Qualcomm vừa chi tới 1,4 tỷ USD để bắt kịp Apple A series và M series
Qualcomm vừa hoàn thành thương vụ mua Nuvia với giá khoảng 1,4 tỷ USD. Ngay khi thông tin này được công bố, đối tác của hãng bao gồm: Samsung, Sony, OnePlus, LG,... đã thể hiện sự ủng hộ rất lớn. Đây có thể là một trong những thương vụ mua bán quan trọng nhất trong năm của làng công nghệ.
Vậy tại sao Nuvia sáp nhập với Qualcomm lại quan trọng đến vậy? Với thỏa thuận hợp tác trên, Qualcomm sẽ quay trở lại các thiết kế CPU tùy chỉnh dựa trên kiến trúc ARM. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới danh mục đầu tư phần cứng của Qualcomm, từ máy chủ hiệu suất cao đến điện thoại thông minh tiết kiệm năng lượng.
Nuvia được thành lập bởi các nhà thiết kế CPU cũ của Apple và Google.
Nuvia là một công ty thiết kế CPU dựa trên kiến trúc ARM. Start-up trẻ này được cựu Giám đốc thiết kế CPU của Apple, Gerard Williams, thành lập vào đầu năm 2019. Bên cạnh đó, người đồng sáng lập - John Bruno cũng từng là kiến trúc sư hệ thống tại Google trước khi dành 5 năm tại Apple. Cặp đôi này đã có hàng chục năm kinh nghiệm thiết kế vi xử lý.
Thậm chí, Williams còn là Kiến trúc sư CPU trưởng tại Apple. Ông đã làm việc với các kiến trúc CPU Cyclone, Typhoon, Twister, Hurricane, Monsoon và Vortex cho nhiều SoC dòng A của Apple. Trước khi làm việc cho Táo khuyết, Williams đã trải qua 12 năm với tư cách là Arm Fellow, làm việc trên các kiến trúc Cortex-A8 và Cortex-A15 cho điện thoại thông minh đời đầu hơn một thập kỷ trước.
Tháng 12 năm 2019, Apple đã tìm cách kiện Gerard Williams với cáo buộc vi phạm hợp đồng. Táo khuyết khẳng định, Williams đã bắt đầu làm việc dưới danh nghĩa Nuvia và tuyển dụng một số đồng nghiệp của mình khi vẫn còn làm việc tại Apple. Tuy nhiên, Williams tuyên bố rằng Apple đã tham gia vào các hoạt động chống cạnh tranh nhằm ngăn cản anh ta và John Bruno sáng lập một công ty hoàn toàn mới.
Kể từ khi thành lập, Nuvia đã thiết kế các bộ xử lý trung tâm dữ liệu hướng tới hiệu suất và hiệu quả năng lượng hàng đầu trong ngành. Các CPU trung tâm dữ liệu của Nuvia sử dụng phiên bản tùy chỉnh của kiến trúc CPU ARM. Về cơ bản, kiến trúc này tương tự với kiến trúc mà Apple sử dụng cho các CPU trên iPhone, iPad và bây giờ là Arm-based MacBook.
Những điều sẽ thay đổi với Qualcomm và Nuvia
Việc mua lại Nuvia là động thái lớn cuối cùng có thể làm rung chuyển toàn bộ danh mục đầu tư silicon của Qualcomm.
Apple đầu tư vào dòng CPU Apple A đã và đang giúp hãng hợp nhất các sản phẩm di động và PC theo một kiến trúc duy nhất. Apple đang tạo ra một cách tiếp cận thống nhất trong những năm tới nhờ cách tiếp cận mới với CPU, với lợi ích về hiệu suất và tuổi thọ pin. Tất cả đã giúp Apple giành ưu thế lớn về hiệu năng so với nhiều hãng công nghệ còn lại trên thị trường.
Và với tầm nhìn tương tự, Qualcomm cũng sẽ triển khai một thế hệ phần cứng phục vụ nhiều thiết bị từ điện thoại đến máy tính.
Quá trình chuyển đổi này sẽ còn mất nhiều năm nữa mới thực sự hoàn thiện. Trong khoảng 1-2 năm tới, lộ trình phát triển của Qualcomm cũng sẽ không có nhiều thay đổi. Các sản phẩm sở hữu kiến trúc được chế tạo cùng Nuvia dự kiến sẽ tới người dùng sớm nhất vào cuối năm 2022.