AirTag là một thiết bị dở hơi!

Thu Hồng
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Một thiết bị thông minh đến từ Apple nhưng lại bị chê là dở hơi? Đâu là nguyên nhân?

Việc Apple ra mắt thiết bị theo dõi thông minh mới đã làm dậy sóng dân mạng suốt những ngày vừa qua. Thoạt đầu có thể thấy, đây là một thiết bị rất hữu ích đối với cuộc sống thường ngày, và đặc biệt phù hợp hơn với những người có “não cá vàng” hay vứt đồ đạc linh tinh. AirTags là giải pháp giúp cho bạn tìm thấy những món đồ ấy một cách nhanh chóng. 

Tuy nhiên đối với mình, đây là một thiết bị rất “dở hơi”, ít nhất là qua những phát ngôn của Apple về các tính năng của nó sau sự kiện. 

Là một thiết bị theo dõi nhưng không được dùng để “theo dõi”

AirTags bản chất là một thiết bị dùng để định vị và theo dõi. Như Apple đã giới thiệu, thì cụ thể AirTags sinh ra để định vị các vật dụng, giúp bạn có thể tìm thấy chúng một cách nhanh chóng. 

Tuy nhiên, vì lý do bảo mật mà Apple đã đưa ra các khuyến cáo cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng AirTags trong các trường hợp theo dõi ngoài ý muốn, đặc biệt là theo dõi người và động vật. 

Việc sử dụng các thiết bị định vị nhằm theo dõi người khác là một hành vi vi phạm nhân quyền. Thế nhưng nhu cầu theo dõi động vật, những con thú cưng của mình là nhu cầu hoàn toàn chính đáng mà, tại sao Apple lại không cho phép? 

Trong một vài trường hợp đặc biệt, các thiết bị định vị hoàn toàn có thể dùng để theo dõi con người. Ví dụ như theo dõi trẻ em phòng khi chúng bị đi lạc, bị bắt cóc. Lúc này AirTags sẽ phát huy công năng trở thành một thiết bị vô cùng hữu hiệu. 

Bất cứ điều gì cũng có mặt trái và mặt phải. Theo mình, Apple nên đưa ra những giải thích chi tiết hơn, cho phép điều chỉnh AirTags để phù hợp hơn trong các tình huống đặc biệt này. 

Ai cũng có nguy cơ mất an toàn 

Trong các trường hợp sử dụng AirTags để theo dõi con người một cách trái phép, Apple chia sẻ: “Người dùng có thể phát hiện AirTags xung quang mình qua thông báo “AirTag Found Moving With You” được hiển thị trên các thiết bị Apple của họ. Tuy nhiên các cảnh báo này chỉ được kích hoạt khi AirTags đã bị “tách” khỏi chủ sở hữu”. 

Trường hợp bạn đi cùng bạn bè, người thân, những người này có sử dụng AirTags để gắn lên chùm chìa khóa của riêng họ chẳng hạn, thì AirTags sẽ mặc định đây không phải là hành vi theo dõi, từ đó sẽ không gửi cảnh báo đến bạn và những người xung quanh. 

Thế nhưng vô tình có rất nhiều lỗ hổng về sự mất an toàn xoay quanh chiếc AirTags vẫn chưa được Apple giải quyết. Quá dễ dàng để AirTags có thể theo dõi một người không sử dụng iPhone, iPad hay bất cứ thiết bị gì của Apple để có thể nhận được thông báo. Đó có thể là trẻ em, người già, những người không có khả năng nhận thức,.v.v nhằm bắt cóc tống tiền hay bất cứ lý do nào khác. 

Trường hợp những người bị theo dõi không sử dụng iPhone mà là một thiết bị Android, Apple cho biết AirTags sẽ được lập trình để phát ra tiếng kêu báo hiệu sau khi đã bị “tách” khỏi chủ sở hữu ba ngày. Điều đó có nghĩa là hai ngày trước thì người dùng vẫn hoàn toàn có khả năng bị gắn theo dõi. 

Một vấn đề nữa mà chắc chắn sẽ ít ai ngờ tới: AirTags có thể làm rò rỉ thông tin cá nhân của bạn. Apple cho biết, trên mỗi chiếc AirTags sẽ được gắn một số seri riêng. Nếu chẳng may có ai đó làm mất chiếc AirTags và không thể tìm lại được, họ có thể Báo mất lên máy chủ và kích hoạt hiển thị thông tin cá nhân để người khác có thể dễ dàng liên hệ và trả lại. Những người nhặt được chiếc AirTags này hoàn toàn có thể biết được những thông tin này bằng cách quét số seri trên thiết bị để vào trang hỗ trợ của Apple. Và một khi những kẻ xấu không có ý định trả AirTags lại cho bạn, chúng có thể dùng những thông tin đó để gọi điện, nhắn tin để quấy rối bạn, thậm chí là bán data.  

Sự phiền toái và hoang mang cho những người xung quanh 

Apple vẫn chưa lý giải được như thế nào là một chiếc AirTags đã bị tách khỏi chủ sở hữu, bán kính để có thể “tách” là bao xa. 

Chẳng hạn có ai đó chỉ vô tình đánh rơi nó, và bỗng dưng bạn nhận được thông báo có thiết bị theo dõi quanh đây, bạn có thấy hoang mang và lo sợ không? Ba ngày sau bạn vẫn không tìm được vị trí của chiếc AirTags vô danh ấy thì bỗng có những tiếng kêu liên hồi, thật phiền toái nhưng làm cách nào để tắt nó đi trong khi bạn không phải là chủ sở hữu? 

Trên đây là những quan điểm của cá nhân mình về thiết bị theo dõi mới đến từ Apple. AirTags là một con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích thiết thực trong đời sống hằng ngày, nó còn tạo ra vô số những tình huống mất an toàn cho những ai muốn lạm dụng. Apple cần phải chặt chẽ hơn trong khâu giải quyết các vấn đề về bảo mật để cho AirTags thật sự là một thiết bị hữu ích. Còn nếu không, nó sẽ chỉ là một thiết bị…dở hơi!

Thảo luận (3)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập