AirTag vẫn “khá rẻ tiền”
Đầu tiên, nếu muốn sử dụng AirTag, anh em bắt buộc phải cập nhật iPhone lên iOS 14.5 mới vừa ra mắt vào đêm qua, không thì AirTag sẽ không thể hoạt động được. Và đúng như mình đã dự đoán từ trước đó, chất lượng hoàn thiện của thiết bị này rất “cùi bắp”.
Cụ thể, mặt sau của AirTag được làm bằng thép bóng, mặt trước thì được làm bằng loại nhựa giống hệt như chất liệu mà Apple đã làm trên AirPods nên là anh em cứ bóc ra xong nhét vào túi quần là xước luôn, giống hệt “bệnh” mà những chiếc AirPods hiện nay đang mắc phải.
Cũng may là thiết bị công nghệ rẻ nhất của Apple có thể thay được pin chứ không như AirPods, pin mà chai thì… Viên pin mà nó sử dụng là CR2032, anh em có thể dễ dàng mua được ngoài bất cứ cửa hàng tạp hoá nào, không có gì là khó cả. Nhưng mà khi tháo pin ra là coi như cái AirTag của anh em vô dụng luôn, nó sẽ chỉ gửi lại cho chủ nhân vị trí cuối cùng trước khi bị tháo pin. Đối với người dùng không sử dụng tính năng “tìm kiếm vị trí một cách chính xác nhất” thì thời gian sử dụng của AirTag có thể lên tới một năm với một viên pin CR2032.
Theo như công bố từ nhà sản xuất, AirTag có khả năng kháng nước IP67 nên nhìn chung là anh em có thể cho nó “đi tắm” mưa thoải mái không vấn đề gì. Tuy có thiết kế tổng thể nhỏ gọn nhưng trên thực tế, AirTag có độ dày lên tới 8mm nên là việc anh em nhét nó vào ví tiền hay card holder có thể coi là tương đối khó khăn. Anh em chỉ có thể treo nó vào thứ cần treo là giải pháp hiệu quả nhất.
Nhìn chung, theo như quan điểm cá nhân thì với mức giá khoảng hơn 700.000 VNĐ thì chất lượng hoàn thiện như thế là được rồi, cũng khó có thể đòi hỏi gì thêm. Cái mình cần nhất là thời gian sử dụng thực tế lâu thì Apple lại đáp ứng được nên là khi có điều kiện, chắc chắn mình sẽ quất một em về dùng.