịch vụ điện toán đám mây.

Đại dịch Covid làm thay đổi cách giao tiếp giữa người với người, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa doanh nghiệp với đối tác và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều những cá nhân, công ty, thậm chí là cả những chính phủ đã chuyển đổi qua mô hình làm việc trực tuyến. Vì vậy các dịch vụ đám mây lúc này trở thành một giải pháp vô cùng cấp thiết. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển và nguồn lợi khổng lồ của các nhà phát triển điện toán đám mây.

Những con số biết nói

Báo cáo tài chính mới cũng chứng kiến nhiều bước nhảy đáng kinh ngạc của các công ty công nghệ.

Trong thời gian mà cả thế giới đang gặp khủng hoảng, Google vẫn tiếp tục bổ sung gần 17.000 nhân viên, nâng tổng số nhân sự toàn cầu lên tới 139.995 người. Trong quý đầu tiên, doanh thu mà gã khổng lồ này có được lên tới 55.314 tỷ USD, tăng tới 34% so với quý 1 năm ngoái. Sau khi khấu trừ hàng loạt các chi phí liên quan, Google nghi nhận mức lợi nhuận đã đạt tới 17.93 tỷ USD, tăng tới 6.84 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo thu nhập của Microsoft đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2021, các con số đạt được còn cao hơn cả ước tính ban đầu của các nhà phân tích. Doanh thu của Microsoft đạt được là 41,7 tỷ USD (ước tính 41,03 tỷ USD), thu nhập ròng đạt 15,5 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu quả tài chính này được thức đẩy bởi doanh thu đến từ dịch vụ đám mây Office 365 và Azure. Các giải pháp đám mây của Microsoft đã tạo ra 17,7 tỷ USD doanh thu, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Sony, ngoài doanh số kỷ lục của PS5 đã đề cập ở trên, mảng đi động của công ty này cũng chứng kiến sự tăng vọt ngoài sức tưởng tượng. Để đạt được thành công này, Sony cho biết đã cắt giảm chi phí sản xuất smartphone, đồng thời tăng giá sản phẩm bán ra. Theo như số liệu công bố về năm tài khoá 2020 (kết thúc vào ngày 31/03/2021), doanh thu mà Sony thu về so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 27,7 tỉ Yên (khoảng 6 nghìn tỷ VNĐ). Đây cũng là lần đầu sau hơn 3 năm, mảng kinh doanh smartphone của công ty mới không ghi nhận tình trạng lỗ.

Apple cũng kết thúc quý I với doanh thu 111,44 tỷ USD và lợi nhuận đạt 28,6 tỷ USD. Trong 3 tháng qua, iPhone đã mang về cho Apple 65,6 tỷ USD, cũng là mức cao chưa từng có đối với doanh thu mảng di động của hãng, thậm chí cao hơn toàn bộ doanh thu quý của những năm trước. Trong khi đó các dòng sản phẩm khác như iPad (chiếm 8,44 tỷ USD trong tổng doanh thu), iMac (8,68 tỷ USD) cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là sự thành công của con chip Apple M1.

Tạm kết

Có thể thấy, các công ty công nghệ trên toàn thế giới vẫn không hề bị khuất phục trước những khó khăn trong đại dịch, doanh thu và lợi nhuận vượt trội đã khiến cho nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác phải “ao ước”.

Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ suy đoán về diễn biến của đại dịch. Tuy nhiên câu hỏi lại được đặt ra rằng, khi mọi hoạt động sản xuất trở lại như bình thường thì liệu nhu cầu về sản phẩm của người dùng có còn được tăng cao nữa hay không, khi trong bối cảnh hiện tại họ đã nắm trong tay những thiết bị và các giải pháp cần thiết nhất. Sức mua sẽ chững lại, nhưng chắc chắn nhu cầu về các giải pháp phần mềm sẽ là miếng mồi ngon để các công ty tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong tương lai.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập