Phải chăng công nghệ camera ẩn dưới màn hình đã chết yểu?

Thu Hồng
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Không phải tự nhiên mà một cái tên tiên phong như ZTE cũng phải chấp nhận loại bỏ camera ẩn dưới màn hình.

Nếu ai theo dõi hẳn cũng đã từng biết, ZTE là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới mang công nghệ camera ẩn dưới màn hình lên smartphone, cụ thể là chiếc ZTE Axon 20 5G. Ngay lập tức công nghệ này đã gây được sự chú ý, dư luận thi nhau mổ xẻ, các nhà sản xuất khác cũng nhen nhóm ý định phát triển. Một trong số đó có Vsmart của Việt Nam, cũng đã ứng dụng được công nghệ này lên Vsmart Aris Pro 5G. 

Tuy nhiên không thể phủ nhận có quá nhiều nhược điểm đối với công nghệ mới này. Chất lượng ảnh chụp kém, hiển thị màn hình tại khu vực chứa camera cũng gặp vấn đề. 

Mới đây, ZTE đã tiếp tục ra mắt phiên bản kế nhiệm là ZTE Axon 30 Pro. Người ta vẫn đang mọi đợi một sự đột phá, một bước cải tiến của camera ẩn dưới màn hình, hy vọng được thấy một công nghệ toàn diện, khắc phục được hết các nhược điểm mà thế hệ trước gặp phải. Thế nhưng, điều đó lại không được như ước nguyện.

ZTE Axon 30 5G quay trở lại với công nghệ màn hình đục lỗ đã quá truyền thống, làm cho người ta phải đặt ra câu hỏi rằng: Phải chăng camera ẩn đã chết yểu?

Ý tưởng về một cụm camera selfie ẩn dưới màn hình thực ra không phải đến những năm gần đây mới được chú ý, mà những bằng sáng chế liên quan đến lối thiết kế này đã có từ một thập kỷ trước. Thách thức ở đây không phải là ở việc đưa ra ý tưởng, mà là nằm ở khả năng lẫn thời gian hiện thực hóa ý tưởng đó của các nhà sản xuất.

Về bản chất, để camera có thể chụp được hình ảnh qua lớp màn hình, hãng sản xuất màn hình sẽ làm giảm mật độ bóng đèn LED tại khu vực có camera. Tuy nhiên nếu giảm hết bóng LED để camera được tốt nhất, thì khu vực đó sẽ không thể hiển thị hình ảnh nữa, màn hình trở thành loại nốt ruồi. Vậy là việc giảm bóng LED sẽ có giới hạn, cụ thể hiện nay các màn hình này cho phép 50% ánh sáng lọt qua. Mức độ ánh sáng lọt qua bị giảm như vậy dẫn đến chất lượng hình ảnh thu được không đảm bảo độ nét, chưa kể một số hiệu ứng ánh sáng khác cũng sẽ gặp phải, làm cho ảnh chụp không đúng với thực tế trong nhiều trường hợp. 

Xiaomi nhiều lần cũng đã úp mở về việc sẽ tham gia vào cuộc chiến camera ẩn, thế nhưng sự thật là vẫn chẳng có một sản phẩm nào như vậy ra mắt. Một nhà sản xuất đi đầu trong việc cải tiến màn hình như Samsung cũng không hề đả động đến việc này. OPPO sau khi đem đến hội nghị Mobile World một thiết bị có công nghệ tương tự, song cũng chẳng dám thương mại hóa. Hay đơn cử là một cái tên “chơi hết mình” về công nghệ như BKAV, khi thấy người anh em Vsmart của mình đã ra mắt điện thoại camera ẩn, cũng vẫn “bình chân như vại”, đích thân CEO BKAV đã trả lời: "Cần nghiên cứu thêm." 

Có lẽ không cần đợi thêm nữa, vì camera ẩn dưới màn hình đã chết yểu thật rồi. Hơn một năm trở lại đây, không có bất kỳ nhà sản xuất nào sử dụng lại công nghệ này nữa. Người ta cũng đã chán với việc “phá cách” camera. Điển hình là smartphone camera pop-up cũng thưa thớt dần. Lên ngôi nhất vẫn là camera dạng đục lỗ, nó giải quyết được các vấn đề mà những công nghệ khác không làm được: Thu nhỏ viền màn hình, chất lượng ảnh chụp đảm bảo, ít rủi ro hư hỏng. 

Công nghệ thì vẫn phát triển từng ngày, những thứ có tiềm năng thì sẽ tiếp tục đi lên, ngược lại thì sẽ bị loại bỏ. Chỉ có một giả thuyết đưa ra cho việc camera ẩn sẽ thành công và phổ biến mạnh mẽ trở lại, đó là Apple sẽ làm chúng. Đúng vậy, nhưng khả năng là rất thấp. Vì nếu Apple nhìn thấy được tiềm năng của công nghệ này, họ đã làm từ lâu rồi. 

Vẫn có thể hi vọng một ngày nào đó, khi đã quá “cạn kiệt” về ý tưởng công nghệ, người ta sẽ tìm lại nó và phát triển một cách tốt hơn trong thời điểm trình độ khoa học đã đủ đáp ứng. Vì thật sự đây là một ý tưởng khá toàn diện để tối ưu thiết kế. Thế nhưng chúng ta cũng sẽ phải lường trước một số những rủi ro như việc bị chụp lén, quay lén khi camera ẩn ngày càng tinh vi. 

Còn hiện tại, khả năng cao là chúng ta sẽ không còn được thấy bất kỳ sản phẩm mới nào được trang bị công nghệ này nữa. Tất cả sẽ được xếp vào quá khứ như một “mảnh ký ức” đẹp để chờ đón những đột phá camera mới hơn, tốt hơn, thành công hơn. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập