Lương 175,347 USD/năm nhưng nhân viên TikTok vẫn chạy mất dép?

Mạnh Hà
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Người bên ngoài thì mơ được bước chân vào, người bên trong chỉ muốn chạy té khói, môi trường làm việc tại nền tảng video ngắn trực tuyến số 1 thế giới có vấn đề gì vậy???

Văn hoá làm việc “996” là gì?

Chắc hẳn nhiều anh em khi đọc bài viết này cũng đã nghe nói qua một lần về văn hoá làm việc “996” tại các nước châu Á nói chung và Việt Nam ta nói riêng. Mình sẽ giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất về văn hoá làm việc này cho những anh em chưa biết: “996” được hiểu là làm việc từ 9 giờ sáng cho tới 9 giờ tối, 6 ngày/ tuần không ngừng nghỉ (nếu tính ra là 72 giờ/tuần), cao hơn tới gần 40% so với các nước thuộc khối Liên Minh Châu Âu (khoảng 40 giờ/ tuần) hoặc Mỹ. Cá biệt tại Anh, đây được coi là hành động bất hợp pháp, chủ doanh nghiệp có thể bị bỏ tù nếu bắt nhân viên làm việc theo kiểu này!

Anh em đọc đến đây có thể cũng đoán được ý mình muốn truyền tải rồi: Tại TikTok, đa phần mọi người làm việc theo văn hoá “996” và đó là lý do những nhân viên ở đó tuy được trả lương tới gần 3 tỷ VNĐ/ năm nhưng họ vẫn muốn thoát ra ngoài. Chia sẻ với CNBC, 6 ứng viên công nghệ người Anh tiết lộ họ đã không tham gia phỏng vấn tuyển dụng, thậm chí từ chối lời mời làm việc với thu nhập cao tại TikTok sau khi nghe về môi trường làm việc độc hại tại đây thông qua các bài đánh giá trên mạng hoặc trải nghiệm trực tiếp.

“996” tại TikTok?

Khá nhiều ứng viên khi xem xét tuyển dụng vào đây đều đã xem qua trang đánh giá ẩn danh Glassdoor và họ đều nhận thấy nhân viên TikTok đều rơi vào trạng thái mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này không đáng một chút nào. Nhiều nhân viên thậm chí đã có thay đổi thái độ hoàn toàn trong lúc phỏng vấn khi nghe tới vấn đề môi trường và chính sách. Tất cả là do văn hoá “996”.

Một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cấp cao cũng đã từ chối lời mời làm việc của TikTok ngay cả khi được đề nghị mức lương 175,347 USD/năm cùng nhiều quyền lợi khác sau khi nghe tới văn hoá làm việc “996”. “Mọi người đều cảm thấy tồi tệ và không có thời gian cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong năm làm việc đầu tiên tại môi trường này và khi phải theo văn hoá “996”, tôi đã phải làm tới gần 80 tiếng đồng hồ một tuần” - một cựu nhân viên TikTok chia sẻ sau khi anh này đã nghỉ việc tại nền tảng video ngắn trực tuyến số 1 hành tinh.

Rất nhiều nhân viên trước đó đã làm việc tại trụ sở TikTok đều có phản hồi rằng một ngày làm việc của họ lên tới 15 giờ đồng hồ, đối với các sếp lớn, điều đó là vô cùng bình thường. Để có mức lương tốt, sức khoẻ và thời gian dành cho mọi thứ còn lại đều phải đánh đổi. “Tôi không thích văn hoá làm việc tại đây. Chúng tôi thường không nhận được câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc về giờ giấc của mình”.

"Hãy tránh xa, tránh xa, tránh xa ra"

“Hãy tìm nơi khác để làm việc đi!”, “Khi vào đó, tình trạng mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ xảy ra đó!’, “Đội ngũ độc hại và những viên quản lý tồi tệ là điều bạn sẽ gặp phải khi vào đó!”,... là 3 trong số rất nhiều những bình luận có hàm ý tiêu cực liên quan đến môi trường làm việc của TikTok khi mà anh em dạo một vòng qua Glassdoor. Dĩ nhiên, ông lớn của chúng ta luôn cho rằng họ nói KHÔNG với văn hoá “996” và từ chối bình luận về môi trường làm việc của nhân viên.

"Giống như bất kỳ công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh nào, việc nhân viên đôi khi phải làm việc ngoài giờ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng tôi không có chính sách 996" - Phát ngôn viên của TikTok chia sẻ với giới truyền thông.

Nhưng liệu rằng “996” có thực sự hiệu quả, là bước bắt buộc phải có trong quá trình “chinh phạt”?

“Còn trẻ mà không làm theo lịch 996 thì bao giờ mới làm? Các bạn nghĩ không phải làm việc vất vả mới là cái đáng khoe à? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công”, ông Jack Ma nói trong một cuộc họp nội bộ của Alibaba.

Theo giải thích của nhà sáng lập Alibaba, thời gian đó không chỉ là để làm việc mà còn là để phát triển bản thân. “996 đích thực là dành thời gian để học hỏi, suy nghĩ và phát triển bản thân. Những người làm được theo lịch đó là đã tìm được đam mê của mình, và có nhiều thứ khiến họ hạnh phúc hơn là tiền bạc”, ông giải thích trên trang cá nhân.

Tỷ phú Jack Ma cho rằng các nhân viên trẻ sẽ "thật may mắn" nếu được làm việc nhiều giờ, nhưng có lẽ người lao động không nghĩ thế. SCMP dẫn một số thống kê cho thấy tại Trung Quốc, người lao động trẻ có ít thời gian ở nhà sau khi đi làm do thời gian di chuyển lâu. Một hậu quả là họ không ngủ đủ giấc.

Jack Ma và một số CEO nổi tiếng khác như Elon Musk, Jeff Bezos hay Zhang Yiming ủng hộ làm việc trong nhiều giờ. Tuy nhiên, xu hướng trên toàn thế giới là rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày. Năm 2017, Thụy Điển đã thử nghiệm cho công dân làm việc 30 giờ/tuần. Kết quả ban đầu cho thấy người lao động hạnh phúc hơn và ít căng thằng hơn. Một công ty tại New Zealand cũng cho biết nhân viên của họ sáng tạo hơn khi làm việc 4 ngày/tuần.

Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc sẽ dẫn đến năng suất cao hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc trong nhiều giờ liền. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra nhân viên tại những quốc gia có thời gian làm việc dài đang cho năng suất kém hơn.

"Chúng tôi dành các ngày cuối tuần trong văn phòng. Cơ thể của chúng tôi đã ở trong tình trạng quá tải trong một thời gian dài", một nhân viên viết cho Giám đốc cấp cao của Tencent Holdings.

Các nhà khoa học xác định tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn tới một số bệnh ung thư, gây tăng cân và suy giảm trí nhớ. Những năm qua, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ công dân trước nạn làm việc quá sức sau một số vụ thiệt mạng do làm việc quá giờ.

Có nên gia nhập đế chế TikTok?

Cá nhân mình - Không, hoàn toàn không. Cuộc sống là phải cân bằng được giữa tất cả mọi thứ, từ gia đình, công việc, bạn bè cho tới tình yêu. 15 tiếng/ ngày, mình đoán nếu anh em đã đọc đến đây chắc ít ai chịu nổi, 12 tiếng đã là căng lắm rồi! Còn nếu anh em nào muốn có mức lương lên tới 6 con số tính theo thang giá trị USD, đánh đổi lại sức khoẻ kiệt quệ thì xin mời, TikTok là dành cho anh em!

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập