Microsoft chỉ còn nhận 12% hoa hồng từ phần mềm: Thực hư và hệ quả với Steam, Apple,..?

Công Minh
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Nhìn chung dù có thực sự xảy ra, những gì Microsoft cần làm vẫn sẽ là rất nhiều để mọi thứ được xuôi chèo mát mái.

Theo một số tài liệu mới nhất liên quan đến sự việc giữa Epic Games và Apple, Microsoft đã lên kế hoạch cắt giảm hoa hồng nhận được cho mỗi game bán ra trên Xbox Game Store từ 30% xuống còn 12% kể từ Tháng 1 qua. Đáng chú ý là cách đây ít ngày, công ty cũng được cho là có động thái tương tự với các game được bán trên PC (cụ thể là Microsoft Store). Nhưng để được hưởng đãi ngộ này, các nhà phát triển cũng sẽ phải tuân theo một số điều kiện nhất định, bao gồm việc đảm bảo game sẽ xuất hiện trên các nền tảng stream game đám mây như XCloud – vốn hứa hẹn sẽ nhận được nhiều sự đầu tư từ Microsoft trong thời gian tới. 

Mặc dù phát ngôn viên của Microsoft đang tạm thời phủ nhận thông tin này, nhưng vì đại diện công ty cũng không nói rõ lý do (tài liệu sai lệch, kế hoạch ban đầu đã thay đổi, v.v.) vậy nên nhìn chung, không loại trừ khả năng điều này vẫn sẽ xảy ra – chỉ là liệu có phải ngay lúc này hay không. Đặc biệt nếu xét đến những nước đi lớn trước trước đó mà Microsoft đã thực hiện (VD: Mua lại Bethesda  với giá 7,5 tỉ USD), câu chuyện điều chỉnh này diễn ra cũng là điều hợp lý – nếu công ty muốn thực sự mở rộng tầm ảnh hưởng của hệ sinh thái Microsoft đối với game thủ trong tương lai (trong lúc chờ Fallout mới hay The Elder Scroll VI ra lò). 

Vậy nếu tỉ lệ 88/12 thực sự được áp dụng, hệ quả nó để lại vợi thị trường sẽ là ra sao? 

Đầu tiên, động thái này sẽ là một đòn giáng không nhẹ tới những Sony hay Nintendo trên mặt trận console – những ông lớn vốn đang hưởng hoa hồng tới 30% cho mỗi game. Còn với PC thì đó có thể là Steam – nền tảng phần phối game trực tuyến lớn hàng đầu thế giới của Valve. 

Mặc dù Steam vẫn có cơ chế giảm phần trăm hoa hồng theo tổng doanh thu của game (30% với các game có doanh thu 10 triệu Đô, sau đó giảm dần xuống tương ứng với từng mốc doanh thu mới trong tương lai), nhưng có lẽ nó vẫn sẽ kém hấp dẫn hơn so với tỉ lệ 88/12 của Microsoft Store – hay trước đó là Epic Games Store. Trong một diễn biến mới nhất thì  gần đây, Steam cũng đã bị kiện do chính mức thu 30% này – vốn cũng được cho là quá cao so với những gì Valve “xứng đáng nhận được”

Đồng thời, điều này cũng hứa hẹn hứa hẹn lôi kéo nhiều nhà phát triển hơn nữa tới với hệ sinh thái Microsoft; sau một số cái tên lớn đã gia nhập trong thời gian qua như Bethesda hay id Software. Theo người đứng đầu Xbox Game Studios là Matt Booty, việc giảm hoa hồng nhận được cho mỗi game sẽ “giúp các nhà phát triển đem lại nhiều sản phẩm hơn tới người chơi, cũng như thấy được nhiều lợi nhuận về kinh tế hơn từ việc này.” 

Quan trọng nhất, nước đi này cũng đến ngay khi căng thẳng giữa Apple và Epic Games đang lên đến đỉnh điểm. Thậm chí vào phiên toà lớn diễn ra vào tuần này, hai bên đều muốn Microsoft có thể đứng ra làm nhân chứng của bên thứ ba. 

Nhưng có lẽ không khó để chúng ta nhận ra, công ty phần mềm nước Mỹ đang nghiêng về bên nào hơn. Vậy nên có thể nói rằng trong cuộc chiến pháp lý dai dẳng này, Apple đã có thêm một đối thủ nữa cần lưu tâm sát sao. 

Nhưng với tình trạng hiện tại của Microsoft Store hay Xbox Game Store - vốn đang không phải lựa chọn quá phổ biến trong giới game thủ, đặc biệt là ở Việt Nam; liệu việc áp dụng tỉ lệ 88/12 có là đủ để thay đổi tình hình hiện tại? Đây vẫn là câu hỏi mà nhiều anh em xem qua vấn đề đặt ra nhất, và mình nghĩ nếu triển khai thì Microsoft sẽ nên có những kế hoạch thực sự rõ ràng (quảng bá, thay đổi về chính sách, quyền lợi người dùng, v.v.) thì mới có thể làm được. Và nếu để chỉ ra một thời điểm thích hợp để bắt đầu tất cả, thì theo mình sự kiện E3 vào Tháng 6 tới sẽ là một mốc thời gian như vậy (Xbox  đã xác nhận góp mặt tại E3 2021).

Anh em thấy sao về nước đi (được cho là sẽ diễn ra) này của Microsoft? Liệu nó có thể thành công hay không? Hãy cùng bàn luận với ThinkView nhé. 

Theo The Verge

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập