Âm mưu của Apple đằng sau việc cố gắng bảo vệ người dùng khỏi sự theo dõi?
Mới đây Apple đã giới thiệu tính năng mới trên bản cập nhật iOS 14.5 có tên App Tracking Transparency (ATT). Tính năng này được tạo ra là để cho người dùng quyết định xem có chấp nhận cho các app được quyền thu thập giữ liệu của mình và chia sẻ cho bên thứ 3 hay không.
Qua những vụ lùm xùm trước đó của Apple và Facebook, hoàn toàn có thể thấy được những nỗ lực của hãng trong việc đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng, bảo vệ người dùng và giúp cho họ cảm thấy an toàn hơn khi đang được sống trong hệ sinh thái của Apple, đặc biệt là hệ điều hành iOS.
Cảm giác khi mình có thể loại bỏ được những sự theo dõi không mong muốn, kiểm soát sự an toàn của bản thân trên môi trường mạng chắc chắn là một điều rất tuyệt vời mà không ai muốn từ chối, và người dùng dĩ nhiên cảm thấy rất vui vì điều đó. Nhưng người dùng liệu có chắc là họ đang thực sự an toàn hay không?
Việc chặn theo dõi liệu có thực sự giúp ích cho người dùng?
Mỗi khi người dùng cài một ứng dụng bất kỳ, ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng cho phép truy cập vào vị trí, micro, camera,… bạn chỉ cần chọn 1 lần duy nhất và sau đó ứng dụng sẽ không hỏi lại nữa. Theo thói quen, hầu hết người dùng sẽ chọn cho phép tất cả.
Về bản chất, các ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào thiết bị là để phục vụ cho các chức năng đặc thù, giúp cho trải nghiệm của người dùng được tốt hơn, và người dùng muốn sử dụng được thì sẽ phải mở quyền theo dõi cho ứng dụng đó. Ví dụ như Nowship, Baemin, Grab, Bee,… bạn không thể từ chối quyền truy cập vào vị trí, hay các ứng dụng chụp ảnh quay video như Meitu, B612,…bạn cũng không thể từ chối quyền truy cập vào camera đúng không nào?
Một số ứng dụng khác thì có liên kết với các bên mua bán dữ liệu (data broker), thu thập thông tin về vị trí, thông tin cá nhân, thói quen người dùng rồi bán cho bên thứ ba. Các công ty bên ba (data broker) nay sẽ tổng hợp, phân tích dữ liệu chuyên sâu thành một dạng như nghiên cứu thị trường rồi bán cho công ty khác nữa, hoặc phục vụ cho các mục đích của mình.
ATT sinh ra là để ngăn chặn điều này. Và cho dù bạn có chặn quyền theo dõi của tất cả các ứng dụng khác, thì vẫn luôn có một ánh mắt dõi theo bạn cả đêm lẫn ngày. Không ai khác, chính là Apple đó!
Âm mưu của Apple đằng sau App Tracking Transparency
Đã có rất nhiều bài viết ca ngợi Apple vì tính năng này, cho rằng đây thật sự là một hệ sinh thái có tính bảo mật cao, bảo vệ chặt chẽ cho sự an toàn của người dùng. Mặt khác, các công ty quảng cáo thì vô cùng đau đầu trước ATT.
Facebook cho rằng, ATT sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang dùng chiến dịch quảng cáo định hướng để bán hàng. Nhờ có quảng cáo định hướng mà món đồ của họ được gợi ý đến đúng khách hàng mục tiêu, tiết kiệm nhiều chi phí cho với việc chạy quảng cáo quy mô rộng. Tất nhiên, Facebook lo cho việc giảm doanh thu của mình nữa, vì họ sống và phát triển là nhờ quảng cáo.
Một số bên khác thì lo ngại rằng ATT sẽ khiến doanh thu của các ứng dụng, game miễn phí sống nhờ vào việc hiển thị quảng cáo bị giảm đi, như vậy các nhà phát triển buộc phải chuyển sang mô hình bán ứng dụng có trả phí. Và điều này rõ ràng là sẽ không khả thi.
Khi phần lớn các ứng dụng iOS không được quyền truy cập thông tin của người dùng nữa, thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn bạn sẽ không ngờ tới điều này, nhưng đúng vậy, một mình Apple sẽ độc chiếm Bigdata!
Có lẽ Apple sẽ không bao giờ nói cho bạn biết điều này, nhưng rất có thể bạn đang bị hút máu một cách âm thầm. Khi các ứng dụng không còn có thể chiếm thông tin của bạn và bán một cách nhỏ lẻ, thì Apple đã tạo ra một vòng vây ngăn chặn mọi ánh mắt bên ngoài nhìn vào bạn, và chỉ có nó mới được quyền xem thông tin của bạn mà thôi. Và khi được độc quyền nắm một số lượng lớn thông tin người dùng như vậy, thì việc bán nó đi cùng lúc sẽ khiến cho Apple thu lợi cao hơn rất rất nhiều!
Vậy là bước đầu, Apple đã thành công trong việc tạo ra “ảo tưởng” về sự an toàn của người dùng, khiến cho họ tôn sùng iOS, tôn sùng vào một môi trường an toàn mà ai cũng đang được bảo vệ. Và vốn dĩ từ trước tới nay, iOS vẫn luôn được biết đến là một hệ điều hành vô cùng bảo mật và tối ưu. Thêm sự xuất hiện của ATT, nó sẽ ngày càng có nhiều những khách hàng tin tưởng. Sẽ chẳng lạ gì, nếu như có ngày càng nhiều những người dùng Android chuyển qua sử dụng iOS về những trải nghiệm an toàn ấy. Apple đã lại tiếp tục thành công trong việc thu hút nhiều khách hàng sử dụng các sản phẩm của mình.
Ngoài điều trước mắt là hãng sẽ bán được nhiều hàng hơn, thì “thành tựu” sâu xa mà Apple đạt được, đó là thu thập được nhiều hơn nữa thông tin của người dùng để củng cố cho hệ thống Big data của mình. Động cơ và mục đích tất cả đã được tính toán sẵn, người dùng chỉ là những con bài được điều kiển bởi chính bàn tay to lớn đang “che chở” cho mình mà thôi.
Vậy thì người dùng có đang thực sự an toàn không? Câu trả lời là toàn bộ những gì mà mình đã truyền tải ở trên. Điều duy nhất mà người dùng có thể điều khiển được đó là ai sẽ thu thập thông tin của mình, chứ không phải quyết định có cho theo dõi hay không.
Bạn có đang sử dụng tính năng ATT hay không? Bạn có thường xuyên cho phép ứng dụng truy cập thông tin của mình hay không? Hãy cùng comment nhé.