Một tuần trải nghiệm Windows 10 trên M1 qua Parallels: Chưa đủ ổn định

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Sau gần môt tuần thì mình đã có kha khá ấn tượng với kiểu giả lập này, đủ để thấy… nhớ Windows 10 thuần hơn bao giờ hết.

Mặc dù nhận về không ít lời khen về hiệu suất, nhiệt độ và hơn thế nữa; nhưng riêng khoản chưa hỗ trợ Bootcamp cũng đã khiến nhiều người chưa yên tâm chọn lựa Mac M1. Vậy nên việc có thể trải nghiệm Windows 10 thông qua Parallels Desktop có thể xem là một bước tiến lớn, dù đây đơn thuần vẫn chỉ là một trình giả lập. Cách đây ít ngày thì Hưng Khúc đã có video trải nghiệm nhanh, và kết quả cho ra nhìn chung cũng là rất tích cực. Đó cũng là động lực khiến mình thử mượn một chiếc MacBook M1 mới, cài Windows 10 để sử dụng xem sao. 

Và sau gần môt tuần thì mình đã có kha khá ấn tượng với kiểu giả lập này, đủ để thấy… nhớ Windows 10 thuần hơn bao giờ hết. Lý do tại sao thì mời anh em đọc bài chia sẻ dưới đây để tham khảo. 

Trước hết, mình cũng là một người dùng văn phòng bình thường, vậy nên các tác vụ trải nghiệm trong bài viết sẽ chỉ dừng ở mức cơ bản. Có thể chúng sẽ không quá cao siêu để thoả mãn những anh em tò mò, nhưng đó là những gì mình vẫn làm mỗi ngày - cũng là lý do để khiến bài review này “thật” hơn. 

Mình cũng thấy nhiều câu hỏi thú vị về khả năng dựng hình 3D, code hay đại loại vậy qua Parallels. Chúng sẽ được giải đáp trong một bài viết khác, anh em nếu hứng thú thì hãy đón đọc nhé. 

Lướt web, xem video, v.v. 

Dù công tác ở ngành nghề nào trong khối văn phòng thì lướt web, MXH hay xem YouTube chắc chắn là một phần không thể thiếu với anh em trong ngày. Về khoản này thì tuỳ từng tác vụ mà Parallels có thể đem lại trải nghiệm khác nhau. Điều dễ thấy nhất so với Bootcamp hay Windows thuần ở đây chính là sự delay; khi mà hầu hết các chuyển động như rê chuột, đóng mở cửa sổ,.. đều chậm hơn so với thao tác. 

Bản thân mình lúc mới dùng thì thấy chưa được ổn lắm, nhưng mất tầm nửa ngày thì cũng quen dần và bắt đầu có thể làm việc được. Đây cũng là lưu ý nhỏ cho anh em dùng giả lập, đó là khi khởi động / chuyển từ macOS vào thì nó sẽ mất tầm 15-20 giây để có thể ổn định lại. 

Gõ comment nhả chữ hay mở ứng dụng phản hồi vẫn ở mức tốt, có chăng delay nhiều nhất sẽ là ở khoản cuộn chuột. Có một sự thiếu sót khiến mình chưa hài lòng là về cử chỉ, khi chúng ta sẽ không thể dùng các thao tác cơ bản như hai ngón để back hay ba ngón để mở đa nhiệm Windows (thay vào đó sẽ là mở đa nhiệm của macOS). 

Còn khi xem video thì mọi thứ lại không ổn lắm. Khi bật ở chế độ Toàn màn hình thì sẽ có hiện tượng là tiếng vẫn chạy, nhưng hình thì bị đứng. Điều này thì mình thử ở cả YouTube lẫn Facebook Watch thì đều gặp phải, và chỉ khi thoát ra chế độ cơ bản thì mọi thứ mới trở lại bình thường. Đây hẳn sẽ là trải nghiệm không dễ chịu gì, dù cho anh em có đang làm việc hay giải trí đi nữa.

Gõ bài, sử dụng công cụ văn phòng 

Là một người làm content nên tất nhiên, đây là tác vụ không thể thiếu xuyên suốt cả tuần. Ngoài trình soạn thảo của website ThinkView thì mình dùng thêm cả Office - cũng tiện kiểm tra tính hiệu quả luôn. Anh em nào hỏi về việc có cài được Office 365 hay không thì câu trả lời là có, nhưng sẽ chỉ là bản 32-bit thôi do chúng ta đang có phần cứng ARM đi kèm hệ điều hành 64-bit. 

Theo Microsoft thì Office 64-bit sẽ đem lại nhiều lợi điểm hơn về khả năng xử lý các tệp dữ liệu lớn trong Excel, hay các tệp hình ảnh cùng video lớn trong PowerPoint. Anh em nào cần dùng hardcore với hai công cụ trên có thể lưu ý một chút, còn với nhu cầu của mình thì đây lại không quá quan trọng. 

Về trải nghiệm gõ thì mình đã nói ở trên, tốc độ nhả chữ có delay nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Cái này thì sẽ áp dụng với cả hai công cụ mà mình có đề cập, vậy nên anh em cứ yên tâm. PowerPoint thì việc tạo slide cũng diễn ra khá mượt mà, còn Excel thì mình hay dùng để làm biểu đồ cho các bài viết, cũng không gặp quá nhiều vấn đề. 

Nhưng vì hiệu suất tính toán của Excel mới là thứ khiến anh em tò mò nhất nên là hôm rồi, mình cũng nhờ chị kế toán của công ty trải nghiệm và xem sao. Sau khoảng hơn nửa ngày thì phản hồi mình nhận về là khá tích cực: Mọi thứ vẫn mượt không kém gì dùng trên Windows 10 thuần, ứng dụng phản hồi tốt và các công thức nhập vào cũng được xử lý nhanh chóng. 

Chỉnh sửa, hậu kỳ ảnh chụp bằng Photoshop, Lightroom Classic

Và tất nhiên khi gõ xong bài thì không thể thiếu việc chỉnh ảnh để đưa lên website. Vậy nên mình cũng dùng cả Photoshop và Lightroom Classic trên Parallels, cũng là các phần mềm 64-bit hiếm hoi được trình giả lập x64 hỗ trợ. Theo mình được biết thì Microsoft mới cam kết hỗ trợ giả lập x64 tốt cho phần cứng ARM từ Qualcomm mà thôi, còn với Apple thì đó lại là câu chuyện khác. 

Với Photoshop CC thì mình thường cắt ghép, resize ảnh dùng cho bài viết hoặc làm thumbnail. Còn Lightroom Classic thì sẽ là để hậu kỳ ảnh chụp sản phẩm, chân dung, v.v. Trong quá trình sử dụng thì mọi thứ vẫn chạy ổn, phản hồi tốt. Có chăng với tốc độ export ảnh thì sẽ chậm hơn khá nhiều so với khi dùng ứng dụng trên Rosetta 2. Cũng dễ hiểu thôi khi Parallels lúc này chỉ nhận 4 core và 4GB RAM phần cứng, đồng thời xung nhịp cũng chỉ dừng lại ở 1.0GHz mà thôi. 

Ngoài ra khi dùng Parallels thì mỗi khi anh em kết nối thiết bị ngoại vi qua cổng USB, sẽ có một bảng thông báo hỏi xem anh em muốn Parallels hay macOS sẽ là nơi nhận. Đây cũng là điều bình thường thôi, nhưng là cho đến khi nó xuất hiện liên tục dù mình đã tích vào ô “Remember my choice" để Parallels ghi nhớ lựa chọn. Dù tick lại thì cũng chẳng tốn mấy thời gian, nhưng điều này cũng ít nhiều làm gián đoạn trải nghiệm của mình rồi.

Chơi game nhẹ nhàng 

Với tựa game duy nhất mà mình hay chơi trên công ty là Liên Minh Huyền Thoại, phần cứng M1 vẫn có thể giúp mình đạt được FPS trong khoảng 56 - 65 dù ở đồ hoạ cao nhất cùng độ phân giải 1920 x 1200. Trải nghiệm chơi nhìn chung mượt mà, và mình có thể hoàn thành vài game Đấu thường và ARAM mà không gặp nhiều khó khăn. Chuột và tai nghe nếu cắm qua hub cần cài driver thì cũng bình thường luôn, hôm trước có bạn hỏi nên mình cũng giải đáp. 

Nhưng khi kết nối các loại chuột Bluetooth thì Windows 10 Parallels có vẻ không hiệu quả lắm, khi Settings sẽ không hiển thị thiết bị của anh em để ghép đôi. Mình đã phải chuyển lại về macOS thì mới kết nối được để dùng trong Parallels, và đây là một điểm trừ không nhỏ với người đã chuyển hết qua đồ không dây. 

Tuy nhiên máy sẽ nóng lên rất nhanh, và nhiệt độ SoC mình kiểm tra trong quá trình chơi có thể lên tới trên 85 độ - một con số mà có lẽ ít ai dùng M1 nghĩ đến. Và hôm trước khi vọc vạch GTA V thì nó còn lên đến 101. Nhìn chung thì nhiệt độ cũng là một vấn đề mà mình thấy anh em phàn nàn nhiều, căn bản cũng vì Parallels chạy Windows 10 ARM thay vì Windows 10 truyền thống như ta hay có khi dùng Bootcamp. 

Parallels có gây khấu hao SSD không? 

Khi đã sử dụng MacBook M1, đây chắc chắn sẽ là vấn đề mà không ít anh em sẽ quan tâm, và dưới topic trước cũng có nhiều câu hỏi về vấn đề này. Để kiểm tra thì mình đã thử dùng Terminal và DriveDX, và kết quả cho ra là gần 4TB sau gần 7 ngày sử dụng.

Chiếc máy này khi mình nhận về chỉ mới được dùng cực kỳ ít, vậy nên đây cũng là một con số không hề nhỏ. Một người bạn của mình cày cuốc hơn nửa năm trên MacBook Air M1, tốn 80TB, mà con số chia trung bình theo tuần vẫn thua chiếc máy này tới 1TB. Đó là để anh em hình dung rõ hơn về độ “ngốn” của việc giả lập Windows ARM này. 

Kết luận 

Nhìn chung, đó là những gì mình có thể chia sẻ với anh em sau một tuần sử dụng Windows 10 ARM qua Parallels. Và với những trải nghiệm vừa có được thì có lẽ, chờ được hỗ trợ Bootcamp chính thức vẫn là lành hơn. Parallels nhiều lúc vẫn khiến mình bất ngờ về độ mượt mà khi làm nhiều tác vụ thật đấy, nhưng cái mình cần lại là sự ổn định, là cảm giác dễ chịu khi không bị những vấn đề tiểu tiết làm phiền như khi xem video, thao tác với trackpad hay hơn thế nữa. Có lẽ mình sẽ vẫn cần đến một chiếc máy có thể chạy Windows thuần thôi. 

Thảo luận (1)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập