Đánh giá ROG Strix G17 2021: Khi dòng Strix đã chịu thay đổi!
- Trên tay ASUS ROG Strix G17 2021: Không chỉ là Ryzen 5000
- [CES 2021] Asus tung ra bản nâng cấp toàn diện dành cho ROG Scar
- [CES 2021] Kim loại lỏng sẽ xuất hiện trên toàn bộ dòng laptop ROG 2021
Với những màn trình diễn ấn tượng tính đến lúc này, có lẽ cũng không sai khi nói Ryzen 5000 – RTX 3000 Mobile sẽ là combo tiêu chuẩn trên laptop gaming năm nay. Và với một cái tên nổi tiếng về khả năng bắt kịp xu hướng như ASUS, chắc chắn đây sẽ là yếu tố không thể bỏ qua. Và thành quả là mình đang có ROG Strix G17 – một trong những đại diện đầu tiên sử dụng combo Xanh – Đỏ mới nhất ở thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, nếu chỉ có cấu hình mới thì sản phẩm này khó có thể trở nên thu hút, xét tới việc các sản phẩm Strix (thậm chí là SCAR) đều dùng một bộ khung gần như giống hệt nhau mà chẳng buồn có những thay đổi. Nhưng với nhiều yếu tố khác được thêm thắt và cải thiện, có lẽ Strix G17 đã sẵn sàng để làm những điều lớn lao hơn. Những thứ thậm chí có thể nâng tầm hình ảnh cả dòng máy trong mắt người dùng.
Một vẻ ngoài được tinh chỉnh về tiểu tiết
Về ngoại hình, G17 2021 gần như vẫn như những năm cũ: Thân hình vuông vắn, màn hình cách điệu, bản lề nhẫn hay mảng A chia đôi… Nhưng giờ đây, ít nhất ASUS cũng đã chịu làm gì đó, và những thứ đó đã giúp mình có cái nhìn tích cực hơn về kết cấu sản phẩm.
Ví dụ như ngay mặt A, thay vì bề mặt nhựa của những chiếc Strix cũ, chúng ta giờ sẽ có mặt nhôm - một điểm mà trước đây chỉ có dòng SCAR mới sở hữu. Bên trên cũng được phủ lớp matte mềm cùng hoạ tiết tạo bởi hàng loạt kí tự ROG li ti, cho cảm giác chạm dễ chịu đồng thời tôn thêm sự tối giản - chút liên tưởng tới Zephyrus. Chỉ có điều đây cũng là khu vực dễ bám mồ hôi và dấu vân tay, vậy nên anh em sẽ cần lau chùi thường xuyên để đảm bảo thẩm mỹ.
Logo ROG tất nhiên vẫn sẽ là tâm điểm của mặt A. Và khác với những chiếc máy tiền nhiệm, khu vực này có thể phát sáng theo đèn nền màn hình thay vì chỉ là kim loại bóng. Chỉ tiếc là độ sáng của nó là khá thấp, sẽ không dễ để anh em hay người ngoài để ý trong môi trường có ánh sáng.
Bản lề của máy vẫn là dạng nhẫn quen thuộc. Cảm giác gập đầm, khả năng giữ màn hình cũng ở mức tốt . Phần gù phía dưới không còn xếp lớp như trước và vẫn được cách điệu nhờ việc đục lỗ. Phần chứ ROG cạnh bên tuỳ vào phiên bản sẽ có màu khác nhau, và mình thì thích màu hồng của bản Electro Punk hơn màu đen cơ bản này.
Một màn hình rộng và mượt hơn
Về màn hình của G17 2021, viền màn hình nay đã mỏng đi hẳn, đặc biệt là phần viền dưới trước giờ vẫn dày đến khó chịu. Và khi kết hợp với kích thước 17,3-inch, trải nghiệm của anh em sẽ được mở ra hết mức có thể.
Bên cạnh đó, phiên bản máy của mình còn có tần số quét lên tới 300Hz; khiến mọi loại chuyển động đều hiện ra với độ mượt cao: Cuộn chuột đọc báo, chơi game FPS như VALORANT, CS:GO… Tất cả đều mượt tới mức chóng mặt, theo đúng nghĩa đen nếu anh em không tiếp xúc nhiều với tần số quét cao. Theo mình tìm hiểu thì máy sẽ còn nhiều tuỳ chọn khác như QHD 165Hz hay FHD 60Hz, có lẽ là để đa dạng thêm về chất lượng và giá thành.
Về chất lượng, màn hình FHD IPS của G17 cũng thể hiện tốt, với thông số đo với SpyderX Elite sẽ là 100% sRGB, 78% AdobeRGB, 82% DCI-P3 và độ sai lệch DeltaE ở mức chấp nhận được 1,72. Với phiên bản QHD 165Hz, chỉ số DCI-P3 của G17 sẽ còn được đẩy lên 100% - cực kỳ thích hợp nếu bạn là tín đồ của phim ảnh chất lượng cao. Nhìn chung, màn hình máy sẽ phù hợp với hầu hết các loại tác vụ, thậm chí là để làm việc (chỉnh sửa ảnh, video,..) ở mức bán chuyên đổ lên cũng ổn cả.
Một điều mình khá tiếc là máy vẫn sẽ thiếu đi cụm webcam. Với thời điểm video call vẫn cần thiết như hiện tại; đây sẽ lại là điểm hơi đáng tiếc với các anh em hay họp hành, học tập online, v.v..
Một phần phím đủ đầy về trải nghiệm
G17 vẫn sẽ có một bàn phím full-size; đi kèm với hàng phím thao tác nhanh để tăng giảm âm lượng, chỉnh quạt,... ở trên cùng. Cảm giác gõ vẫn ổn như thường lệ với hành trình sâu, kích thước bề mặt phím ổn cùng khung phím chắc chắn. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây sẽ là LED, khi anh em sẽ có LED RGB từng phím thay vì chỉ 4 vùng cơ bản. Chúng ta sẽ có thể thử tất cả chế độ LED đẹp mắt này trong ứng dụng ROG Armoury Crate.
Touchpad của G17 2021 được làm nhỉnh hơn thường lệ, với bề mặt kính cùng driver Windows Precision để hướng tới trải nghiệm chính xác. Đây cũng là thứ khiến mình chú ý đầu tiên ở mặt C, khiến mình chạm vào và ngay lập tức ưng ý. Mặc dù sẽ không còn hai phím cứng trái phải, nhưng trải nghiệm chạm và phản hồi nhanh chóng đã khiến mình quên đi sự thiếu vắng này.
Một cấu hình Xanh - Đỏ không giới hạn
Về cấu hình, điểm nổi bât nhất của máy không gì khác sẽ là sự kết hợp Xanh - Đỏ giữa Cezanne và Ampere. Sự xuất hiện của Ryzen 5000 trên Strix G17 cũng đánh dấu lần đầu tiên, chúng ta có một sản phẩm dòng Strix được trang bị CPU AMD. Phiên bản G17 mình đang có sẽ sử dụng CPU AMD Ryzen 7 5800H 8 nhân 16 luồng, 16GB RAM DDR4 kênh kép, 1TB SSD NVMe và card đồ họa NVIDIA RTX 3070 8GB GDDR6.
Với AMD Ryzen 7 5800H, mình khá ấn tượng với động thái thả điện của AMD cho CPU này khi chạy nặng: 80W ở chế độ Turbo và 45 - 50W nếu để nó chạy đa nhân ổn định. Nhờ vậy nên trong các bài benchmark, nó có thể nói là được cung cấp đủ lực để đưa ra sức mạnh tốt nhất. Về hiệu năng đa nhân, CPU Ryzen 7 5800H cho ra điểm số nhỉnh hơn hầu hết các tùy chọn hiệu năng cao trên laptop thời điểm hiện tại, ngay cả với những tùy chọn sừng sỏ thường thấy của đội Xanh như i9-10980HK.
Còn về hiệu năng đơn nhân, Ryzen 7 5800H cũng làm khá ổn. Với điểm số nổi trội hơn so với thường lệ, không quá ngạc nhiên khi đây lại là điểm mà hãng tỏ ra tự hào với line-up mới này. Xung nhịp đơn nhân của CPU có thể boost lên tối đa 4.4GHz, và hoạt động ổn định được ở 4.2GHz khi chúng ta thực hiện các tác vụ nặng. Về khả năng thực hiện các tác vụ cơ bản, mình cũng có chấm thêm điểm PCMark10 để kiểm tra. Điểm số cho ra là rất cao ở cả ba mảng, phục vụ ba mục đích văn phòng từ thấp đến cao.
Về card đồ họa RTX 3070 8GB, nó cũng được ASUS “mát tay” đẩy điện lên cao, với khoảng dao động 115 - 140W tùy vào các tựa game chúng ta chơi. Nước đi này có thể xem là một sự tự tin khá lớn của hãng, xét tới việc NVIDIA đã cho phép các bên sản xuất quyền tự quyết về TGP trên card RTX 3000 để đảm bảo sự ổn định. Về khả năng gaming thì có lẽ chúng ta sẽ khỏi cần nói quá nhiều về RTX 3070, với mức hiệu năng tuyệt vời với cả game Esports lẫn AAA (Tất cả đều ở Settings cao nhất có thể, các game có Ray Tracing thì cũng đã được kích hoạt ở mức tối đa)
Lí giải cho sức mạnh này thì về bản chất; RTX 3070 Mobile cũng sử dụng chung die với phiên bản Desktop, nhưng chỉ cắt giảm về nhân CUDA để phù hợp hơn với hệ thống mà thôi. Kết hợp thêm với đánh giá về CPU, nếu nói Strix G17 năm nay mang sức mạnh của gaming desktop thì cũng có phần đúng.
Để tối ưu hơn nữa sức mạnh cho card đồ họa, ASUS đã trang bị thêm ROG Boost - Tính năng cho phép luân chuyển điện năng từ CPU qua GPU trong một số trường hợp. Ví dụ như khi anh em chơi các game không dùng nhiều đến CPU, ROG Boost về bản chất sẽ tắt một lượng nhân nhất định và dồn thêm điện năng cho GPU, giúp trải nghiệm chung được mượt mà hơn.
Nhưng với việc đẩy điện năng của linh kiện lên cao như vậy, liệu ASUS sẽ tản nhiệt cho chúng ra sao? Câu trả lời nằm ở yếu tố sẽ xuất hiện trên tất cả các sản phẩm ROG trong năm nay: Kem tản nhiệt kim loại - Liquid Metal. Với các anh em đam mê phần cứng thì hiệu quả của nó là không cần bàn nhiều, và điều này thể hiện ngay trên kết quả thực tế. Từ các tác vụ bình thường như chơi game cho đến hơi đặc thù như stresstest, mức nhiệt mà chúng ta thấy đều ở ngưỡng khá ổn tùy vào tính chất bài thử.
Một bộ nhớ ổn cùng khả năng nâng cấp tốt
Về bộ nhớ, G17 sẽ sử dụng 1TB SSD NVMe tới từ SKHynix, tuy nhiên đây là tùy chọn có vẻ được tùy biến lại cho riêng sản phẩm của chúng ta. Tốc độ đọc ghi thì anh em có thể thấy dưới đây, đều ở mức cao khi đo bằng Crystal DiskMark. Nếu còn nhu cầu lưu trữ, G17 cũng có thể được nâng cấp thêm một SSD NVMe nữa dễ dàng.
Cổng kết nối vẫn thoải mái, đủ dùng
Về cổng kết nối, mình khá hài lòng với những gì G17 đang có. Với 3 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng USB-C 3.2 Gen 2 hỗ trợ xuất hình, cổng HDMI 2.0, cổng LAN RJ-45, cổng sạc và jack tai nghe 3.5 combo; việc kết nối gear hay ổ cứng của mình nhìn chung là thoải mái. Cổng C của G17 năm nay còn có thêm tính năng sạc PD 100W, một điểm mạnh sẽ giúp anh em không phải quá lệ thuộc vào cục sạc to nặng đi kèm - tất nhiên là chỉ trong một số trường hợp nhất định.
Như hình trên, dải LED đáy của G17 năm nay cũng được làm ngắn lại, không còn kéo dài tới hết hai cạnh bên như các máy cũ. Bản thân mình khá thích điều này vì trông máy đỡ khoa trương, phù hợp với ngoại hình hiện đại vốn có.
Bao quanh máy cũng sẽ là 4 khe nhiệt, với 2 khe sau lưng và 2 khe hai bên. ASUS đã khéo léo làm khe lưng cách điệu thành số La Mã MMVI - tượng trưng cho năm 2006, thời điểm ra đời của thương hiệu Republic of Gamers.
Và một mặt đáy chắc chắn hơn
Cuối cùng về mặt đáy, thay đổi lớn nhất mà ASUS mang lại sẽ là ở hệ thống đế cao su. Chúng đã nhiều hơn, to hơn và thậm chí là… ý nghĩa hơn. ASUS đã khéo léo lồng ghép một số thông điệp như ngày thành lập, năm thành lập,... mà mình nghĩ bạn sẽ thích thú khi tìm ra ý nghĩa của chúng.
Bên trong sẽ là viên pin lên đến 90Wh, cho khả năng sử dụng vào khoảng 4h ở chế độ mặc định. Năm nay ASUS đã trang bị cho anh em tính năng tắt card đồ họa rời ngay trong Armoury Crate, giúp máy chuyển qua dùng iGPU Radeon Vega 8 để tối ưu năng lượng tiêu thụ. Một viên pin 90Wh mà không phải gánh card đồ họa rời, thời gian sử dụng với mình đã lên đến 6h ở các tác vụ cơ bản. Tính năng này sẽ hữu ích trong một số trường hợp cấp bách, ví dụ như khi anh em đi học ha ra ngoài mà quên không mang theo củ sạc máy bên mình.
Tạm kết
Với mình, Strix G17 2021 là một bất ngờ nho nhỏ giữa hàng loạt những sản phẩm cùng line-up đã quá giống nhau trước đây. Không đơn thuần tái sử dụng bộ khung cũ và đắp vào cấu hình mới, G17 2021 cũng đã chú ý hơn về ngoại hình với nhiều điểm khác biệt được đưa vào. Dù những điểm chỉnh sửa vẫn chỉ ở mức độ nhất định, nhưng ít nhất khi nhìn vào máy thì mình cũng đã nhận ra: "Ồ, đây là Strix G17 2021 có phần cứng đời mới"
Còn về khả năng thực chiến của Cezanne - Ampere cũng là rất tuyệt, cung cấp trải nghiệm cao y như nhiệt độ và điện năng tiêu thụ của chúng vậy. Với việc Strix vẫn đang là một dòng máy gaming tầm trung, mình sẽ rất mong chờ được thấy nhiều combo Xanh - Đỏ như thế này nữa ở các phân khúc giá thấp hơn. Có thể là Ryzen 5000 với RTX 3050, hay với RTX 3060 cũng sẽ rất hứa hẹn.
Cuối cùng, Strix G cũng chịu thay đổi. Và mình thực sự rất trân trọng điều này.