Tại sao Apple lại đưa FaceTime lên Android???
- Microsoft Excel trở thành bộ môn eSports được đem ra thi đấu trên toàn cầu
- Đây là một trong những điều bất ngờ nhất về WWDC 2021
Anh em đã bao giờ để ý rằng từ năm 2019 trở về trước, cứ máy tính bảng thì được gọi là “iPad” hay cứ gọi điện dạng video thì được gọi là “FaceTime” chưa? Tuy nhiên, khái niệm “FaceTime” giờ đây đã bị lật đổ bởi Zoom “bởi vì đại dịch bùng phát”. Mọi người đã bắt đầu sử dụng Zoom cho nhu cầu hàng ngày của họ và có vẻ như Apple đã nhận thấy sự thay đổi. Zoom không chỉ được sử dụng cho các cuộc họp, nhiều người đã sử dụng nó khi gọi video cho gia đình hoặc bạn bè, nhất là trong thời gian đại dịch xảy ra.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Zoom so với FaceTime chính là khả năng nó có thể sử dụng trên mọi nền tảng, Android, iOS, Windows, macOS,... hơn đứt FaceTime luôn. Về cơ bản, nếu nền tảng bạn chọn có thể kết nối với Internet, bạn có thể sử dụng Zoom. Tuy nhiên, có thực sự là Apple đang muốn FaceTime của mình cạnh tranh trực tiếp với Zoom để đưa ứng dụng gọi điện video của mình trở thành số một trên thị trường hay đây là một chiêu bài gì đó có ý đồ sâu xa hơn???
Quay trở lại vấn đề chính: Apple đã đưa FaceTime lên Android! Ở bề nổi, đây là một tin cực kỳ bất ngờ và đáng mừng vì Apple tự nhiên lại đưa một trong những tính năng “đỉnh” nhất mà hãng đã dày công tối ưu hàng chục năm lên hệ điều hành đối thủ. Tuy nhiên, nếu anh em để ý kỹ, FaceTime trên Android bị giới hạn cực kỳ nhiều tính năng và cũng đừng quá ngạc nhiên nếu anh em nghe được ở đâu đó câu nói “Apple muốn người dùng Android có trải nghiệm FaceTime kém hơn so với iOS”.
Đó là bởi vì sẽ không có ứng dụng Android gốc cho FaceTime giống như cách các nhà phát triển làm với Google Duo, Zoom, WebEx hoặc vô số dịch vụ trò chuyện video khác. Dựa trên những gì mà mình vọc vạch được, anh em sẽ cần một thiết bị hỗ trợ iOS 15 để bắt đầu cuộc gọi FaceTime, sau đó anh em mới có thể tạo liên kết và chia sẻ với người khác. Mặc dù đã cho phép người dùng Android tham gia trong các cuộc trò chuyện FaceTime, nhưng cuối cùng điều này vẫn không “mở” dịch vụ FaceTime cho người dùng không thuộc hệ sinh thái Apple theo cách Apple Music, Apple TV hoặc một số dịch vụ mang thương hiệu Apple khác hiện nay đang làm. Điểm khác biệt: đây thường là những dịch vụ có tính phí, còn FaceTime thì không.
Gần đây, chúng ta đã nghe nói về việc người dùng chuyển từ iOS sang Android, nhưng Apple chẳng quan tâm. Trong nhiều năm, Apple đã hoạt động dưới chiêu bài cung cấp một môi trường riêng tư, an toàn hơn cho người dùng của mình bằng cách cung cấp một cửa hàng ứng dụng được quản lý chặt chẽ. Cuộc chiến Epic vs. Apple gần đây đã giúp khẳng định điều này: “Epic muốn chúng tôi trở thành Android, nhưng chúng tôi không muốn như vậy.” - Keran Dunn, luật sư của Apple.
Apple đang dần biến thành một công ty dịch vụ, bắt đầu cho phép ngày càng nhiều người dùng truy cập vào các tính năng của Apple mà họ mong muốn mà không cần sở hữu thiết bị nhà Táo. Chúng ta đã thấy bức màn được vén lên dần dần trong những năm qua, từ khả năng sử dụng Apple Music và Apple TV trên các thiết bị không phải của Apple cho đến khả năng xem hội nghị WWDC hàng năm của Apple (từ trang chính thức) trên các thiết bị không phải của Apple. Vậy tại sao lại làm một FaceTime nửa vời cho Android?
Bằng cách giữ cho các dịch vụ cốt lõi vẫn chỉ có trên iPhone - hoặc ít nhất là phiên bản tốt nhất của các dịch vụ đó bị khoá cùng với phần cứng - Apple vẫn có thể nói rằng mình mang lại trải nghiệm smartphone tốt nhất. Trước đây, người dùng Apple phải tải xuống Google Duo, Zoom hoặc bất kỳ thứ gì mà gia đình và bạn bè của họ sử dụng Android đang dùng. Giờ đây, họ không cần phải làm vậy, họ sẽ chỉ phải gửi một liên kết đến những người bạn Android của mình và chờ đợi họ tham gia cuộc gọi FaceTime bởi vì theo cách này, ngay cả những điện thoại Android tốt nhất cũng sẽ "chậm" hơn và nằm ở thế kém hơn.
Đó là một nước đi thú vị trong thời điểm Apple chuyển sang trở thành một công ty dựa trên dịch vụ và thực tế là họ muốn người dùng vào hệ sinh thái rộng lớn hơn của các sản phẩm - không chỉ sở hữu iPhone hay Mac. Apple đang tiếp tục xây dựng những cách thức ngày càng tốt hơn để các sản phẩm của mình có thể giao tiếp và làm việc với nhau thay vì lo lắng về các công ty và sản phẩm khác.
Apple chỉ là khoét một cửa sổ trên bức tường bao quanh khu vườn sinh thái của mình cho người dùng Android nhìn ngắm, cho họ thèm muốn cái gọi là “Apple xịn”, cái mà Android chẳng thể nào có được. Cho phép người dùng Android sử dụng một phần dịch vụ, nhưng chỉ bằng cách phải lệ thuộc vào người dùng Apple, nói trắng ra, Táo Khuyết chẳng bao giờ coi Android là “đối thủ xứng tầm” bao giờ cả! Hơn nữa, nó tạo ra một môi trường mà người dùng Android chịu áp lực, khiến nhiều người dùng Android buộc phải đi vào hệ sinh thái Apple.