Sẽ ra sao nếu Xiaomi tiếp tục tự sản xuất chipset?

Thu Hồng
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Thông tin mới nhất cho thấy dòng chipset này sẽ được ra mắt vào 29/3.

Cho đến nay, Surge S1 là con chip duy nhất mà Xiaomi đã từng trình làng. Sẽ ra sao nếu Xiaomi tiếp tục tự sản xuất chipset?

Bối cảnh chung 

Để tránh tình trạng “lâm nguy” như Huawei như hiện nay, các công ty Trung Quốc cũng đã có những động thái để bảo vệ hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc Xiaomi tái sản xuất chipset nội bộ có thể được coi là một giải pháp tốt. 

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt chipset trên toàn cầu cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường di động, buộc Xiaomi phải tìm cho mình một hướng đi riêng, hoặc là tăng giá sản phẩm.  Thế nhưng, việc tăng giá bán là một vấn đề vô cùng nhạy cảm với Xiaomi. 

Chặng đường phát triển 

Quay lại quá khứ, vào năm 2014, Xiaomi đã thành lập một bộ phận bán dẫn. Tháng 2/2017, Xiaomi đã khiến ngành công nghiệp smartphone và giới công nghệ phải ngỡ ngàng, bằng việc ra mắt Xiaomi Mi 5C trang bị chip “cây lá nhà vườn” Pinecone Surge S1 đầu tiên mà Xiaomi tự nghiên cứu.

Tại thời điểm công bố Surge 1, Xiaomi đã tuyên bố sẽ đánh bại được Snapdragon 625. Sau nhiều bài đánh giá, một sự thật phũ phàng là Surge S1 vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh với các SoC khác, ít nhất là Qualcomm. 

Thế hệ Surge S2 sau đó liên tục bị tạm hoãn ngày ra mắt. Kể từ đó đến nay, nó vẫn chưa bao giờ được công bố chính thức. Điều này khiến nhiều người dùng cho rằng, Xiaomi đã từ bỏ tham vọng của mình.

Viễn cảnh về tương lai 

Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường smartphone mới chỉ có 3 ông lớn là Apple, Samsung và Huawei là có thể tự mình sản xuất các con chip di động riêng để tích hợp lên các dòng sản phẩm smartphone của mình. Tuy nhiên, con số này sắp tới đây có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 2 khi CEO Huawei vừ qua đã thông báo hãng sẽ sớm ngừng sản xuất các con chip Kirin do hạn chế về nguồn cung.

Nếu điều đó trở thành sự thật, Xiaomi sẽ được mở ra một cơ hội mới, trở thành nhà sản xuất Trung Quốc duy nhất có thể tự sản xuất chipset. Quan trọng hơn, việc sản xuất chip nội bộ cũng làm giảm sự phụ thuộc của công ty vào các nhà sản xuất chip lớn trên thị trường như Qualcomm và MediaTek. Đường đến ngôi vị “bá chủ” sẽ ngày càng gần hơn đối với Xiaomi.

Nhưng tham vọng của Xiaomi không chỉ dừng lại ở đó, CEO Lei Jun cho biết việc tự sản xuất một con chip xử lý là điều cần thiết để phát triển hệ sinh thái Mi Eco với rất nhiều thiết bị thông minh IoT.

Pinecone Surge đã được Xiaomi định hướng là một con chip tầm trung giá rẻ. Vì vậy trong tương lai, có thể hãng sẽ phát triển để trang bị lên các dòng máy Redmi, Redmi Note. Hoặc thâm chí xa hơn, là trang bị lên các dòng smartphone cao cấp để có thể tự mình làm chủ cả phần cứng và phần mềm. 

Liệu đây có phải con đường đúng đắn ?

Về bản chất, chip “nhà làm” sẽ tối ưu hóa tốt hơn so với “chip nhà người ta”. Bằng chứng là dòng chip Ax của Apple, nhờ tự thiết kế và hoàn thiện cấu trúc bên trong mà các kỹ sư của Apple có thể dễ dàng tinh chỉnh, tối ưu hoá hoạt động của nó. Từ đó, dù có cấu hình không quá xuất sắc nhưng iPhone vẫn luôn lọt top các thiết bị mạnh mẽ nhất vào thời điểm chúng ra mắt. 

Xiaomi cũng vậy! Nếu hãng sản xuất được và tốt ưu hóa tốt Pinecone Surge, cùng với nền tảng giao diện người dùng MIUI thân thiện, đây sẽ là một bước tiến lớn trong lộ trình phát triển của Xiaomi. Và biết đâu, một kỷ nguyên mới, một đế chế mới của riêng Xiaomi sẽ được mở ra? 

Nhìn chung, triển vọng về chipset Pinecone Surge mới ngụ ý rất nhiều tiềm năng cho thương hiệu và cả những người hâm mộ. Một sản phẩm giá đã tốt, khi được trang bị phần cứng tự sản xuất nữa, thì liệu mức giá của nó sẽ còn “tốt” đến như thế nào? Câu chuyện thực sự cần thời gian để kiểm chứng.

Tất cả sẽ được hé lộ tại sự kiện diễn ra vào ngày 29/3 sắp tới. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập