Mới thay máu nhân sự, Intel tiếp tục "cà khịa" cực mạnh Apple Silicon M1

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Cuộc chia tay của những cái tên nổi tiếng thì lúc nào cũng ồn ào. Apple và Intel có lẽ cũng không phải là ngoại lệ.

Khi Apple tạo ra M1, có rất nhiều sự toan tính bên trong đó, lợi cũng có mà hại cũng có. Tất nhiên một công ty trị giá hàng tỷ đô không thể thay đổi khi mà cái phần lợi về mình lại không nhiều hơn những hệ luy mà nó mang lại. Apple M1 đã thắng, ít nhất là ở những trải nghiệm người dùng phổ biến nhất. MacBook Air bán rất chạy, MacBook Pro 13 inch và Mac Mini cũng vậy. Ai từng một lần trải nghiệm về những chiếc máy Mac sử dụng chip “của nhà trồng được” đều cảm thấy trầm trồ trước những gì mà Apple đã đạt được. Và Intel thì lựa chọn im lặng, có vẻ như Intel cũng thực sự cảm thấy rằng mình yếu thế. Nhưng đã sau nhiều tháng kể từ màn ra mắt của Apple M1 thì cho đến nay, Intel đã có vẻ tự tin hơn khi đứng trước một đối thủ tuy mới mà chẳng mới chút nào.

Intel đã chính thức đáp trả, không phải bằng một thứ vũ khí mới mà là chính con chip Intel Core i7-1185G7 đã xuất hiện ít lâu trước khi Apple M1 được công bố. Điều này có thể hiểu theo nhiều cách. Hoặc là Intel đang lúng túng trước một xu hướng tiếp cận mới trong việc sản xuất vi xử lý, hoặc là Intel đã thực sự tìm ra được những điểm yếu của Apple M1 để có thể cạnh tranh. Riêng mình thì nghiêng về xu hướng thứ hai hơn. Bởi không có cái gì là hoàn hảo cả, bản thân Apple M1 cũng đem lại cho người dùng những trải nghiệm không thực sự hoàn thiện.

Cách mà Intel “phản damage” lại Apple M1 chính là kết quả của những bài benchmark, nơi mà i7-1185G7 có thể đem lại kết quả tốt hơn. Danh sách những bài test trải dài trên nhiều khía cạnh của trải nghiệm từ lướt web, cho đến các bài test chuyên sâu hơn như các ứng dụng văn phòng, sáng tạo nội dung, chơi game và cả… chuẩn Intel Evo – công cụ marketing của Intel dành cho những chiếc laptop mỏng nhẹ của đối tác. Đây giống như một bài test PC Mark10 mà chúng ta vẫn thường làm như chi tiết hơn và sâu sắc hơn nhiều.

Đầu tiên là bài test Web XPRT 3, đây là bài test mà Intel dẫn đầu ở phân nửa các hạng mục, trong đó khả năng tốt nhất mà Intel đã bỏ xa đối thủ là xử lý và nâng cao chất lượng ảnh. Trong khi đó các bài test về ứng dụng văn phòng chính là điểm số trên bộ công cụ Microsoft Office 365, Intel cũng vượt xa Apple M1. Các bạn sẽ nghĩ rằng Intel “ăn gian” nhờ M1 đang chạy những ứng dụng đó trên nền Rosetta 2 phải không? Thực ra, Intel đã rất cẩn thận sử dụng bản native trên macOS mới nhất dành cho Apple M1. Nên cuộc so tài này coi như là công bằng.

Đối với mảng sáng tạo nội dung, ngoài ba sản phẩm nổi tiếng nhất của Adobe là Photoshop, Lightroom và Premiere, chúng ta có thể thấy được sự xuất hiện của Handbrake và Topaz Lab. Đối với Handbrake, một bài test có thể chỉ ra khả năng của việc chuyển đổi giữa các Codec Video, Intel đang làm rất tốt điều này – tất nhiên rồi, vì họ vẫn luôn làm rất tốt. Còn với Topaz Lab, đây là một trong số ít những bài test mà Intel đáng tự hào về mảng phân tích và xử lý các dữ liệu liên quan đến AI. Nhìn chung, Apple M1 vẫn thua toàn tập.

Tiếp đến, là khả năng chơi game. Đây là một trong những bài test mà theo mình nghĩ là thừa thãi nhất trong tất cả những bài test của Intel trong màn “lộn cái bàn” này. Chẳng có ai lại đi so sánh khả năng chơi game của những con chip trên những chiếc laptop KHÔNG DÙNG ĐỂ CHƠI GAME. Nhưng bạn thấy đấy, Intel vẫn rất thẳng thắn khi lựa chọn những tựa game chơi được trên M1 và không chơi được trên M1 để test. Và có những tựa game nó vẫn làm rất tốt đấy thôi. Nhưng Intel không đưa ra những chỉ số này để cho vui và có phần công bằng hơn với Apple M1. Bạn có thể thấy rằng họ đã rất nhấn mạnh vào khả năng chơi được nhiều tựa game mà đối với Apple M1 là điều bất khả thi ở thời điểm hiện tại. Intel đúng là thật biết chọn chỗ để “đấm” đấy.

Thời lượng pin và tiêu chuẩn Intel Evo cũng là thứ được lôi ra làm bàn cân để so sánh các vi xử lý của Intel với Apple M1. Với thời lượng pin, mình thấy có phần khá là ngạc nhiên bởi những chiếc laptop mỏng nhẹ chạy Intel Gen 11 chưa thực sự khiến mình phải bất ngờ về thời lượng pin, điều mà MacBook Air M1 làm được. Tất nhiên với hai hệ máy khác nhau, để đưa về một trải nghiệm chung là điều rất khó, ngay cả việc Intel đưa MacBook Air và Acer Swift 5 lên bàn cân cũng không thể nào nói rằng đây là một màn so găng công bằng. Còn với Intel Evo, đó là một tiêu chuẩn do Intel đặt ra, chơi trên sân của mình, liệu rằng Apple có quan tâm rằng mình cần phải đạt cái tiêu chuẩn mà Intel nghĩ rằng là nó tốt cho người dùng? Thực sự thì người dùng cũng chẳng quan tâm đến Intel Evo lắm.

Khả năng kết nối và tính tương thích là một vấn đề lớn của Apple M1, chúng ta đều công nhận điều đó. Chỉ kết nối được với một màn hình ngoài duy nhất thì không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên không kết nối được với eGPU, thiết bị chuyên dụng và một số loại thiết bị ngoại vi khác thì lại là chuyện không thể xem thường. Người dùng luôn có mong muốn được giải phóng chiếc máy tính của họ ra khỏi giới hạn của hiệu năng được gói gọn trong một lớp vỏ mỏng nhẹ. Bạn cần sự kết nối, bạn cần khả năng mở rộng để làm được điều đó. Nhưng rất tiếc, Apple M1 lại chưa thể làm được điều này.

Vậy thì Intel Gen 11th có thực sự thắng Apple M1 hay không? Intel đã đúng, nhưng họ chỉ đúng môt phần. Cũng giống như khi CEO mới nhậm chức của Intel là Pat Gelsinger đã nói: “Intel cần đưa ra những sản phẩm tốt hơn chứ không phải là một công ty thiên về phong cách sống.” Nhưng cái “tốt hơn” trong góc nhìn của Intel nó lại là mang một hình thái của một sản phẩm phục vụ cho giới chuyên nghiệp, nhưng lại có độ phủ rộng, đầy tính cầu toàn và mang nặng sự tham vọng. Đôi khi nó đẩy người dùng đến một tình cảnh là phải chịu đựng những thứ thừa thãi mà họ không cần đến. Đâu phải ai cũng cần tất cả những thứ mà Intel đang vượt trội hơn Apple M1?

Hơn nữa, đối với góc nhìn của mình, việc so sánh Intel Core Gen 11th với Apple M1 chỉ giống như một nỗ lực để cản lại làn sóng dịch chuyển từ nền tảng x86 sang một ARM đơn giản hơn nhưng lại mang tới những giá trị thiết thực cho người dùng. Ai dám chắc rằng những ứng dụng chạy native trên MacBook M1 là đã thực sự tối ưu cho phần cứng? 

Ở thời điểm hiện tại, Intel có thể thắng thế trước Apple M1 vì họ đã gắn bó với các nhà phát triển phần mềm từ rất lâu. Còn với những ứng dụng trên nền tảng ARM, nó không phải là mới nhưng nó cần nhiều thời gian hơn để phát triển. Bởi nếu các nhà phát triển tập trung hơn vào mảng này thì những phiên bản “Lite” đến từ Adobe hay các công ty khác đã phải rất mạnh mẽ trên iOS hay iPadOS từ nhiều năm về trước. Apple M1 và các nhà phát triển ứng dụng vẫn cần thời gian để làm tốt hơn so với hiện tại.

Kết luận cuối cùng mình muốn gửi tới các bạn: Nếu bạn là một người làm việc chuyên nghiệp, yêu cầu sự mượt mà, ổn định để tạo ra những giá trị cho công việc và cho bản thân. Hãy lựa chọn Intel ở thời điểm hiện tại, nó sẽ cung cấp cho bạn những giá trị chuyên nghiệp tốt nhất. Còn nếu bạn cần một chiếc laptop cao cấp, đem lại sự tiện nghi của một hệ sinh thái Apple cùng sự chuyên nghiệp trong lối sống. Đừng ngần ngại mà sử dụng Apple M1. Cả hai đều rất tốt, quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp với đúng đối tượng sử dụng.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập