Ủa, HTC giờ biến đâu mất rồi???
- Hai ngày với Huawei FreeBuds 4i: Mua luôn khỏi suy nghĩ!
- iPhone 12s có màu mới và lớp phủ chống vân tay hoàn toàn
Chúng ta cùng ôn lại lịch sử tí chút nhé. Nếu anh em nào chưa biết thì vào khoảng 10 năm trước, HTC là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 trên thế giới (tính theo thị phần), chỉ xếp sau đúng Samsung và Apple. Giới truyền thông vào thời điểm đó cũng đã xếp hạng HTC là công ty công nghệ tốt thứ hai ở châu Á và thứ 3 trên toàn thế giới. Vào năm 2011, HTC có thị phần cực kỳ lớn trên toàn thế giới, cụ thể là tại Mỹ, HTC chiếm tới 24% tổng sản lượng smartphone mà xứ sở cờ hoa tiêu thụ. Nói đến đây, chắc hẳn nhiều anh em đã biết rằng HTC hồi xưa “chiến” đến như thế nào rồi!
Vào những năm đầu của kỷ nguyên Internet mới, cụ thể là khoảng giai đoạn 2010 là thời kỳ đỉnh cao của HTC, khi mà chiếc Nexus One được ra đời. Đây là chiếc smartphone đánh dấu sự hợp tác giữa ông lớn Đài Loan và gã khổng lồ tìm kiếm Google. Chiếc smartphone này đã được giới truyền thông coi là kiệt tác công nghệ, sở hữu thiết kế đột phá đi kèm với những trang bị thú vị vào thời điểm đó. Đây cũng là con bài chiến lược của HTC để đánh chiếm thị trường Mỹ.
Cũng vào thời điểm đó tại Việt Nam, HTC cũng chỉ xếp sau đúng Apple và Samsung mà thôi, các hãng còn lại hoàn toàn không có cửa chen chân vào top 3 này. Mình còn nhớ, vào năm 2012, không chỉ tại Việt Nam, mà đại đa số người dùng trên toàn thế giới “không iPhone 5 thì là HTC One M6”, vào năm 2013, “không iPhone 5s thì là HTC One M7” - mẫu một trong những mẫu flagship đỉnh nhất vào thời điểm đó với vỏ nhôm CNC cao cấp đi kèm với hàng loạt các trang bị về cả phần cứng lẫn phần mềm tối tân nhất. Không phải những chiếc S nhà Samsung mà những chiếc One M7 này mới là đối thủ xứng tầm nhất đối với iPhone, cái tên đang quá bành trướng tại thời kỳ đó. Đến cả bây giờ, HTC One M7 vẫn là tượng đài của làng smartphone thế giới, là đứa con hoàn hảo nhất mà HTC từng làm ra.
Không ai phủ nhận sự đột phá mà HTC mang lại, cũng như chất lượng sản phẩm tới từ thương hiệu này. Nhưng mọi chuyện đã gần như dừng lại hẳn từ năm 2014, khi mà những chiếc HTC One M8 ra đời. Nguyên nhân chính là vì “máy lỗi, không sáng tạo và thiếu nguồn lực”. One M8 gặp vô số lỗi như chết LED, Wi-Fi chập chờn, không nhận SIM, màn hình có điểm chết ngẫu nhiên,...
Sang đến đời M9, tất cả các lỗi đó đều được khắc phục nhưng M9 lại có một lỗi tồi tệ hơn, lỗi này đã “đánh sập cả một đế chế HTC” - One M9 SIÊU NÓNG, chỉ chạy một vài tác vụ nặng thôi là máy nhảy một phát lên 55 độ C luôn. Đây là mức nhiệt lượng nóng nhất từ trước tới nay trên một mẫu smartphone kể cả tính đến thời điểm hiện tại.
Những chiếc M mới này không thể sắm vai người hùng được nữa, không chỉ vì lỗi mà còn do tính không sáng tạo của chính HTC. Chiếc M nào cũng giống nhau về thiết kế, hiệu năng cũng như tính năng tuy được nâng cấp nhưng máy lại nóng hơn, nhiều lỗi hơn,.. Nhìn chung, theo giới mộ điệu, HTC không còn sáng tạo nữa. Bảo không sáng tạo thì không đúng cho lắm, HTC đã sáng tạo bằng những chiếc 8x chạy Windows Mobile nhưng những mẫu flagship này cũng trở thành bại tướng trước Nokia Lumia 920 con nhà nòi. Mình còn nhớ hồi 2014, HTC đưa ra chiến lược riêng cho 8x trên thị trường Việt Nam, giảm giá từ 13 triệu xuống còn 4.5 triệu VNĐ nhưng cũng chẳng có ai mua.
Dần dần, HTC hụt hơi vì không đủ tiềm lực. Sự sáng tạo, mạo hiểm và dám đổi mới của công ty cũng không còn. Liên tục đổ dốc và đánh mất thị phần là điều không thể tránh khỏi.
Nhìn vào HTC, người ta thấy hiện hữu bức tranh của Sony, và sai lầm đến từ quyết định thiếu đầu tư cho mảng marketing. Chính bởi điều này khiến cho những chiếc smartphone được đánh giá tốt của họ không thể nào hấp dẫn khách hàng so với những thương hiệu đã được khẳng định vị thế như Samsung hay Apple.
Tính đến hết Q4/2020, HTC đã ghi nhận 11 quý thua lỗ liên tiếp. Chi phí hoạt động cho cả năm 2020 của HTC giảm 33% so với cùng kì năm trước, trong đó chi phí tiếp thị giảm 35% so với cùng kì năm 2019. Cho đến nay, hoạt động kinh doanh của HTC vẫn tiếp tục ì ạch mà nguyên nhân chính là hoạt động kinh doanh thiết bị đầu cuối di động và mảng kinh doanh VR (hay thực tế ảo) tăng trưởng chậm chạp.
Trong năm 2020, HTC ra mắt 3 mẫu smartphone gồm HTC U20 5G, HTC Desire 20 Pro và HTC Desire 20+. Riêng HTC U20 5G trở thành smartphone đầu tiên của HTC tương thích với hệ thống không dây thế hệ thứ 5 (hay 5G). Tuy nhiên, việc bắt nhịp 5G không giúp HTC cải thiện tình hình. Mảng smartphone của HTC liên tục trì trệ, và cho tới nay đã bị ngừng cung cấp ở nhiều quốc gia, khu vực. Điển hình là chi nhánh của HTC tại Brazil đã bị giải thể trong năm tài chính kết thúc vào 31/12/2020. Đại diện công ty cho biết hy vọng phục hồi là rất mong manh, và đang nỗ lực củng cố mảng kinh doanh VR nhằm đối phó với sự sụt giảm của mảng kinh doanh thiết bị đầu cuối di động, cũng như đi tìm hướng đi mới.
Trong quá khứ, đã từng có lúc, cái tên HTC là niềm mơ ước của những tín đồ smartphone Android chứ không phải Samsung hay LG. Tuy nhiên giờ đây, khi nhắc tới thương hiệu này, người yêu công nghệ chỉ còn lại sự nuối tiếc về một tượng đài đứng trước nguy cơ biến mất khỏi bản đồ smartphone thế giới.