Asus ROG Zephyrus G14: hơn cả một chiếc Laptop Gaming
- Cuộc lột xác ngoạn mục của ROG Zephyrus G15: Gaming laptop không chỉ để chơi game
- PC Gaming trị giá 50 triệu đồng đã thay đổi như thế nào sau 6 tháng qua?
Tính đến thời điểm hiện tại Asus vẫn là thương hiệu hiếm hoi khai thác laptop gaming kích thước 14 inch. Khi một thế hệ phần cứng mới xuất hiện, chúng ta lại kì vọng nhiều hơn vào những thay đổi và cải tiến để có thể cân nhắc trong việc trang bị chúng cho mùa hè đang sắp đến gần.
Sau một thế hệ Zephyrus G14 đã có được những phản hồi tương đối tích cực trước đây. Asus quyết định giữ lại phần barebone thiết kế đối với mẫu laptop này. Điều này sẽ khiến nhiều người nhầm tưởng rằng G14 năm nay là một phiên bản refresh của thế hệ trước nhưng thực thế thì sẽ có nhiều sự thay đổi mà chúng ta khó có thể nhận ra nếu không đi vào chi tiết.
Vẫn là điểm nổi bật nhất của Zephyrus G14 ở phần ngoại hình là phần mặt A với 6526 lỗ cắt CNC độc đáo đi kèm 1215 bóng mini LED để làm nổi bật, cá nhân hoá hình ảnh, phù hợp với cá tính của từng anh em. Anh em có thể tuỳ chỉnh tuỳ thích trong phần mềm Armoury Crate. Anime Matrix hỗ trợ rất nhiều chất liệu có sẵn như ảnh gif, font chữ phong phú cho các hiệu ứng dạng text. Còn nếu anh em thích cá biệt riêng có thể tải nhiều phần mềm khác nhau, điển hình như Pyxel Edit để tạo riêng. Không có thay đổi nào về bề ngoài của G14 năm nay nên mình vào thẳng cấu hình, nơi có nhiều sự thay đổi đáng chú ý.
Về cổng kết nối, Zephyrus G14 đủ các cổng “ăn chơi” bao gồm 1 cổng C, USB 3.2 Gen 2 hỗ trợ Displayport 1.4 và PD, 1 cổng C USB 3.2 Gen 1, 2 cổng USB 3.2 Type A và 1 HDMI 2.0b. Hơi tiếc vì mẫu laptop này lại không được trang bị HDMI 2.1 như nhiều mẫu laptop khác trong năm nay của Asus ROG. Có lẽ do giới hạn của việc sử dụng RTX 3060 nên việc sử dụng HDMI 2.0b sẽ hợp lý hơn.
Zephyrus G14 mình đang có ở đây là phiên bản duy nhất đang bán tại Việt Nam và cũng là cao nhất cho dòng sản phẩm này, vi xử lý AMD Ryzen 9 5900HS 8 nhân/16 luồng, xung nhịp 3.0GHz, boost lên tới 4.6GHz, RAM 32GB - 2x16GB DDR4 3200MHz - 1 hàn chết trên board và 1 rời, GeForce RTX 3060 Mobile 6GB GDDR6, 1TB SSD NVMe và màn hình độ phân giải QHD, tần số quét lên tới 120Hz. Các phiên bản có cấu hình thấp hơn sử dụng GPU mới của Nvidia được ký hiệu GN20-P1, GN20-P0 (theo mình dự đoán thì nhiều khả năng, đây sẽ là nhân đồ hoạ của RTX 3050 và RTX 3050Ti) và thấp nhất là GTX 1650.
Mình cũng trông chờ hai phiên bản kia để hy vọng thấy được hiệu quả của hai card đó. Xu hướng Gaming laptop giá rẻ nửa cuối năm gần như có sự xuất hiện của chúng. Năm 2020, Zephyrus G14 là mẫu laptop phổ biến nhất và có lẽ là duy nhất được trang bị Ryzen 9 4900HS với RTX 2060. Còn trong năm nay Zephyrus G14 sở hữu cấu hình có sự đột phá về vi kiến trúc bên trong những con chip xử lý quan trọng nhất là AMD và Nvidia và có lẽ cũng là mẫu laptop hiếm hoi sẽ sử dụng CPU này Ryzen 9 5900HS của AMD.
Việc sử dụng Ryzen 5000 với vi kiến trúc Zen 3 mới tối ưu hơn thế hệ trước mặc dù sử dụng chung tiến trình 7nm. So với Ryzen 9 4900HS, phiên bản Ryzen 9 5900HS đã có thể nâng xung nhịp cực đại lên 4.6GHz thay vì 4.4GHz ở thế hệ cũ. Hiệu năng đơn nhân tăng thì hiệu năng đa nhân cũng với cái đà đó mà tăng thêm một bậc. Còn với RTX 3000 với kiến trúc Ampere thì khỏi phải nói rồi, Ngay đến chiếc RTX 3060Ti tầm trung cũng có thể sánh ngang hàng với RTX 2080Ti siêu đắt đỏ trước đây.
So sánh kết quả hiệu năng đơn nhân và đa nhân trên bài test Geekbench cho thấy điểm đơn nhân của Ryzen 9 5900HS mạnh hơn hẳn so với điểm đơn nhân của thế hệ cũ trên cùng một phiên bản ROG Zephyrus G14. Trong khi đó điểm đa nhân cũng tăng nhưng đó không phải là một sự vượt trội như cách mà hiệu năng đơn nhân thể hiện. Đó có thể là do giới hạn về khả năng mà hệ thống tản nhiệt có thể đáp ứng, điện năng được cấp cho Ryzen 9 5900HS hoạt động trong một barebone nhỏ bé có thiên hướng di động. Điều đó cũng thể hiện cho ngưỡng hiệu năng của tiến trình 7nm mà AMD có thể khai thác ở thời điểm hiện tại. Điều tương tự cũng xảy ra
Theo như thông số kỹ thuật của AMD thì Ryzen 9 5900HS cho phép xung nhịp cực đại của một nhân có thể đẩy lên 4.6GHz. Tuy nhiên, việc giữ cho xung nhịp của toàn bộ nhân CPU ở bao nhiêu thì lại không thể có con số cố định mà phụ thuộc nhiều vào các nhà OEM laptop. Những bài stress test cũng cho thấy Zephyrus G14 năm nay có khả năng giữ cho xung nhịp toàn nhân dao động ở mức 4.0GHz - 4.2GHz, đôi khi giảm xuống 3.9GHz hoặc có lúc đẩy lên được 4.3GHz trong vài giây. Lượng điện năng tiêu thụ đạt đỉnh ở khoảng trên 60W, nhiệt độ cao nhất đạt 96 độ C. Con số thì đáng mừng vì đây là mức xung nhịp cho phép bạn chơi game cũng như thực hiện các tác vụ năng tốt hơn so với phiên bản cũ nhưng công việc đó không nên kéo dài vì quạt phải hoạt động hết công suất tạo tiếng ồn lớn, đồng thời 90 độ C cũng không phải là con số lý tưởng để làm việc trong thời gian dài nếu bạn không muốn nhìn thấy chiếc Zephyrus G14 của mình “già đi” trông thấy.
Một bài test tổng hợp giúp bạn dự đoán khả năng chơi game của hệ thống là 3DMark Time Spy đã được mình sử dụng trên Zephyrus G14 năm nay và cho số điểm 7811, cao hơn số điểm mà một chiếc laptop sử dụng Ryzen 9 4900HS và RTX 2060 có thể đạt được là 7645, không hơn quá nhiều về mặt điểm số nhưng chắc chắn sẽ mang lại sự mượt mà cao hơn thế hệ cũ.
Nếu lo lắng rằng việc Asus đưa vào tấm nền 2K IPS 120Hhz sẽ làm giảm độ mượt của trải nghiệm game thì đừng nên quá lo lắng vì tính năng các tính năng mới mà Nvidia trang bị trên RTX 3060 sẽ giúp bạn chơi mượt mà giống như chơi ở độ phân giải FHD nhưng lại có hình ảnh đẹp hơn ở 2K. Đặc biệt là Resizable BAR và DLSS, về bản chất thì Resizable BAR trên card đồ hoạ Nvidia sẽ đem lại khả năng truy cập toàn bộ hệ thống VRAM trên hệ thống như Smart Access Memory của AMD và nó ảnh hưởng trực tiếp đến những trải nghiệm hình ảnh ở độ phân giải cao. Còn DLSS 2.0 thì đã quá nổi tiếng rồi, khả năng của nó là cho phép bạn có thể chơi game ở độ phân giải cao trong khi phần cứng chỉ phải xử lý ở độ phân giải thấp hơn nên tốc độ khung hình sẽ cao hơn so với hiệu năng thuần của nó.
Ban đầu, mình nghĩ hệ thống tản nhiệt của máy giống y hệt phiên bản năm ngoái và thực tế đúng như vậy, cách sắp xếp các khe tản nhiệt phía trên, hai bên hông, hay kiểu hai chiều ở gáy đều tương tự. Hệ thống ống đồng tản nhiệt, vị trí đặt vi xử lý, card đồ hoạ cũng như thế nhưng mình phát hiện ra một điều khá lạ, nằm ở độ ồn, quạt gió chạy ở mức cao nhất (7000rpm và 6500rpm) không có cảm giác gắt như G14 năm ngoái. Hay là mình nghe nhầm nhỉ? thực tế, ASUS mang công nghệ quạt Arc Flow mới, tăng đúng một cánh quạt từ 83 lên 84 và công nghệ chống cộng hưởng để thu thêm lượng gió tới 10%, lượng gió ra đều hơn, không bị rít lớn.
Asus cũng đã trang bị cho chiếc Zephyrus G14 năm nay một SSD có tốc độ đọc/ghi cao đến từ SK Hynix với khả năng đọc tuần tự lên đến 3500MB/s còn tốc độ ghi là 2500MB/s. Tải game, load game đều rất nhanh, chỉ diễn ra trong giây lát. Chiếc SSD bên trong chiếc máy này còn cho phép những content creator làm những công việc như multimedia, load ảnh, load video, render những nội dung 4K mà không sợ bị nghẽn từ ổ cứng.
Màn hình là điểm mình thích nhất trên Zephyrus G14 khi nó có độ phân giải lên tới QHD, tần số quét 120Hz, đổi lại kích thước 14 inches là hơi nhỏ so với một chiếc laptop mang tính chất gaming. Rõ ràng, sự xuất hiện của RTX 3000 series mang tới khả năng chơi game tần số quét cao với độ phân giải lớn hơn. Năm ngoái, phiên bản cao nhất của G14 chỉ dừng lại ở 60Hz, năm nay ASUS tự tin đẩy lên mức 120Hz. Màn hình 2K, hỗ trợ HDR400 độ sáng tối đa lên tới 500 nits, còn ở chế độ thông thường máy đạt 355 nits, màu sắc đạt 98% dải màu DCI-P3 - một mẫu laptop gaming có dải màu rộng, độ chuẩn màu DeltaE là 0.84. Lúc này thì rõ ràng là G14 không còn là một chiếc laptop để chơi game thuần tuý nữa. Nó lại biến thành một hệ thống phục vụ đa nhiệm trong đó có những tác vụ liên quan đến multimedia như dựng và render video, hậu kì ảnh.
Màn hình đủ màu sắc để có thể giải trí, các dải màu đồng đều, độ tương phản chỉ dừng lại ở 880:1 và độ sáng có thể chơi game và làm việc ngoài trời một cách thoải mái. Quan trọng hơn, độ chuẩn màu tốt, độ phân giải cao đã minh chứng cho mục tiêu của ASUS nhắm tới, là những người vừa học, vừa làm, vừa chơi, những nhà sáng tạo trẻ, đội ngũ thiết kế với sự cơ động cao. Mình không nghĩ màn hình 14 inches là phù hợp với nhiều đối tượng chuyên nghiệp nhưng xét về thông số màn hình thì nó có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn là chỉ mỗi gaming. Mình có thể dựng video, làm màu ảnh thumb ngay trên chiếc Zephyrus G14, mang đi công tác tiện lợi hơn rất nhiều so với những mẫu laptop chỉ sử dụng để chơi game.
Zephyrus G14 sử dụng hệ thống 4 loa bao gồm 2 speaker 2.5W và 2 tweeter 0.7W để tăng cường độ chi tiết. Đã vậy, ASUS còn cung cấp thêm chuẩn âm thanh Dolby Audio để gia tăng hiệu ứng âm thanh, giúp Zephyrus G14 có khả năng tái tạo lại các dải âm tốt, có một chút bass nhưng chưa đủ mạnh, dải trung và cao được đảm bảo, hơn hẳn so với phiên bản năm ngoái. Mình thích cách thiết kế loa ở hai bên hông phần Palm Rest, âm thanh hướng về phía người dùng, tiện nhưng thỉnh thoảng mình cũng đè vào một cách vô tình, chưa kể, phần này sẽ bám bụi khá nhiều sau một thời gian sử dụng.
Nhìn chung, ASUS có lý khi nhắm tới việc sản xuất gaming laptop 14 inches nhưng ở dạng này, máy phải biến đổi đi một chút "chất" gaming để những đối tượng không phải game thủ có thể tiếp cận. Zephyrus G14 đã phá đi cấu trúc giá của dòng Zephyrus G và dự là năm nay, dòng Zephyrus sẽ có mức giá không hề dễ chịu, điều này anh em có thể nhận thấy qua dòng Scar mà mình đã từng review. Zephyrus G14 Đắt! Nhưng những trải nghiệm của sản phẩm này từ màn hình, thiết kế đẹp với hệ thống Anime Matrix độc đáo phía sau, cấu hình kết hợp xanh - đỏ mạnh mẽ và hơn hết là sự cơ động cùng đều đắt giá! Đắt xắt ra miếng!