Tính năng bảo vệ quyền riêng tư của Android 12 ngày càng giống iOS
Tuần trước, Google đã cho ra mắt phiên bản beta của Android 12 trước khi chính thức cập nhật lên điện thoại Android trong mùa thu năm nay. Android 12 kết hợp được thiết kế của thế hệ Android trước cùng với những cải tiến vượt trội của ngôn ngữ thiết kế "Material You". Ngoài ra, đi kèm với đó còn là một loạn cập nhật hướng tới Quyền riêng tư của người dùng.
Một số tính năng mới trong Bảo vệ quyền riêng tư của Android 12 lại khá quen thuộc với người dùng iOS. Google đã giới thiệu các tính năng bảo mật hoàn toàn mới trong Android 12 để giúp người dùng dễ dàng bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu trong quá trình sử dụng. Mục Quyền riêng tư mới cung cấp giao diện trực quan hơn, cho phép người dùng dễ dàng gỡ quyền truy cập bất cứ khi nào bạn muốn.
Trong mục Quyền riêng tư, người dùng thực sự có thể xem ứng dụng nào đã truy cập các tính năng như vị trí, camera, micro hay thông tin cá nhân như danh bạ, tệp đa phương tiện,... Tính năng này thậm chí còn cho phép người dùng thu hồi quyền truy cập nhanh hơn so với iOS.
Một tính năng mới khác cho Android 12 là việc bổ sung một hiển thị báo cáo nhỏ trên thang trạng thái khi sử dụng camera hoặc micro. Thanh thông báo này sẽ hiện các chấm nhỏ màu xanh lá để thông báo bạn đang dùng micro hay camera điện thoại. Điều này cũng khá giống cách Apple đưa đèn thông báo lên iOS 14. Android 12 cũng đã thêm một nút cài đặt nhanh để người dùng có thể hủy bỏ quyền truy cập vào camera và micro của tất cả các ứng dụng chỉ bằng một thao tác đơn giản.
Người dùng Android cũng sẽ có thể kiểm soát lượng thông tin được chia sẻ với ứng dụng. Google đã giới thiệu cài đặt "vị trí gần đúng" cho các ứng dụng như Thời tiết bởi chúng không cần thiết phải sử dụng vị trí chính xác của người dùng Android. Điều này sẽ giúp giữ cho ứng dụng của bạn hoạt động trong khi vẫn cân bằng quyền riêng tư vị trí, tương tự như cách tiếp cận của iOS.
Ngoài ra, Android 12 còn tích hợp các tính năng bảo vệ quyền riêng tư, được gọi là Hạt nhân điện toán riêng (PCC) để hỗ trợ các tính năng như phụ đề trực tiếp, phát lại tức thì và trả lời thông minh. Google nhấn mạnh rằng tất cả các xử lý âm thanh và ngôn ngữ được bản địa hóa và cách ly hoàn toàn khỏi mạng để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Tuy nhiên, không có tính năng nào trong Android 12 tương tự như việc áp dụng cơ chế theo dõi minh bạch (ATT) trong iOS 14,5. Google đi sau Apple để thúc đẩy bảo vệ quyền riêng tư, nhưng vẫn duy trì khoảng cách nhất định với việc theo dõi quảng cáo. Công bằng mà nói, chúng ta vẫn có một tùy chọn để tắt tính năng theo dõi quảng cáo trong Android 12. Trong Cài đặt hệ thống, có một công tắc cho phép người dùng chọn không tham gia quảng cáo được cá nhân hóa và sau khi đóng ứng dụng, ứng dụng không thể tạo quảng cáo dựa trên ID quảng cáo của người dùng.
Tuy nhiên, Google dường như không muốn công khai và đưa nó tiếp cận dễ dàng hơn với người dùng như cách Apple đã làm. Nếu bạn muốn sử dụng nó, chúng ta cần truy cập Cài đặt, sau đó vào Quản lý Tài khoản Google rồi nhấp vào mục Dữ liệu và cá nhân hoá, cuối cùng mới tới mục Cài đặt quảng cáo. Người dùng sẽ chỉ có thể tắt quyền ứng dụng trong từng cái một. Hiện tại, không có số liệu thống kê chính xác, tuy nhiên ước tính số người dùng biết đến tính năng trên đang ở dưới mức 5%. Điều này là rất khác so với iOS 14.5 khi Apple chủ động để nó pop-up lên khi sử dụng ứng dụng. Có lẽ Google đã suy nghĩ tới cách chặn các ứng dụng bên thứ ba theo dõi để lấy dữ liệu quảng cáo, tuy nhiên thời điểm hiện tại là chưa phù hợp để triển khai rộng khắp.
Đó là cách Google muốn. Trong những năm qua, iOS và Android đã ngày một trở nên giống nhau hơn. Điều đó là dễ hiểu bởi nhu cầu bảo vệ thông tin cá nhân của chúng ta ngày một lớn hơn. Nâng cao các lớp bảo vệ chắc chắn vẫn sẽ an toàn hơn, tránh được nguy cơ mất dữ liệu, tài khoản của người dùng.