Laptop bao năm qua đã tiến xa thế nào? - So sánh chơi game trên laptop vs desktop
Từ việc chỉ đủ mạnh cho các tác vụ văn phòng, máy tính xách tay (laptop) đã đi một chặng đường dài để trở thành một công cụ mạnh mẽ, đủ sức làm được gần như mọi thứ. Tuy nhiên với một số nhu cầu, chỉ mạnh thôi là chưa đủ, điển hình có thể kể tới gaming. Thông thường, việc chơi game vẫn được nhiều người ưu tiên thực hiện trên máy tính để bàn (desktop). Đơn giản vì desktop sẽ được cấu thành từ những thành phần chất lượng cao, giúp chúng ta thỏa mãn mọi giác quan khi giải trí - Thị giác, thính giác, xúc giác và hơn thế nữa.
Để đem lại cảm giác chơi game bắt kịp với desktop, gaming laptop sẽ cần có được màn hình, bàn phím, v.v. và nhất là phần cứng cực kỳ chất lượng. Trước đây, bạn sẽ cần bỏ ra mức kinh phí trên trời cho một sản phẩm như vậy, nhưng giờ đây có khi chỉ cần một con số phải chăng, trải nghiệm có được cũng đã là tuyệt vời, đủ để nhiều người tin tưởng laptop cho việc sử dụng lâu dài.
Vậy gaming laptop đã đi xa tới đâu? Điều gì đã khiến nhiều người thậm chí đặt chúng lên bàn cân so với desktop mạnh mẽ? Hãy cùng nhìn lại mọi thứ thông qua Acer Nitro V ANV15-51-55CA - một đại diện từ mảng gaming laptop mà mình tin là rất phù hợp cho chủ đề này nhé.
Hiệu năng “tiến hóa”, mở khóa tiềm năng
Để chỉ ra yếu tố lớn nhất khiến game thủ ưu tiên desktop thay vì laptop, đó hẳn không gì khác ngoài “sức mạnh”. Với kích thước cùng điện năng tiêu thụ thoải mái hơn so với laptop, các linh kiện trên desktop như CPU, GPU,... nhờ vậy mà chạy mạnh hơn, mát hơn, “dễ thở” hơn khi phải “cân” các tựa game nặng. Lợi thế này của desktop tỏ ra đặc biệt thiết thực trong những năm gần đây, với sự ra đời của Ray Tracing, công nghệ tả thực về ánh sáng đã trực tiếp nâng cao tiêu chuẩn về phần nhìn của game thủ.
Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu giải trí cơ động tăng mạnh, các nhà sản xuất linh kiện cũng đã chăm chút hơn cho thành phẩm của mình ở trên laptop. Kết quả từ đó, chúng ta có được những con chip, card đồ họa, v.v. di động với hiệu năng không thể xem nhẹ. Đơn cử như bộ đôi CPU Intel Core i5-13450H và card rời GeForce RTX 4050 6GB trên Acer Nitro V, có thể vận hành thoải mái các tựa game AAA ở thiết lập Cao. Thậm chí khi đã đi kèm cả Ray Tracing, con số FPS cho ra từ máy vẫn là tương đối ấn tượng.
Để làm được điều này, phải kể tới việc NVIDIA cũng như Intel đã có những sự tối ưu đáng giá cho phần cứng của mình. Với Core i5-13450H, đó là tiến trình 10nm SuperFin cùng kiến trúc big.LITTLE để các nhân hoạt động hợp lý, còn với RTX 4050 thì đó là sự nâng cấp kiến trúc Ampere lên Ada Lovelace, đi kèm tới 2GB VRAM bổ sung so với thế hệ RTX 3000 đi trước để tăng mạnh hiệu quả khi chơi các tựa game AAA.
Ngoài ra với sự thêm thắt của thuật toán Frame Generation, tận dụng AI để render thêm những khung hình hoàn toàn mới trong game, ngay cả card rời trên laptop cũng có thể vận hành mượt mà những sản phẩm vốn được coi là “sát thủ phần cứng”. Ví dụ điển hình có thể kể tới siêu phẩm Cyberpunk 2077, với kết quả được chứng minh ngay dưới đây (thiết lập Ray Tracing: Medium):
Trước khi bật Frame Generation
Sau khi bật Frame Generation
Để rồi sau cùng, tất cả chỉ tiêu tốn của người dùng một lượng điện năng vừa phải, thứ có thể dẫn tới nhiều trải nghiệm tích cực như nhiệt độ máy mát hơn, củ sạc nhỏ gọn hơn tiện mang đi, v.v. Nhìn chung những năm gần đây, gaming laptop đã có thể làm được những thứ mà desktop vẫn luôn tự hào, trong khi vẫn duy trì được điểm mạnh cốt lõi là sự cơ động để đồng hành cùng người dùng tới bất kỳ đâu.
Nhiệt độ mát mẻ, chơi game bao khỏe
Tương tự desktop, gaming laptop cũng sẽ có hệ thống quạt để giúp phần cứng được mát mẻ hơn khi chạy nặng. Tuy nhiên thay vì được bổ trợ bởi không gian thoáng mát của buồng case, laptop sẽ có khoảng không bên trong là ít hơn rất nhiều. Nhiều người trước đây vẫn e ngại rằng, chơi game nặng trên laptop thường xuyên có thể khiến linh kiện nóng nhanh, dễ hao mòn. Tuy nhiên như trên Acer Nitro V, chúng ta đã có những công nghệ tản nhiệt mới, đi kèm sự tối ưu về điện năng cho phần cứng để kiểm soát vấn đề dễ dàng hơn.
Khi chơi các tựa game nặng, Acer Nitro V duy trì mức nhiệt khá ổn cho cả CPU lẫn GPU. Con số trung bình cho ra lần lượt 75 và 70 hoàn toàn có thể coi là mát mẻ, trong khi máy vẫn có thể chạy tốt các game nặng ở thiết lập đồ họa cao để thỏa mãn nhu cầu về trải nghiệm của người dùng.
Về cơ bản, trừ khi nhà sản xuất chủ ý đánh đổi về nhiệt độ để phục vụ những mục đích riêng, còn lại thì gaming laptop giờ đây đã làm tốt hơn rất nhiều ở khoản này. Người dùng cũng vì vậy mà có thể đặt niềm tin lâu dài hơn với laptop, ngay cả khi để làm những công việc nặng.
Màn hình mượt mà, tiếp đà chiến thắng
Nếu như trước đây, những chiếc gaming laptop thường sẽ chỉ có màn hình đủ dùng, phù hợp để giải trí đơn thuần, thì vài năm trở lại mọi chuyện đã khác đi rất nhiều. Những yếu tố như tần số quét cao, độ trễ, công nghệ chống xé hình, v.v. từ màn hình desktop đều đã xuất hiện trên laptop, khiến chúng đã phù hợp cả với nhu cầu “chơi để thắng”. Tất nhiên, tần số quét 144Hz cùng độ trễ 3ms như trên Acer Nitro V chưa phải quá ấn tượng, nhưng ít nhất chúng khiến con đường tới với thắng lợi của game thủ phần nào rộng mở hơn.
Còn xét tới chất lượng màu sắc, tùy tầm giá mà điều này trên gaming laptop được đảm bảo hoặc không. Tuy nhiên xét tới nhu cầu hỗn hợp của người dùng laptop hiện nay (Chơi game, làm multimedia, làm đồ họa kỹ thuật, v.v.), yếu tố này cũng đang dần được cải thiện, ngay cả với những sản phẩm có mức giá vừa túi tiền.
Về độ phân giải, FullHD (1920 x 1080) có thể không phải thứ mà game thủ ngày nay mong muốn, nhưng để tạo nên những sản phẩm tối ưu chi phí thì đây có thể xem là sự đánh đổi cần thiết. Ngoài ra với việc chi phí sản xuất linh kiện gaming laptop đang dần bình ổn, việc các sản phẩm tầm trung như Acer Nitro V có được chất lượng màn hình sắc nét không thua desktop cũng sẽ tới sớm thôi.
Nâng cấp thoải mái, sử dụng lâu dài
Cuối cùng, một trong những yếu tố đặc trưng của trải nghiệm chơi game trên desktop đó là khả năng nâng cấp, sửa chữa dễ dàng các linh kiện khi cần thiết. Đây là điều mà gaming laptop trước git rất khó theo kịp, nhưng ở một mức độ nhất định, những gì chúng có được vẫn là vừa đủ. Ví dụ với Acer Nitro V, chúng ta có thể thoải mái tùy chỉnh dung lượng bộ nhớ với hai khe RAM và hai khe SSD NVMe. Lần lượt 32GB và 2TB hỗ trợ tối đa có thể xem là khá ổn, xét tới mức giá chỉ ở tầm trung của sản phẩm này.
Và để bù lại cho việc không thể tháo rời, CPU và GPU của gaming laptop ngày nay thường được tính toán để hoạt động hiệu quả trên hệ thống trong ít nhất vài năm. Chỉ cần được vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, ngay cả những hệ thống giá rẻ cũng sẽ có thể hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Tạm kết
Với sự tiến bộ của công nghệ, trải nghiệm chơi game trên laptop đã tiến những bước rất dài, trở thành phương án đáng tin cậy bên cạnh desktop truyền thống. Tất nhiên, giới hạn về kích thước vật lý, điện năng tiêu thụ, v.v. vẫn khiến hai giải pháp này có những chênh lệch nhất định về trải nghiệm, nhưng các nhà sản xuất vẫn biết cách để khiến khoảng cách trên duy trì ở mức an toàn, thậm chí là thu hẹp dần theo thời gian.
Điều này giúp cho ngay cả các sản phẩm laptop tầm trung như Acer Nitro V cũng đáp ứng tốt nhu cầu chạy nặng của người dùng ở mức độ nhất định, xứng đáng với số tiền người dùng bỏ ra. Và để có được cái nhìn riêng về sản phẩm này, anh em đừng ngần ngại ghé qua bài đánh giá chi tiết vừa lên sóng tại website ThinkView nhé.