Thử mở khoá iPhone bằng Apple Watch: Tính năng cực hữu ích cho mùa dịch và đi đường

Thầy thuốc nhân dân
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
FaceID trên iPhone nay đã không còn chịu thua style chống nắng đỉnh cao của chị em Việt Nam nữa rồi.

Kể từ khi Apple không còn sử dụng bảo mật vân tay và chuyển sang FaceID, những người sử dụng iPhone có thể tận hưởng sự tiện nghi của một phương thức bảo mật cao cấp nhưng lại rất nhanh chóng và dễ dàng. Tất nhiên, nếu coi FaceID là một ổ khoá cho chiếc điện thoại thì dữ liệu khuôn mặt của bạn chính là chìa khoá để mở được ổ khoá đó.

Đối với người dân ở hầu hết các nước phương Tây, khuôn mặt của họ chẳng mấy khi bị che đi nên việc sử dụng tính năng bảo mật này không gây ảnh hưởng gì to lớn lắm. Tuy nhiên, FaceID cũng đã từng được cảnh bảo bởi tính khả dụng của nó với những người sử dụng điện thoại ở phương Đông, nơi có rất nhiều lý do để người dùng che lại một phần khuôn mặt của mình.

Xét về văn hoá thì những khu vực tập trung nhiều người Hồi giáo là phụ nữ có tục lệ che mặt. Xét về điều kiện môi trường thì Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước có thói quen sử dụng khẩu trang nhiều để làm ấm đường thở, ngăn cản khói bụi do ô nhiễm. Ở một số nước nhiệt đới nhiều nắng nóng thì khẩu trang và các vật dụng khác được sử dụng để bảo vệ làn da ở mặt. Việt Nam là một trong số những nước có hai trên ba yêu tố như vậy. Trong những trường hợp như vậy, sử dụng FaceID của iPhone là một việc khá là bất tiện, nhưng ít nhất người dùng vẫn có thể lựa chọn tháo khẩu trang trong giây lát để mở khoá iPhone rồi đưa nó về vị trí cũ. Điểm trừ này của FaceID vẫn được xem nhẹ và mang tính chất cục bộ hơn là một vấn đề cần được giải quyết.

Cho đến khi hầu hết người dân trên thế giới đều phải đeo khẩu trang khi ra đường trong suốt năm 2020 và có thể là đến hết năm 2021 thì những rắc rối mà FaceID mang lại mới thực sự được Apple nghiêm túc xem xét, và cuối cùng thì họ cũng có phương án giải quyết cho trường hợp này ở phiên bản iOS 14.5. Thay vì dữ liệu khuôn mặt, một chiếc “chìa khoá dự phòng” sẽ được tạo ra để hỗ trợ người dùng đeo khẩu trang có thể mở điện thoại của mình mà không cần phải bấm passcode. Tất nhiên Apple Watch cũng phải được đồng bộ với bản cập nhật watchOS 7.4 để có thể trải nghiệm tính năng này.

Hiện nay, iOS 14.5 và watchOS 7.4 đều đã phát hành ở dạng beta dành cho các nhà phát triển và các tester. Để có thể sử dụng trước phiên bản này, bạn cần đăng kí iPhone của bạn với profile của các nhà phát triển để nhận được những thông báo tải các bản cập nhật thử nghiệm như thế này.

Mình sẽ để link ở đây, anh em có nhu cầu có thể sử dụng iPhone để truy cập và đăng ký trực tiếp các thiết bị của mình với profiles của nhà phát triển một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất nhé. LINK

Mới đây thì điện thoại và Apple Watch của mình cũng đã được nâng cấp phần mềm để sử dụng được tính năng mở khoá vi diệu này của iPhone. Sống và làm việc tại Hà Nội, bản thân mình thấy việc sinh hoạt trong vùng dịch và phải đeo khẩu trang phần lớn thời gian trong ngày đã kém thoải mái lắm rồi. Ngay cả việc mở khoá chiếc điện thoại của vô vàn bật tiện là khó mà chấp nhận được.


Sau khi đã cài đặt các bản cập nhật mới nhất cho iPhone và Apple Watch. Chúng ta sẽ có lựa chọn mở khoá iPhone bằng Apple Watch ở phần Setting như thế này.

Những gì bạn làm là đưa điện thoại lên trước mặt như thường lệ, sau đó thực hiện thao tác vuốt mở như bình thường, điện thoại của bạn sẽ được mở khoá và Apple Watch sẽ có một phản hồi rung kèm một thông báo trên màn hình. Trải nghiệm này không xảy ra tức thì như cách mở điện thoại bằng FaceID thông thường, nó có một chút độ trễ nhất định, nhưng việc đó chỉ xảy ra trong vài chục phần trăm của một giây. Bởi vậy, nó cũng không gây quá nhiều bất tiện với người dùng.

Tất nhiên, Apple cũng có những yêu cầu chặt chẽ cho tính năng mở khoá iPhone bằng Apple Watch. Đầu tiên, bạn phải mở khoá chiếc Apple Watch của mình, hơn nữa bạn phải đeo Apple Watch trên tay. Một điểm khác nữa mà bạn cần lưu ý là iPhone phải nhận diện được một phần khuôn mặt bị che của bạn.

Những thử nghiệm với Apple Watch được mở khoá nhưng không được đeo lên tay đều bất thành. Điện thoại vẫn hiện ra thông báo mở khoá thông qua Apple Watch nhưng cuối cùng lại đòi passcode của điện thoại.

Chúng mình cũng đã thử nghiệm thêm việc mở khoá với chiếc iPhone trên bàn mà không có mặt người dùng mà chỉ có Apple Watch cũng không thành công.

Mình cũng có thử nghiệm về khoảng cách yêu cầu tối thiểu để iPhone và Apple Watch có thể thực hiện tính năng mở khoá với gương mặt đeo khẩu trang. Bạn cần khoảng cách tối thiểu 3 mét để có thể thực hiện được thao tác này. Đồng nghĩa với việc, nếu có ai đó sử dụng tính năng này để “dùng nhờ” điện thoại của bạn, ít nhất là họ luôn ở trong tầm kiểm soát của bạn. Bên cạnh đó, khi sử dụng tính năng này, Apple Watch của bạn cũng hiện ra thông báo cùng lựa chọn khoá iPhone lại với những yêu cần mở khoá điện thoại không mong muốn.

Xét về mọi mặt, Apple đang làm rất tốt trong việc khắc phục những điểm hạn chế của FaceID đối với tình hình hiện tại nói chung và với một nhóm người dùng không nhỏ ở thị trường phương Đông. Tuy nhiên, việc yêu cầu phải có Apple Watch để làm phương tiện mở khoá iPhone có phần xa xỉ. Bởi vậy, tính năng này không thực sự phù hợp với tất cả mọi người. Về lâu về dài, nó lại nên xuất hiện ở những nơi như Việt Nam, trên tay những chị “Ninja Lead” hay chạy tung tăng trên phố với bộ cánh kín mít chỉ hở mỗi đôi mắt.

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập