“Thịt nhân tạo” có giúp đạo đức của con người tốt hơn so với ăn thịt thông thường?
Thịt nhân tạo là tương lai khi nguồn cung tự nhiên (hay chăn nuôi) giảm dần
Với sự phát triển tuyệt vời của ngành công nghệ sinh học, kể từ năm 2013 người ta đã có thể tạo ra một chiếc bánh burger thịt bò mà chẳng có bất cứ con bò nào phải nằm xuống. Tuy nhiên, với giá thành sản xuất còn quá đắt đỏ thì “thịt nhân tạo” chỉ được coi như một thành tựu của khoa học chứ chưa được xem xét một cách thấu đáo. Cho đến khi chúng ta biết được rằng Singapore sẽ là nước đầu tiên thí điểm món “thịt gà nhân tạo” do một start-up có tên là Eat Just cung cấp.
Đọc thêm:
Bên cạnh những lợi ích đáng kể của thịt nhân tạo như khả năng kiểm soát chất lượng thịt, không sử dụng chất kháng sinh và hoá chất chăn nuôi và đặc biệt là không giết hại động vật tràn lan. Trên lý thuyết, chỉ cần tế bào gốc của loài động vật cần chế tạo thịt của chúng và nhân bản trong môi trường dinh dưỡng có điều kiện là chúng ta đã có một miếng thịt. Thậm chí bất cứ loài động vật nào ăn được thì bạn đều có thể chế tạo thịt nhân tạo của chúng theo cách như thế này. Từ thịt thú rừng, cho đến thịt gia súc, gia cầm thậm chí là…thịt chó.
Tất nhiên, thịt nhân tạo thì vẫn chưa thể giống như một miếng thịt thông thường mà là các lớp protein và chất béo được xếp vào nhau, nó không thể hiện rõ được các bộ phận của miếng thịt, tỉ lệ giữa mỡ, thịt và cơ và những yếu tố khác. Nhưng ít nhất thì bạn sẽ không phải xuống tay giết hại bất cứ con vật nào hết.
Thịt nhân tạo giải quyết về đề đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo?
Ăn thịt tưởng chừng như là một hành động bình thường trong cuộc sống của mỗi người. Ấy vậy nhưng trong hàng tỷ người trên trái đất thì bên cạnh những người không có thịt mà ăn thì cũng có những người khác vì một lý do nào đó sẽ từ chối ăn thịt (tất cả các loại thịt hoặc một số loại thịt nhất định) đó là vì những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo hay chỉ đơn giản là một số quy chuẩn đạo đức tự đặt ra của một số nhóm người nhất định.
Phần lớn việc không ăn thịt có thể bắt nguồn chính từ vấn đề đạo đức là giết chóc, đối với một số tín ngưỡng khác thì đó lại thể hiện sự thành kính với những loài vật được tôn thờ. Dù là lý do gì đi nữa thì thit nhân tạo cũng đang đi ngược lại tất cả những phương pháp để có được thịt động vật trước đây.
Một khi loại thịt này trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng phổ biến cho con người, nó có thể gây nên sự tranh cãi lớn về việc ăn thịt nhân tạo có vi phạm tín ngưỡng hay tôn giáo nào hay không. Đây thực sự là môt vấn đề tương đối nhạy cảm nhưng nó có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng với tất cả mọi người.
Nếu thịt nhân tạo được chấp nhận thì trước hết về mặt dinh dưỡng, nó sẽ là nguồn bổ sung dồi dào về protein và chất béo cần thiết đối với con người. Về mặt văn hoá ẩm thực, mọi người có thể phá bỏ mọi ranh giới về đạo đức và thưởng thức những món ăn ngon hơn, phong phú hơn mà trước đây họ chưa có cơ hội thưởng thức.
Nếu mọi chuyện trở nên đơn giản như vậy thì sẽ chẳng còn gì để nói. Một bước tiến lớn trong công nghệ sinh học sẽ thay đổi cả nhân loại. Nhưng liệu nó có thực sự dẽ dàng như mong đợi? Nhà sư có thể ăn thịt nhân tạo vì không phạm vào quy tắc sát sinh? Thế giới có chấp nhận món thịt chó nếu như nó không bắt nguồn từ việc giết hại loài chó?
Những vấn đề về mặt lý thuyết thì có thể được chấp nhận một cách dễ dàng, nhưng nếu đã liên quan đến những hệ tư tưởng thì nó phức tạp hơn rất nhiều. Đặc biệt là với một số suy nghĩ bảo thủ và cực đoan, cho dù đó là một sản phẩm nhân tạo nhưng có thể nó vẫn sẽ không được chấp nhận.
Ngay bản thân mình vẫn có những luồng tư tưởng đối lập đan xen khi suy xét về đạo đức giữa việc ăn thịt nhân tạo và thịt thông thường. Có thể, thịt nhân tạo sẽ thoả mãn được cái miệng của người ăn, nhưng về mặt nhận thức thì đó vẫn là thịt, nếu nguồn cung không đủ, con người vẫn sẽ tiếp tục giết hại động vật để tăng cường nguồn cung về thực phẩm cho bản thân. Suy cho cùng, thịt nhân tạo vẫn là một thứ không được “trong sáng” cho lắm nếu chúng ta đứng ở khía cạnh tâm hồn.
Mặc dù hiện nay, thịt nhân tạo vẫn chưa phải là loại thực phẩm phổ biến, nhưng nếu như đã có một đất nước chấp nhận được điều này thì sẽ có nhiều nước khác chấp nhận. Sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ nhận được những tranh cãi nổ ra từ những người ủng hộ và không ủng hộ.
Cá nhân mình mà nói thì nếu như đó không phải là từ một loài động vật bị giết hại thì nó cũng dễ dàng để chấp nhận mà thôi và mình sẽ đồng ý để thưởng thức nó, miễn là nó đủ ngon. Điều mà những loại thịt nhân tạo hiện nay cần phải nỗ lực hơn rất nhiều nếu muốn thay thế thịt thông thường.