Náo loạn thị trường chip 5nm, đám mây đen khổng lồ ập đến ngành công nghệ cuối năm 2021

Thu Hồng
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Cuộc chiến tranh giành trong thị trường bán dẫn đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Cuộc chiến khốc liệt của thị trường linh kiện điện tử đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, khi tiền ảo thì ngày càng tăng giá, những thế lực ngầm thì đổ xô đi “vơ vét” toàn bộ những gì có thể để phục vụ cho mục đích làm giàu. Còn những người dùng bình thường như chúng ta lại phải chịu cảnh thiết bị không có để mà mua, mà dù có thì cũng bị đội giá lên 4 – 5 lần. 

Thảm cảnh nào đang ập tới với thị trường bán dẫn?

Bitcoin và Ethereum đang đạt mức giá cao kỷ lục, vì vậy những thợ đào chuyên nghiệp đang chi nhiều hơn cho các cỗ máy ASIC. Đây là một cỗ máy khai thác tiền ảo chuyên dụng. ASIC có sự khác biệt khá lớn so với các GPU dùng để đào coin thông thường. Bởi vì nó chỉ có thể sử dụng cho một việc duy nhất là đào coin, và sẽ không được làm được bất cứ tác vụ gì khác như chơi game, làm đồ họa và các tác vụ Multimedia khác. Nhờ vậy mà các máy đào này có hiệu suất khai thác cao hơn rất nhiều. Vì tổng quan tài nguyên của chúng sẽ tập trung để thực hiện một hoạt động đó là đào coin. 

Tuy nhiên, rủi ro đến từ chúng cũng rất lớn vì sự "chuyên nghiệp" này. Một khi Bitcoin không còn hot, chúng sẽ trở thành những bãi rác thải công nghệ cực lớn. Bởi vậy, chúng thường chỉ được sử dụng bởi những hệ thống đào tiền ảo có quy mô rất lớn, được vận hành bởi những con "cá mập tham lam" có túi tiền rủng rỉnh hơn rất nhiều so với những nhà đào coin nghiệp dư sử dụng card đồ họa.

Bitmain – một công ty chuyên thiết kế máy ASIC, hiện đã đặt hàng số lượng cực lớn chip 5nm với TSMC để có thể sản xuất ASIC bằng tiến trình mới nhất của nhà máy đúc chip Đài Loan này. 

TSMC dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chip 5nm cho Bitmain vào quý 3 năm nay, và dự kiến sẽ tăng sản lượng đáng kể vào quý 1 năm 2022. Đây là một thông tin đáng báo động cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử, vì họ đang sắp sửa phải san sẻ nguồn cung với những cái tên "ngoại đạo", trong khi bản thân họ còn chẳng đủ chip để dùng. 

Cuộc chiến mà ở đó ai nhiều tiền hơn thì người ấy thắng

Đối với các “ông trùm” ASIC, số tiền bỏ ra để mua chip dù bao nhiêu cũng không thành vấn đề. Thứ họ muốn, là sở hữu càng nhiều chip càng tốt và bằng bất cứ giá nào. Bởi từ một con chip nhỏ bẻ có thể tạo nên một nguồn lợi khổng lồ từ việc khai thác tiền ảo. Và bởi tiềm lực tài chính quá dồi dào, các nhà sản xuất ASIC hoàn toàn có thể dùng tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để chi phối quyết định TSMC "chia chác" thành phẩm cho ai và với số lượng bao nhiêu. Điều này đe dọa đến các nhà sản xuất chip khác, bởi nhiều khả năng TSMC có thể sẽ hạn chế ký hợp đồng với họ để đảm bảo tiến độ sản xuất cho Bitmain. 

Cho đến nay, quy trình 5nm của TSMC là một công nghệ mới tiềm năng mà bất cứ nhà sản xuất chip di động nào cũng muốn sở hữu. Các khách hàng có thể "điểm mặt chỉ tên" tới như Apple, Qualcomm, AMD v.v... Trong những cái tên này, Apple là thương hiệu đang đổ nhiều tiền nhất cho chip 5nm, và bao thầu 53% sản lượng làm ra của TSMC. Apple từ xưa đến giờ luôn là một khách hàng vô cùng "béo bở" của TSMC bởi khả năng chi mạnh tay. TSMC cũng cam kết sẽ dành 80% công suất sản xuất chip bán dẫn 5nm để phục vụ nhu cầu của Apple.

Việc chấp nhận đơn đặt hàng của Bitmain có thể sẽ làm giảm khả năng đáp ứng của TSMC cho các nhà sản xuất thiết bị di động. Rõ ràng để chen chân được vào danh sách khách hàng của TSMC, có thể thấy Bitmain đã vô cùng dư dả về tiềm lực tài chính. TSMC hay bất cứ xưởng đúc chip nào khác đều không quan tâm đến mục đích sử dụng của đối tác, thứ họ quan tâm là ai sẽ trả nhiều tiền hơn cho họ mà thôi. Báo cáo lợi nhuận của TSMC cho thấy nguồn lợi quý I/2021 của công ty đã tăng 19,4% so với cùng kỳ, vượt kỳ vọng của thị trường do nhu cầu chip mạnh, và tất nhiên họ sẽ nắm bắt lấy mọi cơ hội để những con số ấy ngày càng tăng cao. 

Thị trường thiết bị điện tử sẽ còn "kham khổ" đến thế nào

Trong bối cảnh thị trường linh kiện đang loạn lạc như hiện nay, thật khó để tìm ra lối thoát cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử trước nỗi đe dọa lớn đến từ cơn khát tiền ảo. 

Ngay lúc này đây, một minh chứng rõ ràng cho hệ quả của cuộc khủng hoảng chip, đó là sự tăng giá đến khó tin của GPU. Thị trường quốc tế đã phải sửng sốt trước mức giá niêm yết đầu tiên của RTX 3080 Ti tại Việt Nam, 70 triệu đồng cho một chiếc card đồ họa, chênh lệch tới 40 triệu so với mức giá dự kiến từ nhà sản xuất. 

Nhiều nhà bán lẻ ghi nhận, các thiết bị điện tử hiện nay, đặc biệt là Laptop đang khan hiếm lên tới đỉnh điểm, khi rất nhiều đơn hàng đã được đặt cách đây 6 -7 tháng, thậm chí là cả năm trời vẫn không thấy về. Đối với điện thoại di dộng rồi cũng sẽ phải chịu chung thảm cảnh tương tự. Chính Xiaomi cũng đã cảnh báo trước về điều này, nhưng hãng cũng hứa sẽ tạo mọi nỗ lực để cân bằng chi phí, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhưng liệu sự cầm cự ấy sẽ kéo dài được bao lâu?

Tiến trình 5nm là một mảnh đất màu mỡ còn chưa được khai thác hết toàn bộ sức mạnh của nó. Những thiết kế sản phẩm sử dụng chip 5nm vẫn đang nằm trên giấy của các nhà phát triển. Khan hiếm nguồn cung không chỉ mang đến nguy cơ cho những sản phẩm đang có mặt trên thị trường mà nó còn đe dọa nhiều hơn nữa đến lộ trình ra mắt sản phẩm công nghệ mới trong tương lai gần. Có sản phẩm mới nhưng không thể ra mắt, việc duy nhất các nhà sản xuất có thể làm là chờ đợi. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện tiếp tục kéo dài cho đến khi công nghệ đã lỗi thời thì sản phẩm mới sẽ mất đi rất nhiều giá trị và khó tiếp cận người dùng hơn. Thiệt hại vẫn lại thuộc về các nhà sản xuất.

Cũng cần lưu ý rằng, ngoài TSMC với thị phần lớn nhất, thì còn có Samsung và các công ty gia công khác cũng đang sở hữu công nghệ 5nm với quy mô nhỏ hơn. Và khi đã "ăn trọn" những gì có thể tại TSMC, các công ty sản xuất ASIC sẽ còn nhắm đến các đối tượng còn lại. Khi đó nguồn cung về chip 5nm sẽ còn khan hiếm hơn cả cho thị trường thiết bị điện tử. Điều này thật làm dấy nên một nỗi lo ngại không đáng có về tương lai. 

Thông tin gần đây cũng cho biết, TSMC đang cố gắng mở rộng phạm vi sản xuất với 6 nhà máy sẽ được hoàn thành trong năm 2024. Kể từ giờ đến thời điểm đó, tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng này sẽ không có tín hiệu khả quan, mà còn ngày càng trì trệ khi có sự chen chân bởi các công ty sản xuất ASIC.

Tham khảo: Tomshardware

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập