Lối đi nào cho sự phát triển của smartphone Việt?

Thu Hồng
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Chúng ta có quyền kì vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho thương hiệu smartphone Việt hay không?

Lâu nay, chúng ta đã quá quen với việc những thương hiệu smartphone quốc tế luôn dẫn đầu trong thị phần bán ra ở mọi phân khúc. Người dùng luôn ưa chuộng những thương hiệu nước ngoài không chỉ bởi thiết kế, công nghệ mà còn bởi giá cả. Có rất nhiều lý do khiến cho phần đông những người dùng này không mấy tha thiết với các thương hiệu điện thoại nội địa. Đã có nhiều thương hiệu phải bỏ cuộc, có thương hiệu thì phải “mang chuông đi đánh xứ người”. Liệu có phải do người Việt quay lưng với thương hiệu trong nước, hay còn có những nguyên nhân nào khác?

Thị trường smartphone nội địa chưa bao giờ là sân chơi dễ dàng

Từ định kiến “không làm nổi con ốc vít” cho đến những sản phẩm chỉn chu, ngày càng nhiều những chiếc smartphone được tạo ra từ trí lực của người Việt đã có mặt trên thị trường. 

Cùng ngược dòng thời gian, hãy nhớ lại những cái tên như Mobiistar, Viettel, VNPT, Masstel, Asanzo. Đây đều là những cái tên mà khá lâu rồi chúng ta không còn được nghe đến, vì tất cả đều đã “bỏ cuộc” sau một hành trình tìm chỗ đứng quá gian nan. 

Rõ ràng, không dễ gì để những thương hiệu nội địa tìm được vị trí trong một thị trường quá đỗi bão hòa như hiện nay. Thế nhưng cũng le lói một chút hi vọng khi vẫn còn hai cái tên quyết tâm bám trụ thị trường và tạo ra nhiều đổi mới và bứt phá, đó chính là BKAV với Bphone và VinSmart với Vsmart. Khác với các nhà sản xuất mang thương hiệu Việt nhưng lại gia công sản phẩm ở nước ngoài, BKAV và VinSmart “thuần Việt” hơn khi được trang bị đội ngũ kỹ sư và nhà máy sản xuất ngay trong nước, cùng với những chiến lược và hướng đi rõ ràng. 

BKAV có lẽ là cái tên nhận được nhiều “điều tiếng” nhất trong cộng đồng smartphone Việt. Hai thế hệ đầu tiên là Bphone và Bphone 2 đều không nhận được nhiều đánh giá tích cực và các tín hiệu khả quan từ thị trường. Thậm chí, CEO Nguyễn Tử Quảng còn phải thừa nhận thua lỗ nhưng vẫn ấp ủ những tham vọng tiếp theo. Những phiên bản Bphone sau đó bị các chuỗi bán lẻ “quay lưng”, BKAV đã phải chủ động phân phối qua các Store của riêng mình. Kết quả là hướng đi này cũng chẳng mấy khả quan, khiến cho Bphone dần đi vào quên lãng. 

Vsmart là cái tên non trẻ nhất của thị trường đi động Việt mang đến nhiều tín hiệu khả quan, song vẫn chưa thực sự có cho mình được một vị thế vững chắc trong chính sân nhà. Một cây làm chẳng nên non, một mình Vsmart làm sao thay đổi được những định kiến về smartphone Việt mà các thương hiệu cũ đã để lại? Hay liệu có ai dám chắc Bphone và Vsmart sẽ tiếp tục phát triển đường dài, hay sẽ lại một ngày “chết yểu” như các thương hiệu cũ đã từng. 

Do thương hiệu chưa phát huy hết tiềm năng hay do tâm lý "sính" ngoại của người dùng? 

Điện thoại Việt Nam chiếm không quá 1% trên tổng thị trường Việt Nam (theo số liệu thống kê trong quý 3/2019). Hầu như rất ít người Việt Nam mua smartphone nội địa, bởi họ “sính” ngoại và sẽ nổi bật hơn nếu dùng hàng ngoại. Đó là một nhận định hơi mang thiên hướng chủ quan. Tuy nhiên cũng cần phải đặt ra câu hỏi ngược lại rằng: Liệu smartphone Việt đã đủ “tốt” để người dùng tin tưởng lựa chọn?

Tổng quan về thị trường smartphone trong nước, có không dưới 10 thương hiệu sừng sỏ đến từ nước ngoài đang làm mưa làm gió và có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, trong đó Samsung đã chiếm tới 42,8% thị phần. Công thức của Samsung rất đơn giản, tạo ra nhiều sự lựa chọn trải dài mọi phân khúc, từ giá rẻ cho đến cao cấp, thậm chí là “siêu cao cấp” để đáp ứng nhu cầu của nhiều lớp người dùng. Tên tuổi của các hãng điện thoại Việt Nam chưa lớn, mới nhen nhóm được một thời gian, chưa kịp tồn tại đủ lâu để người tiêu dùng điểm mặt, gọi tên thì đã đã sớm lụi tàn. Điều đó cho thấy sức mạnh thương hiệu lẫn tiềm lực kinh tế của smartphone thương hiệu Việt vẫn còn khá yếu. 

Bên cạnh đó, các hãng smartphone ngoại nhập như Samsung, Apple hay các tên tuổi từ Trung Quốc (Xiaomi, OPPO, Huawei,…) cho người dùng nhiều lựa chọn về thiết kế, cấu hình lẫn phân khúc giá hơn, cộng với đó là nhiều tính năng hấp dẫn cộng với mức giá tốt khiến cho người dùng Việt không thể kiềm lòng. Đây chính là nguyên nhân chính gây nên sự suy tàn của thương hiệu smartphone Việt. Cùng với đó, khả năng gia công còn hạn chế cộng với giá thành chưa mấy hấp dẫn đã khiến người dùng sớm gạt tay khỏi sự mời gọi của những mẫu điện thoại nội địa này.

Bphone lần đầu tiên được BKAV ra mắt cũng đã tạo nên một cơn sốt lớn, nhưng khi mức giá được công bố thì “hỡi ôi”, ai cũng muốn ngã ngửa. Những thiết bị sau đó vẫn được BKAV định hình ở phân khúc cận cao cấp. Nhiều luồng ý kiến trái chiều xuất hiện. Có người thì cho rằng, cũng vẫn với số tiền ấy, người ta có thể bỏ ra để mua một chiếc iPhone, thế thì tại sao lại ỏng ẹo chê bai một chiếc smartphone trí lực Việt? Có người lại cho rằng, smartphone Việt chưa có đủ “tầm” để đặt lên bàn cân với các thương hiệu quốc tế, vì vậy hãy bắt đầu bằng những sản phẩm phổ thông dễ tiếp cận trước, sau đó mới có thể nâng tầm lên các sản phẩm thực sự cao cấp. 

Ban đầu BKAV vẫn rất “bảo thủ”, tuy nhiên tới thế hệ thứ 4, hãng sản xuất này đã buộc phải thêm vào dòng sản phẩm của mình những thiết bị tầm trung giá rẻ. Thế nhưng do sự ảnh hưởng bởi những định kiến ban đầu, cộng với chính sách phân phối độc quyền, Bphone thế hệ sau này vẫn không mấy có dấu hiệu khả quan. 

Vsmart so với Bphone đã có nhiều hơn những cảm tình từ phía thị trường. Dường như nhà sản xuất Việt thứ hai này đã đi ngược lại toàn bộ những “lối mòn” của BKAV. Đại diện Vingroup cho biết, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Vsmart đi theo chiến lược đa dạng hóa sản phẩm với nhiều phân khúc thị trường khác nhau, tập trung nhiều vào chất lượng. Bằng chứng là cuối tháng 3 năm 2020, chỉ sau 15 tháng ra mắt, thương hiệu VSmart đã giành được 16,7% thị phần trong Quý 1 năm 2020, nằm trong top 3 có thị phần lớn nhất thị trường cùng Samsung và OPPO.

Từ những nhận định trên có thể rút ra rằng, người Việt chưa hề quay lưng với smartphone Việt, mà là các nhà sản xuất đã cho họ thấy những yếu tố có thể thuyết phục được họ hay chưa. Có rất nhiều “lối đi” để dẫn tới thành công cho smartphone Việt, quan trọng là các thương hiệu sẽ chọn lối đi nào, và có quyết tâm đi đến cùng hay không. 

Dấu ấn của một “tân binh”

Vsmart là hãng điện thoại được vinh danh liên tiếp trong đêm Gala Tech Awards 2020 với một loạt giải thưởng: Điện thoại Việt xuất sắc nhất, Điện thoại dẫn đầu trào lưu công nghệ, Điện thoại phổ thông xuất sắc nhất và Sản phẩm công nghệ sáng tạo năm 2020. Chưa từng có hãng điện thoại Việt nào có thể chinh phục thị trường thành công như Vsmart. Năm vừa qua, thị trường cũng đã ghi nhận Vsmart là hãng sản xuất điện thoại có tốc độ tăng trưởng mạnh. Lần đầu tiên một thương hiệu smartphone Việt có thể khiến cho thị trường smartphone thay đổi khi liên tục nằm trong top bán chạy nhất.

Từ một hãng phải đi mua thiết kế, VSmart đã dần làm chủ công nghệ, đưa những nghiên cứu mới nhất trên thế giới ra sản phẩm thương mại (camera ẩn dưới màn hình trên Vsmart Aris Pro). Lần lượt các sản phẩm thuộc mọi phân khúc từ cao cấp đến tầm trung và giá rẻ được ra đời. Một nước đi đúng đắn của Vsmart có thể kể tới đó là việc góp phần đẩy nhanh lộ trình phổ cập smartphone trên cả nước với sản phẩm Vsmart Bee Lite (kết hợp cùng Viettel) với giá chỉ 600.000 đồng. Chính những điều này khiến Vsmart len lỏi đến nhiều nơi xa hơn và tiếp cận được lượng người dùng đông đảo.

Có thể thấy, chiến lược giúp Vsmart giành vị trí chính là đánh vào phân khúc smartphone bình dân có giá từ 1-3 triệu đồng. Bởi vì trên thị trường, phân khúc dưới 5 triệu đang chiếm 70%, phân khúc dưới 3 triệu đồng chiếm 30%. Smartphone Vsmart đánh chiếm phân khúc dưới 2 triệu, đồng thời cũng chiếm tỉ trọng lớn ở phân khúc 2-3 triệu đồng.

Nhìn vào cái cách Vsmart đang phát triển không chỉ tại sân nhà mà còn ra ngoài thị trường quốc tế, chúng ta có quyền kì vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho thương hiệu smartphone Việt.

Lối đi nào cho sự phát triển của smartphone Việt?

Từ thực tế thị trường cho thấy, khách hàng Việt Nam thường quan tâm tới giá hơn là xuất xứ thương hiệu. Vì vậy, nếu như thương hiệu mang lại sản phẩm tối với giá thành rẻ nhất, thì sản phẩm của họ sẽ được chọn mua. Phân khúc tầm trung giá rẻ chính là “ngõ ngách” phù hợp với smartphone Việt Nam, nếu như các nhà sản xuất tận dụng được triệt để và làm chủ ngách thị trường này, sau đó là đầu tư tiến sâu hơn vào phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Đây sẽ là sân chơi để thương hiệu được “phô diễn” công nghệ, tạo niềm tin cho người dùng, đồng thời là để khẳng định trí lực Việt Nam không thua kém gì các nước phát triển.

Bên cạnh đó, cần phải chấp nhận khi đầu tư vào phân khúc giá rẻ, các nhà sản xuất sẽ phải ép chi phí sản xuất xuống mức thấp và có ít lợi nhuận hơn. Tuy nhiên tính riêng thời điểm hiện tại, nhà nước đã ban hành chương trình phổ cập smartphone tới 100% dân số. Các nhà sản xuất cùng bắt tay tham gia vào chương trình này sẽ được chính phủ cùng các nhà mạng, các nhà phát triển ứng dụng chung tay để trợ giá. 

Để một thương hiệu smartphone có thể phát triển thành công, thì thương hiệu cần phải mất rất nhiều thời gian để thâm nhập thị trường, tạo mối liên kết và hiểu rõ thói quen người dùng. Từ đó xem xét, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và phát triển sao cho phù hợp. Để giải được bài toán này thì ngoài thời gian, có một yếu tố nữa mà thương hiệu rất cần được chú trọng đó chính là tiềm lực kinh tế để phát triển đường dài. 

BKAV ghi nhận thua lỗ nặng nề, trong tương lai liệu nhà sản xuất này có còn muốn bám trụ lại thị trường nữa hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi hiện tại nó đã bị bỏ ngỏ, sẽ rất tiếc nếu như Bphone rồi sẽ lại bị xếp vào quá khứ như Mobiistar hay những cái tên cũ khác. Còn đối với Vsmart, ai cũng biết nguồn lực tài chính của tập đoàn VinGroup đứng sau vô cùng dồi dào. Nhưng trong tương lai vẫn chưa biết liệu VinGroup có còn muốn đầu tư mạnh mẽ cho mảng phát triển smartphone khi nó có quá nhiều chông gai như vậy nữa hay không?

Tương lai thì rộng mở, cơ hội cũng có nhiều. Quả ngọt chỉ dành cho những ai biết nắm bắt. Nếu như đó không phải BKAV hay VinSmart, thì liệu cái tên tiếp theo nào sẽ dám nhảy vào “chảo lửa” của thị trường smartphone Việt đây? 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập