Bài học gì dành cho BKAV sau sự ra đi của Vsmart?

Thu Hồng
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Mỗi thương hiệu tuy có một chiến lược riêng, nếu như biết nhìn nhận và học hỏi lẫn nhau thì sứ mệnh mang công nghệ Việt vươn lên và phát triển sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Có thể thấy, thị trường di động trong nước nói chung và thế giới nói riêng đang dần đi vào giai đoạn bão hòa. Những cái tên kỳ cựu như HTC, LG, Sony,… chỉ còn lại thời vàng son ở sâu trong quá khứ. Và bất kỳ sự ra đi nào cũng sẽ là một nỗi mất mát lớn đối với làng công nghệ.

Việc Vsmart bỏ cuộc trong chặng đua đi động đã khiến cho rất nhiều người phải cảm thấy nuối tiếc. Trước đó, hai cái tên Bphone và Vsmart ít nhiều cũng đã trở thành những biểu tượng của thị trường di động Việt. Và ngay lúc này, chỉ còn lại Bphone là thương hiệu điện thoại Việt duy nhất còn tồn tại và phát triển trên thị trường. Trường hợp xấu nhất, nếu một ngày nào đó Bphone cũng dừng lại, thì thật sự không còn gì để diễn tả cho “nỗi đau” mất mát của thị trường di động Việt Nam khi vắng bóng hoàn toàn các thương hiệu nội địa. Là một người luôn luôn ủng hộ những sản phẩm trí lực Việt Nam, mình không bao giờ mong muốn điều đó xảy ra.

Nếu đặt ra câu hỏi rằng, sau Vsmart liệu Bphone có kết thúc hay không, thì không ai có thể trả lời được. Tuy nhiên, những bài học mà VSmart để lại sẽ phần nào làm giúp cho BKAV rút ra được những kinh nghiệm quý báu dành cho mình.

Muốn bán được sản phẩm thì hãy làm nó dễ tiếp cận hơn với người dùng

Rõ ràng Vsmart và Bphone tồn tại, phát triển theo hai triết lý khác nhau. Vsmart sử dụng dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng có sẵn đến từ thương hiệu điện thoại BQ (Tây Ban Nha) và được đưa về Việt Nam để sản xuất. Hầu hết các sản phẩm của Vsmart đều nhắm đến phân khúc giá dưới 5 triệu đồng, một phân khúc tương đối dễ tiếp cận với người dùng Việt Nam. Chiếc máy rẻ rất của hãng chính là chiếc Vsmart Bee với giá chỉ 990.000 đồng. Phân khúc giá của Vsmart hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp được với các model đến từ Xiaomi, Oppo, Vivo, thứ mà các hãng Việt Nam trước đây khó có thể mơ tới. Vsmart chấp nhận chịu lỗ (nặng) để đổi lấy thị phần. Và bằng chứng là thương hiệu này đã vươn lên TOP 3 trong thị phần smartphone Việt Nam đầu năm 2020.

BKAV thì khác, hãng làm chủ dây chuyền sản xuất, tự nghiên cứu, thiết kế. Vì vậy chi phí bỏ ra để hoàn thiện một chiếc điện thoại là không hề nhỏ. Phân khúc ban đầu BKAV hướng đến lại chính là phân khúc khó tiếp cận nhất – cận cao cấp. Và cho đến dòng Bphone thế hệ thứ 4, hãng mới bổ sung thêm 2 chiếc tầm trung nữa là Bphone B60 và B40 với mức giá thấp nhất là 5,4 triệu đồng. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, hai chiếc máy này không còn được kinh doanh nữa, đồng nghĩa với việc nhiều năm liên tiếp, BKAV chỉ bán điện thoại cận cao cấp mà thôi.

Đưa ra sự so sánh như vậy không có nghĩa là BKAV phải hoàn toàn thay đổi phân khúc giá cho các sản phẩm của mình, bởi lẽ tiềm lực tài chính của BKAV không thể so bì được với VinGroup để có thể chịu thua lỗ mạnh và liên tục, và nếu đi theo con đường đó, thì chẳng khác gì tự chui vào chỗ chết! Nhưng BKAV hãy nhìn vào thực tế thị trường, thu nhập bình quân của người Việt Nam là 6,5 triệu đồng/tháng, phân khúc bán chạy nhất tại Việt Nam vẫn là phân khúc dưới 5 triệu đồng.

Người dùng Việt Nam không tiếc tiền cho một chiếc điện thoại cao cấp, nhưng không ai muốn chi mạnh tay cho một sản phẩm chưa phổ biến, chưa có quá nhiều sự kiểm chứng và đặc biệt là chưa có những thành tựu nhất định trên thị trường. Việc tạo ra các sản phẩm với mức giá hợp lý để tăng độ phủ sóng đối với thương hiệu, tạo niềm tin cho người dùng, tranh giành thị phần tại chính sân nhà, mới chính là bước đầu của thành công. Sau đó, thương hiệu hoàn toàn có khả năng để phát triển thêm các dòng Flagship, vừa để gỡ lại lợi nhuận, lại vừa để phô diễn công nghệ, cho mọi người thấy được khả năng vượt xa của mình thì chẳng phải sẽ tốt hơn sao? 

BKAV luôn có tham vọng trở thành thương hiệu chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, thậm chí còn đặt mục tiêu vươn lên TOP 2 vào năm 2023. Thế nhưng với đà tăng trưởng hiện tại, sẽ rất khó để BKAV có thể làm được điều này. Nếu như BKAV tối ưu sản phẩm của mình hơn và đánh mạnh vào phân khúc tầm trung giá rẻ dễ tiếp cận, thì mình tin là doanh số của Bphone sẽ khả quan hơn, đường đến tham vọng TOP 2 thị trường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Có lẽ do đã nhận thức được điều này, đại diện BKAV – Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, sắp tới hãng sẽ tung ra Bphone phiên bản giá tốt. Rõ ràng đây sẽ là lúc phù hợp nhất để BKAV lấp đầy 10% thị phần mà Vsmart đã để lại. 

Hãy đặt niềm tự tôn dân tộc đúng lúc đúng chỗ

Tuyệt nhiên chưa bao giờ chúng ta thấy bất kỳ một câu khẩu hiệu nào dạng như: Mua Vsmart để thể hiện lòng yêu nước. Suy cho cùng, lịch sử đã chứng minh một sản phẩm có “lưu danh muôn thuở” hay không, chắc chắn phụ thuộc vào chất lượng và lợi ích thực sự mà nó mang lại cho người dùng và rộng hơn là cả xã hội chứ không nằm ở việc người ta quảng cáo hay bàn tán những gì về nó.

Đối với Bphone, BKAV luôn nhấn mạnh vào một sản phẩm “Make in Vietnam”, là một niềm tự hào, sự khao khát chinh phục đỉnh cao của công nghệ Việt. BKAV tin rằng, Bphone sẽ bán chạy vì có một lượng lớn fans hâm mộ và cộng đồng mạng đang ngày đêm hô hào “yêu nước”, “ủng hộ sản phẩm Việt”. Đồng ý rằng, khát vọng, hoài bão về niềm tự hào mang tên Việt Nam là rất đáng quý, tuy nhiên, hãy thể hiện nó đúng lúc đúng chỗ. Và không phải cứ mua Bphone mới là yêu nước. 

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đi được hơn 10 năm. Từ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cuộc vận động này đã và đang dần chuyển sang một giai đoạn mới "Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam". Thế nhưng phải làm thế nào để người Việt dùng hàng Việt không chỉ vì lòng yêu nước, mà phải vì chất lượng thì mới thực sự xứng đáng với hai chữ “tự hào”.

Từ những điều kể trên, Bphone đã vô tình tạo ra một sự “ác cảm” từ phía người dùng. Họ không mua Bphone vì một lý do nào đó về nhu cầu và chất lượng, chứ không phải là họ “sính” ngoại và họ không yêu nước. 

Điều này dường như đã ngấm sâu vào triết lý thương hiệu và triết lý của một bộ phận cộng đồng Bfans, rất khó để thay đổi. Và bản thân mình nghĩ, nếu như Bphone và cộng đồng Bfans đặt niềm tự tôn dân tộc đúng lúc đúng chỗ, thì thương hiệu chắc chắn sẽ được nâng tầm và chiếm được cảm tình đối với chính “đồng bào” của mình hơn. 

Marketing thành công đôi khi đòi hỏi sự sâu sắc

Khoan nói đến Vsmart, mình học được một bài học từ chiến lược marketing của BKAV rằng: Nếu sản phẩm của bạn không có khả năng cạnh tranh tốt, thì hãy dùng phương thức marketing gây sốc để thu hút dư luận”. 

Chiến lược marketing của Vsmart tập trung nhiều vào chất lượng sản phẩm, tạo độ phủ sóng lớn, không “vĩ cuồng”, không khoa trương, cường điệu. BKAV thì khác, mặc dù có những sự kiện ra mắt mang tầm cỡ quy mô, thế nhưng mọi thứ sẽ hoàn hảo nếu như mọi phát ngôn trên sân khấu lẫn trên các trang mạng xã hội của BKAV không có quá nhiều “hạt sạn”. Người Việt vốn cực kỳ bén nhạy với các yếu tố tiêu cực, càng cho họ cái cớ để tranh cãi thì họ càng nói nhiều nói dai và thế là đạt được mục tiêu duy trì độ phủ sóng của thương hiệu. Nói một cách khác, lẽ nào điều “tối kỵ” trong cách truyền thông của giới công nghệ lại trở thành một “khổ nhục kế” được BKAV ưu tiên sử dụng đến như vậy sao? BKAV đã “thành công” trong việc gây sự chú ý, nhưng liệu hãng có chuyển hóa sự chú ý đó thành doanh số bán hàng được hay không? Và BKAV có nên thực sự nghiêm túc để nghĩ về chiến lược marketing của mình hay không, và những điều này mình cần chính BKAV trả lời. 

Dựa vào những gì Vsmart đã đạt được, mình mong rằng BKAV hãy thật sự kiêm tốn trong những phát ngôn của mình, sự thành công hãy để cho chính người dùng cảm nhận và đánh giá.

Tóm lại, bất kể BKAV hay Vsmart, mỗi thương hiệu tuy có một chiến lược và lối đi riêng. Thế nhưng nếu như biết nhìn nhận và học hỏi lẫn nhau, thì sứ mệnh mang công nghệ Việt vươn lên và phát triển sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Và sau khi Vsmart rời đi, mong rằng Bphone sẽ càng nhận thức hơn về việc mình sẽ phải chiến đấu thế nào để giữ lại sự sống còn và chiến đấu tiếp tục hoàn thành được sứ mệnh. 

Thảo luận (3)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập