Lenovo Legion 5 Pro: Giải mã chữ "PRO" bên trong chiếc laptop gaming hot nhất thị trường

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Không rõ, Lenovo có ra thêm một phiên bản Legion 5 "Pro Max" để bắt kịp xu thế hay không?

Lưu ý: Đây không phải là một bài quảng cáo cho Lenovo Legion 5 Pro nhưng vì nó quá ngon nên mình sẽ để link sản phẩm tại ThinkPro ở đây để các bạn đỡ mất công tìm kiếm: https://bit.ly/2QJSMEZ

Lenovo Legion 5 vốn đã là một trong những mẫu laptop gaming được săn đón nhiều nhất trên thị trường bởi cấu hình thực dụng, giá thành dễ tiếp cận với nhiều người. Đến hẹn lại lên, khi các nhà sản xuất liên tục tung ra các phiên bản laptop mới nhất của mình để cập nhật cấu hình thế hệ mới nhất thì những game thủ lại mong đợi một phiên bản Legion 5 mới được ra mắt. Thế nhưng phiên bản thường thì chưa thấy đâu, còn thị trường lại đón nhận một phiên bản mang tên Legion 5 Pro.

Điều khiến mình hào hứng nhất ở mẫu laptop này chính là chữ Pro. Thường khi một thương hiệu gắn thêm cho mình chữ Pro trong tên sản phẩm của họ, đồng nghĩa với việc đó là một sản phẩm có những đặc tính khác biệt so với những phiên bản thông thường, thường ám chỉ sự vượt trội hoặc chuyên biệt. Với một chiếc laptop gaming thì sứ mệnh mà nó được sinh ra là để chơi game nên thường thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc đây là một chiếc laptop dành cho các game thủ chuyên nghiệp? Theo mình thì điều này không được đúng cho lắm nên mình đã nghĩ đến một khía cạnh khác của một chiếc laptop gaming đó là trải nghiệm game. Legion 5 Pro có thể đem lại những trải nghiệm game mang tính chuyên nghiệp hơn. Tất nhiên, đó chỉ là phán đoán của mình thôi còn để kiểm chứng thì chúng ta phải trải nghiệm Legion 5 Pro trước đã!

Legion 5 Pro - Thiết kế "tô đậm" màu gaming

Điều gì khiến bạn nhận ra Lenovo Legion giữa một rừng laptop gaming? Đó có phải là logo chữ Y của Legion? Đó có thể là sự thay đổi dễ dàng có thể nhận thấy ở mặt lưng của chiếc Legion 5 Pro này. Thậm chí, nó có thể liên quan đến ngoại hình của rất nhiều chiếc laptop Legion khác được ra mắt trong thời gian tới như Legion 5 thường hay Legion 7. Thêm vào đó là một chút đường nét tạo sự nổi khối khiến cho Legion 5 Pro nói riêng. Ngày nay, Legion trông đã có chút cứng cáp hơn, góc cạnh hơn chứ không phải là vẻ lịch lãm và hơi “hiền” như trước đây.

Ở khu vực hiển thị, chúng ta cũng thấy sự biến mất của logo Legion, phần viền dưới mỏng hơn thay vào đó là chiều dọc của màn hình dài ra thêm một chút và chúng ta có màn hình tỷ lệ 16:10. Nói về tỷ lệ màn hình này thì nó vốn được sử dụng cho mục đích công việc là chính, tuy nhiên thì với một số tựa game có phần bối cảnh rộng lớn thì nó cũng giúp cho game thủ có thể trải nghiệm những khung hình có độ bao quát lớn hơn. Đặc biệt là với một chiếc laptop vốn được coi là phục vụ cho cả những tựa game lẫn công việc thì tỷ lệ màn hình này đúng là sự thay đổi có tính chất “một công đôi việc” của Lenovo.

Đã nói đến phần màn hình thì phải nói cho trót, đây cũng là lần đầu tiên một chiếc laptop Legion lại được trang bị màn hình 2K kích thước 16”. Một trong những thay đổi gây ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người dùng nói chung và trải nghiệm game nói riêng. Chưa kể, đó lại là tấm nền IPS đem lại độ phủ màu cao với 100% sRGB. Những tưởng với một tấm nền có cấu hình khủng như vậy thì tần số quét và tốc độ phản hồi của màn hình sẽ chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn thôi nhưng thực tế thì nó có khả năng mang đến những trải nghiệm gaming mượt mà với tần số quét ấn tượng là 165Hz tốc độ phản hồi 3ms. Màn hình còn đạt chuẩn VESA Display HDR, Dolby Vision kèm theo hỗ trợ Nvidia G-Sync và AMD Freesync. Không hề thiếu những món ăn chơi “thượng đẳng” của các game thủ vừa yêu cầu độ mượt vừa yêu cầu hình ảnh phải sắc nét, rõ ràng, sống động. Nó thậm chí còn có thông số cao hơn một chiếc màn hình chơi game trị giá loanh quanh 10 triệu đồng của các anh em sự dụng máy tính để bàn nữa. Khỏi phải nói, sự nâng cấp này đem lại trải nghiệm hình ảnh trong game vượt trội hơn hẳn so với những chiếc Lenovo Legion 5 trước đây.

Đối với phần mâm thì ở chiếc Legion 5 Pro lại không có nhiều sự thay đổi diễn ra như ở mặt lưng. Về cảm quan thì lại vậy thôi chứ phần ruột bên trong thì lại khác đó. Nhưng trước hết chúng ta hãy điểm qua một chút về những gì đang hiện hữu ở đây. Một hệ thống bàn phím với bố cục quen thuộc của những mẫu laptop thuộc dòng Legion trước đây, hình dáng các phím cũng rất Lenovo, hành trình phím hợp lý và đầy đủ các phím chức năng bao gồm cả cụm numpad. Để đưa vào tính chất của game thủ thì hệ thống led dưới bàn phím là led RGB nhấp nháy thông thường chứ không phải là loại Addressable RGB mà bạn có thể tùy biến từng phím. Khá là tiếc khi Lenovo lại không phát triển hệ thống LED mới cho Legion 5 Pro. 

Phần Touchpad của Legion 5 Pro vừa đủ cho những thao tác cơ bản khi mà bạn cần sự cơ động khi ra ngoài mà không phải sử dụng đến chuột rời. Tuy nhiên thì lớp phủ trên touchpad lại không phải là kính nên không được trơn tru cho lắm. Một sự hụt hẫng nhẹ đối với phiên bản Pro của một chiếc laptop ngon lành về mặt cấu hình như thế này.

Dạo qua về các cổng kết nối, thì Legion 5 Pro vẫn sử dụng các bố trí cổng ở đều ba cạnh của laptop như trước đây tuy nhiên thì do phần cứng đã thay đổi nên những cổng này cũng thay đổi theo. Đặc biệt là sự xuất hiện của 2 cổng USB 3.2 Gen2 dạng type C. Đây đều là những cổng đa dụng với tốc độ truyền dữ liệu lên đến 10Gbps, hỗ trợ xuất hình chuẩn DisplayPort 1.4 và đặc biệt là cổng ở mặt lưng còn được hỗ trợ thêm chuẩn sạc PD. Điều này đã giúp cho Lenovo Legion 5 Pro có khả năng kết nối được với nhiều thiết bị “xịn xò” hơn như những chiếc SSD di động tốc độ cao, mở rộng cổng kết nối thông qua hub, hay thậm chí xuất hình lên những thiết bị trình chiếu cao cấp thông qua một sợi dây cáp Type C gọn gàng, đa năng. Nhận tiện nói đến khả năng xuất hình, bản thân Legion 5 Pro cũng được trang bị một cổng HDMI 2.1 có khả năng xuất hình đỉnh cao với độ phân giải 4K - 120fps hoặc 8K - 60fps. Đây là cổng xuất hình mạnh mẽ mà nhiều mẫu laptop cùng thế hệ của Legion 5 Pro đang không được trang bị và họ có thể sẽ phải tiếc nuối vì điều này, bởi vì cấu hình của chiếc laptop này, thứ mà mình đã “save the best for last” (dành những điều tốt nhất ở phần cuối) cho anh em.

Thời của Laptop Gaming đã tới rồi!

Năm nay là một năm buồn với những chiếc desktop khi mà card đồ họa chẳng có mà mua hoặc bị đội giá lên gấp đôi gấp ba lần. Nhưng với những chiếc laptop thì năm nay là lại một năm thiên thời địa lợi nhân hòa. Cả mảng CPU và GPU đều đạt những thành công lớn góp phần đưa hiệu năng cũng như trải nghiệm chung về những chiếc laptop lên một tầm cao mới, vượt trội hơn trước đây rất nhiều. 

Legion 5 Pro vẫn chỉ sử dụng đến Ryzen 7 chứ không lên Ryzen 9 để đua cấu hình như nhiều chiếc laptop khác. Đây là một tin đáng mừng vì về mặt nhân luồng Ryzen 7 và Ryzen 9 không có sự khác biệt. Những thay đổi về xung nhịp chỉ khiến chiếc máy tính thêm cồng kềnh và giá thành lại khó để người dùng tiếp cận hơn. Và đó là một nước đi khôn ngoan của Lenovo khi định vị sản phẩm của mình ở ngưỡng chiều lòng được càng nhiều game thủ càng tốt. Bù lại, vi kiến trúc Zen 3 trên AMD Ryzen 5000 Mobile series giúp tối ưu tiến trình 7nm và cho phép chiếc laptop này hoạt động hiệu quả hơn ở mức điện tối đa là khoảng 80W với xung nhịp duy trì ở 4.0GHz cho tất cả 8 nhân và chỉ thi thoảng drop nhẹ xuống 3.8 hoặc 3.9GHz mà thôi. Đối với xung nhịp đi chạy đơn nhân thì con số này còn có thể tăng lên 4.4GHz và nó cao hơn 4.2GHz trên CPU của thế hệ trước là Ryzen 7 4800H. Cả hai yếu tố về hiệu năng ở trên đều đóng góp không nhỏ vào trải nghiệm khi chơi game.

Tuy nhiên thì hiệu năng khi chơi game được quyết định phần lớn bởi GPU nên trước khi mình để cho chiếc Legion 5 Pro này phô diễn sức mạnh thì hãy đến với ngôi sao Nvidia GeForce RTX™ 3060. Đây là thành viên nhỏ nhất được ra mắt ở thời điểm hiện tại của dòng card đồ họa GeForce RTX 30 series trên laptop tuy nhiên đừng nghĩ là nhỏ nhất là bạn có thể khinh thường nó. Với vi kiến trúc Ampere, Nvidia GeForce RTX™ 3060 là chiếc card đồ họa có sức mạnh đánh bật được cả những mẫu card đồ họa ở phân khúc trên của thế hệ trước như Nvidia GeForce RTX™ 2070.

Lợi ích đầu tiên đến từ sức mạnh của chiếc card đồ họa này, không đâu xa chính là việc Lenovo đã tự tin trang bị cho mẫu laptop gaming này một màn hình 2K với độ phân giải cao đến 165Hz như vậy. Điều đó đồng nghĩa rằng, cấu hình được trang bị bên trong hoàn toàn có thể giúp cho phần màn hình có thể tận dụng hết toàn bộ sức mạnh của mình chứ không hề lãng phí. Tỷ lệ màn hình 2K khi so sánh với Full HD có số điểm ảnh nhiều hơn 78% tức là về mặt lý thuyết sức mạnh của hệ thống phải đem lại hiệu năng tương đương 178% thế hệ cũ để có thể ra được một mức khung hình như nhau. 

Nếu xét về hiệu năng thuần thì Nvidia GeForce RTX™ 3060 khi so sánh với người đồng cấp là Nvidia GeForce RTX™ 2060 không thể mạnh mẽ đến độ đạt được con số lớn như thế kia. Bài test 3DMark Time Spy và FireStrike cho thấy rõ rằng, bộ đôi Ryzen 7 5800H và Nvidia GeForce RTX™ 3060 đem lại kết quả khả quan hơn nhiều so với Legion 5 của thê hệ trước là Ryzen 7 4800H và Nvidia GeForce RTX 2060 nhưng lại chỉ đạt mức tăng là 10%. Điều đó cũng có nghĩa là một số tựa game không hỗ trợ các công nghệ của Nvidia sẽ có kết quả tương tự như vậy.

Bù lại, ở một số tựa game có hỗ trợ những công nghệ trên RTX 30 Series sẽ đem lại kết quả có phần thú vị hơn. Ở đây mình sẽ đưa ra 3 ví dụ phổ biến nhất là Cyberpunk 2077, Ghostrunner và Fortnite.

Đối với Cyberpunk 2077, đây là tựa game có đồ hoạ thuộc vào hàng sát phần cứng khủng khiếp, Ở thời điểm hiện tại, mình cũng khó có thể đạt mức FPS với setting đồ hoạ cao nhất trên những chiếc máy tính để bàn đắt đỏ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể chơi trên những chiếc laptop gaming.  Đây là một trong những tựa game hỗ trợ cả hai tính năng trên những chiếc card đồ hoạ RTX là Ray Tracing và DLSS. Chơi Cyberpunk 2077 trên màn hình 2K 165Hz là một trong những tác vụ khó khăn nhất mà Legion 5 Pro phải đương đầu.

Ở setting đầu tiên, mình sẽ để mọi thứ ở Low, chưa có DLSS và Ray Tracing, đó hoàn hoàn là hiệu năng thuần của phần cứng trên chiếc máy này. Mình đang ở một phân cảnh mà số khung hình đạt ở mức mượt mà cơ bản nhất là khoảng 60fps.

Tiếp theo mình sẽ bật Ray Tracing, và đây là số khung hình còn lại mà mình có được, chỉ trên 20 khung hình 1 chút thôi, giật lag thấy rõ luôn, nhưng bạn có thể thấy không gian trong game có sự khác biệt rồi chứ. Đó chính là giá trị mà công nghệ này mang lại đó. Những không gian giống với đời thật hơn, những tia sáng được tính toán đường đi một cách kĩ lưỡng hơn.

Tiếp theo, để biến số khung hình trở lại mượt như trước mình bật DLSS ở chế độ Ultra Performance. Và đó là lúc mình có thể tận hưởng game độ phân giải 2K với tính năng Ray Tracing một cách mượt mà nhờ DLSS. Số khung hình có được khi bật DLSS lúc nào thậm chí còn cao hơn lúc đầu. Nếu bạn cảm thấy Ray Tracing không hứng thú lắm với trải nghiệm game của bản thân. Bạn có thể tắt chúng đi và có được một trải nghiệm khác hay hơn là chơi game 2K mượt mà trên 100fps.

Đối với tựa game Ghostrunner, một trong những tựa game đòi hỏi tính chính xác trong hành động, sự nhanh nhẹn trong thao tác. Số lượng khung hình ở mức dưới 60fps sẽ khiến cho những thao tác của mình trở nên chậm lại. Thật may vì hiệu năng thuần tuý của Nvidia GeForce RTX 3060 đã giúp cho số khung hình duy trì ở mức trên 80fps với độ phân giải là 2K. Tuy nhiên, khi bật Ray Tracing để tăng cường trải nghiệm hình ảnh thì số khung hình rút về chỉ còn lại tầm 30fps mà thôi. Lúc đó thì hình ảnh đẹp nhưng lại rất khó chơi. Bởi vậy nên mình lại một lần nữa bật DLSS ở mức Performance để tăng cường số khung hình một lần nữa và mình được trả lại số khung hình đã đạt gần 100fps. Nếu như vậy vẫn chưa đủ mượt, mình tắt nốt Ray Tracing để số khung hình ở mức cao nhất mà màn hình có thể hiển thị được là 165fps, đôi lúc sẽ tăng lên đến trên 170 fps và G-Sync sẽ giúp cho mình không bị hiện tượng xé hình. Tiện tay, mình bật luôn Nvidia Reflex ở chế độ On + Boost giúp cho những cử chỉ với chuột và bàn phím của mình được thu hẹp với thời gian hiển thị trên màn hình hơn. Việc giảm độ trễ đã liên tục cứu thua mình khá nhiều lần. Với bối cảnh của một tựa game đậm chất Cyberpunk như Ghostrunner thì khả năng hiển thị HDR trên màn hình cũng mang lại cho mình rất nhiều những trải nghiệm thú vị về một thế giới ảo tưởng đậm chất cơ khí.

Dù vậy thì đây cũng là một tựa game không hề dễ dàng gì nên sau một hồi quần thảo với nó mình đã bỏ cuộc và đến với một tựa game vui vẻ hơn là Fortnite. Mặc dù Fortnite là một tựa game với đồ hoạ tương đối dễ thương. Tuy nhiên thì việc bật Ray Tracing để tân hưởng hết vẻ đẹp của game có vẻ là không mấy đơn giản. FPS trong game tụt khá nhiều bởi vậy mình chỉ sử dụng DLSS cho tựa game này ở mức đồ hoạ với phần lớn lựa chọn High mà thôi. FPS loanh quanh mức 100fps là đủ để mình chiến Fortnite rồi. Nêu bạn nào cần thêm số khung hình thì có thể giảm tiếp mức đồ hoạ xuống dưới mức High nhé. 

Mặc dù mức setting đồ hoạ ở cả ba tựa game đều không đạt được tối đa, tuy nhiên đó cũng không phải là quá thấp. Tất cả đều hiển thị ở độ phân giải 2K và đều có khả năng đạt mức khung hình trên 100 fps. Đó đã là một điều quá tuyệt vời mà một chiếc Nvidia GeForce RTX 3060 có thể mang lại cho chúng ta. Kết hợp cùng với những tính năng như DLSS, Ray Tracing và Nvidia Reflex, mọi trải nghiệm về độ mướt của mình ảnh, độ chân thực của không gian và độ nhạy của các thiết bị điều khiển đều đã được chiếc card đồ hoạ này cung cấp cho người dùng những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những chiếc Legion 5 khác ở thế hệ cũ. Theo mình, đó mới là một trải nghiệm PRO mà game thủ hướng tới, đúng với tinh thần của một trong những chiếc chiếc laptop được game thủ mong đợi nhất.

Thảo luận (2)
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập