Số phận của TikTok tại Mỹ vẫn “ngàn cân treo sợi tóc”
- Pornhub giải quyết nội dung “không sạch” như thế nào?
- Google xoá 3 tỷ quảng cáo sai phạm, nhưng vẫn chưa có động thái trị "nhà tôi 3 đời..."
Số phận vẫn "ngàn cân treo sợi tóc"!
Ứng dụng mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), hiện đang có khoảng gần 100 triệu người sử dụng ở Mỹ. Ứng dụng này đã đạt tới gần 200 triệu lượt tải ở Mỹ và hơn 2 tỷ lượt tải trên toàn thế giới trong năm 2020. Theo công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower, tính đến tháng 4/2020, TikTok đã trở thành ứng dụng có doanh thu cao nhất trên toàn cầu, trong đó có tới 86.6% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc, 8.2% đến từ thị trường Mỹ.
Tuy TikTok đã phát triển mạnh mẽ ở thị trường quốc tế nhưng thời gian qua đã lọt vào “tầm ngắm” của giới chức Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia. Ngày 15/8/2020, Tổng thống Trump yêu cầu trong vòng 90 ngày, ByteDance phải chuyển nhượng các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Cũng trong tháng 8/2020, ông Trump đưa ra một lệnh hành pháp nêu rõ mọi thỏa thuận mua bán với ByteDance nếu không đạt được vào ngày 20/9, TikTok sẽ phải dừng mọi hoạt động tại Mỹ. Nhìn chung, tại thị trường Mỹ, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, TikTok phải tự bán mình không thì sẽ bị khai tử!
Tuy nhiên, sau hàng loạt những động thái răn đe từ phía chính quyền của cựu Tổng thống Trump, vẫn chưa có gì xảy ra với TikTok trên đất Mỹ cả. Kể cả tính đến thời điểm hiện tại, khi mà chính quyền Biden đã hoãn kế hoạch ép bán TikTok thì số phận của nền tảng video phát triển nhanh số một hành tinh vẫn khá là “ngàn cân treo sợi tóc”. Wall Street Journal cho biết chính quyền mới đang trong quá trình cân nhắc an ninh dữ liệu và cách để ngăn chính quyền Trung Quốc tiếp cận thông tin TikTok thu thập về người dùng Mỹ, nhưng chưa có động thái nào cho thấy hãng công nghệ Trung Quốc buộc phải bán lại TikTok.
Theo như thông tin mới nhất mà mình nhận được, chính quyền Biden sẽ “gia hạn hợp đồng’ với TikTok từ giờ cho tới hết 11 tháng 6 tới, chính phủ mới vẫn đang trong quá trình xem xét mọi thứ một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định chính thức. Trước đó, thoả thuận “ép bán” TikTok cho các công ty nội địa Mỹ từ phía chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump được cho là không có cơ sở và căn cứ pháp lý rõ ràng.
Bà Emily Horne - Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Chúng tôi đang dự định phát triển nên những cách thức tiếp cận và bảo mật dữ liệu mới nhằm giải quyết được toàn bộ mối đe dọa mà chúng tôi đang và sẽ gặp phải trong tương lai.” Điều này được giới thạo tin nhận định rằng chính quyền của vị Tân Tổng thống vẫn còn khá dè chừng với “những kẻ ngoại bang”, đặc biệt vẫn là những nền tảng trực tuyến đến từ Trung Quốc. Hôm nay, chính quyền của vị Tân Tổng thống cũng đã gửi một bản báo cáo cho Bộ Thương mại của nước này và nói rằng họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để thảo luận về các bước tiếp theo trong “vụ TikTok” cho tới hết ngày 11 tháng 6 tới đây.
Còn vì sao chính quyền Trump lại quyết tâm diệt TikTok?
Đó là vì Trong nhiều năm qua, mạng Internet trở thành "lãnh địa" của các tập đoàn Mỹ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Microsoft và Facebook. TikTok là công ty Trung Quốc đầu tiên đạt bước đột phá trên thị trường toàn cầu theo cách mà Alibaba, Baidu hay Tencent chưa thể làm nổi.
Chính quyền Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng TikTok để thu thập hình và thông tin của người Mỹ trong các chiến dịch tình báo. Mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi nghiêm trọng vì cuộc thương chiến và dịch Covid-19, và TikTok trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu này.
Theo The Atlantic, ở Washington, đây là mối lo ngại thực sự lớn và trong những tuần gần đây, các chính trị gia Mỹ ngày càng tỏ ra cứng rắn với TikTok. Ứng dụng của ByteDance trở thành biểu tượng của mối đe dọa Trung Quốc với xã hội và ngành công nghệ Mỹ.
Trong suốt năm 2020 vừa qua, ông Trương Nhất Minh - Ông chủ của TikTok đã nỗ lực tìm cách xoa dịu những lo ngại của Mỹ. Đội ngũ quản lý thị trường Mỹ của TikTok được đưa ra khỏi Trung Quốc và đến Mỹ. Hồi tháng 3, ông Trương thuê nhà vận động hành lang nổi tiếng Michael Beckerman để tiếp cận các quan chức Washington. Đến tháng 5, cựu lãnh đạo Dinsey Kevin Mayer được bổ nhiệm làm CEO TikTok.
Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để thuyết phục các quan chức Mỹ. Thượng nghị sĩ Josh Hawley mô tả những nỗ lực tu sửa của TikTok là "lố bịch" và nhấn mạnh "đó vẫn luôn là một công ty Trung Quốc". Đồng quan điểm, luật sư Dan Harris của hãng Harris Bricken bình luận: "Có lẽ nhân sự TikTok chỉ muốn kinh doanh để sinh lãi. Nhưng nếu hiểu cách Trung Quốc hành động, không ai có thể quả quyết rằng TikTok là an toàn".
"Người dân Mỹ cần lo ngại với TikTok, bởi đó là công cụ giám sát của chính quyền Trung Quốc. Đó là con ngựa gỗ thành Troy trong điện thoại của mọi người", The Atlantic dẫn lời Thượng nghị sĩ Josh Hawley khẳng định.