Đánh giá chi tiết MSI GS66 Stealth 10UD: Laptop tối ưu FPS hàng đầu hiện tại?
- Đánh giá chi tiết MSI Modern 15 2020: Đẹp, đủ đầy, nhưng cần đánh đổi!
- Trên tay MSI Stealth 15M - Laptop gaming "mỏng nhất thế giới"
FPS thật cao để đảm bảo hiệu suất chơi game, kết hợp với màn hình tần số thật khoẻ để nhìn cho mượt mắt,... Đó là những thứ mà mình nghĩ rất nhiều anh em game thủ đều mong muốn khi chúng ta tiếp cận những mẫu sản phẩm laptop chơi game hiện thời. Nhưng không phải lúc nào cũng là dễ dàng để có thể đạt được điều này, khi những giới hạn từ trước đến nay về phần cứng vẫn là một rào càn không dễ vượt qua. Có lúc thì đó là do CPU, card đồ hoạ, có lúc lại do giao tiếp giữa chúng và các bộ phần khác,... Nhìn chung là nhiều thứ.
Nhưng năm nay, mọi thứ có vẻ đã khác. Càng ngày cành có nhiều công nghệ mới giúp chúng ta gỡ bỏ những giới hạn đó. Có thể chưa hết hoàn toàn, nhưng cũng là rất gần để chúng ta có được trải nghiệm gaming tốt nhất. Và tất cả những yếu tố như vậy tính đến lúc này đang hội tụ trong chiếc MSI GS66 Stealth đây, một trong những sản phẩm với khả năng tối ưu FPS game hàng đầu thị trường lúc này.
Cấu hình, hiệu năng
Với GS66 Stealth 10UG, cấu hình là điểm khiến mình chú ý nhất ở nó, do về ngoại hình máy vẫn có nhiều điểm tương đồng so với phiên bản năm ngoái - cái này mình sẽ nói sau. Tâm điểm của GS66 chắc chắn sẽ là card đồ hoạ NVIDIA RTX 3070 8GB Laptop, đi kèm với CPU Intel Core i7-10870H Comet Lake, 32GB RAM kênh đôi cùng lên đến 2TB SSD NVMe - dung lượng tối đa luôn, tha hồ cho anh em lưu game hay dữ liệu mà không sợ kín chỗ.
Dù đây không phải một hệ thống quá mới mẻ tính đến lúc này, nhưng mình vẫn tin chúng sẽ đem lại một trong những trải nghiệm về FPS tốt hàng đầu thị trường. Vậy tại sao tốt, hãy cùng tìm hiểu chi tiết nhé.
Để làm nên mức FPS cao đặc biệt, MSI GS66 Stealth U10 sẽ được tiếp sức bởi hai công nghệ quan trọng: Resizable BAR và MUX Switch của RTX 3070. Với mình thì đây cũng là điểm hấp dẫn nhất của sản phẩm so với GS66 Stealth Turing (RTX 2000), giúp hiệu năng có được giữa hai thế hệ cũng đáng để chúng ta nâng cấp hơn. Thực ra thì các chúng cũng ít nhiều góp mặt trên các sản phẩm khác trang bị RTX 3000 trong năm nay rồi, nhưng mình thấy chỉ có MSI vẫn là đầu tư và tự tin vào chúng hơn cả, tính đến lúc này.
Về cơ bản, Resizable BAR là một tính năng PCIe tiên tiến, cho phép CPU có thể truy cập và tận dụng tối đa lượng VRAM của GPU. Việc này sẽ giúp tăng khả năng giao tiếp giữa hai thành phần này, qua đó đẩy FPS của game lên cao nữa.
Trước kia khi chưa có Resizable BAR thì do giới hạn từ kiến trúc máy tính, lượng VRAM GPU mà CPU có thể truy cập hầu hết chỉ tính bẳng MB. Nhưng giờ anh em thấy, game ngày nay đang ngày càng mở rộng về hiệu ứng, độ phân giải và còn nhiều nữa, vậy nên ngần đó VRAM sẽ là không đủ xử lý thứ. Nhưng với Resizable BAR, giờ đây toàn bộ lượng VRAM sẽ được tận dụng cả, giúp cho CPU và GPU có thể phối hợp xử lý các loại hình khối, đổ bóng,… tốt hơn.
Và khác với Resizable BAR trên desktop, trên laptop thì các NSX thường sẽ cập nhật cả cho anh em rồi. Việc anh em cần sẽ là chọn các tựa game hỗ trợ để trải nghiệm mà thôi. Chúng ta lúc này đang có Cyberpunk 2077, Assassin’s Creed Vahalla, v.v.. và sau thì mình nghĩ sẽ còn nhiều hơn nữa.
Về cơ bản, Resizable BAR sẽ cho hiệu suất trong game sẽ được cải thiện từ 5-15% tuỳ trường hợp so với thông thường. Chỉ có chút lưu ý là để tận dụng tốt nhất tính năng này thì anh em nên nhớ update đầy đủ driver Game Ready nhé. Ngoài việc giúp anh em bật được tính năng Resizable BAR ra, chúng cũng còn được cập nhật theo tình hình và công nghệ mà các tựa game mới đang sử dụng nữa, khác với Studio Driver thường sẽ làm mới theo các phần mềm làm việc chuyên dụng.
Kết hợp thêm với thuật toán DLSS 2.0 vốn đang hoạt động tốt nữa, trải nghiệm cân bằng hình ảnh - hiệu năng của anh em sẽ lại càng tối ưu. Nếu chưa biết về DLSS 2.0 thì bên dưới sẽ là một bài viết ngắn gọn để anh em hiểu rõ hơn nhé:
Nhưng kể cả chưa cần dùng Resizable BAR, RTX 3070 Laptop đã là một tuỳ chọn card với hiệu năng đột phá so với thế hệ tiền nhiệm rồi. Ngoài ra nhờ việc tính năng Dynamic Boost 2.0, TDP của card có thể dao động từ 80-95W nếu anh em muốn “vắt kiệt” nó hơn nữa.
Bên cạnh Resizable BAR, MUX Switch cũng là yếu tố khác được nhấn mạnh để giúp game thủ cải thiện FPS. Cụ thể thì đây là một module phần cứng chỉ thị, điều khiển tín hiệu hình ảnh đi từ iGPU / Card đồ hoạ rời tuỳ vào cách máy hoạt động.
Thường thì với mẫu máy có cả iGPU lẫn card đồ hoạ rời thì card đồ hoạ rời sẽ lo đồ hoạ game, còn hình ảnh lên màn hình lúc đó sẽ được MUX Switch giao cho iGPU. Nhưng giờ đây anh em đã có thể ưu tiên card đồ hoạ rời ngay trong phần mềm Dragon Center, đồng nghĩa với việc card đồ hoạ rời sẽ được kết nối thẳng với màn để chịu việc xuất hình. Khi đó hiện tượng nghẽn sẽ bị hạn chế tối đa, và FPS hiện lên sẽ lại được đẩy thêm nữa.
Đây là yếu tố sẽ rất được lòng các anh em tryhard các tựa game FPS, khi hiệu suất trong game nhờ MUX Switch sẽ được đẩy lên cao hơn. Điều này cũng khiến cho phần màn hình 300Hz trên MSI GS66 Stealth có nhiều ý nghĩa, thay vì thường bị coi là yếu tố “moi tiền người dùng” khi không thể được tận dụng hết trong đa số trường hợp.
Còn về CPU Intel Core i7-10780H 8 nhân 16 luồng, có thể đúng là nó sẽ khó mà hot được như những đối thủ Ryzen 5000 ở thời điểm hiện tại, nhưng sức mạnh cho ra của tuỳ chọn này vẫn là khá đáng nể. Đi kèm với đó là cả sức mạnh dồi dào của RAM, anh em sẽ còn có thể tận dụng sức mạnh của bộ đôi này cho cả những tác vụ đồ hoạ cũng rất ok.
Nhìn chung với cấu hình này, dù gaming hay làm việc chuyên nghiệp, mình nghĩ nó cũng sẽ cân ok cả mà thôi. 60 triệu Đồng bỏ ra cơ mà.
Và để khép lại sớm câu chuyện hiệu năng thì mình sẽ đề cập đến vấn đề nhiệt độ, yếu tố mà anh em thường sẽ khá quan tâm. Về khoản này thì thực ra, MSI GS66 Stealth vẫn sẽ có mức nhiệt khá cao (85-91 độ CPU, 85 độ GPU), nhưng ít nhất là vẫn ổn hơn GS65 bỏng tay hay GS66 Stealth Turing của năm ngoái. Có thể điều này đến là do CoolerBoost Trinity+ năm nay đã được vát mỏng một chút về cánh quạt, giúp tối ưu phần nào việc hút / đẩy khí bên trong vỏ máy.
Cơ mà mình vẫn khá ghét tiếng ồn nó tạo ra khi chạy ở Turbo, hay thậm chí chỉ là Performance: Tiếng hơi rít và to, hơi phiền nếu ta ngồi gần người khác.
Thiết kế
Quay về thiết kế thì như mình đã nói, chiếc GS66 Stealth Ampere năm nay vẫn sẽ gần như giữ nguyên so với phiên bản Turing năm ngoái. Chúng ta vẫn sẽ có một bộ vỏ nhôm gần như liền khối, với lớp sơn đen tuyền được làm nhám vừa phải. Nhờ vậy nên máy vừa có vẻ ngoài hút mắt, vừa cho cảm giác cầm nắm, sử dụng,... rất thích và tín tay.
Kích thước và trọng lượng 2,1kg được giữ nguyên cũng là một điểm cộng, chưa phải mỏng nhẹ hẳn nhưng vẫn đủ cơ động - ít nhất với một cấu hình mạnh mẽ như trên.
Về độ chắc chắn thì khỏi phải bàn rồi. Từ mặt A, bản lề, rồi khung phím,... đều dạy dạn, tác động lực thông thường thì gần như không suy suyển. Cảm giác cọt kẹt ở chiếu nghỉ cũng gần như không có, gõ phím khi làm việc hay chơi game được yên tâm hơn. Mà về phím thì cũng là phím Steelseries như thường lệ: Độ nảy tốt, hành trình vừa phải cùng LED RGB Per-key tuỳ chỉnh đa dạng.
Nếu để có điều gì mình không thích thì chắc đó sẽ là phần viền nhựa chạy dọc chiếu nghỉ: Hở ra một chút làm mất đi sự liền khối, và mình cảm giác là nó sẽ sớm xước sau một thời gian sử dụng. May mắn thay là ở hai góc bo MSI đã có thể vát gọn nó, thay vì để cấn ra sắc lẹm dễ làm xước tay chúng ta như trên phiên bản cũ.
Màn hình
Cũng như phiên bản Turing, MSI GS66 Stealth Ampere vẫn sẽ đi kèm một màn hình với chất lượng tốt. Tần số quét lên đến 300Hz, cũng ngon đấy, nhưng độ trễ 3ms có thể giảm thêm trong Dragon Center lại khiến mình ấn tượng hơn. Cái này công dụng ra sao chắc anh em “pro” FPS hiểu rõ này.
Thêm vào đó, với thống số màu sắc vẫn ấn tượng (98% sRGB, 73% AdobeRGB, 77% DCI-P3 cùng độ chính xác màu DeltaE 1.47) cùng phần viền mỏng, trải nghiệm anh em có được sẽ không chỉ tốt ở game, mà còn là cả lúc xem phim, làm các tác vụ văn phòng thông thường hay multimedia nữa.
Cổng kết nối
Về cổng kết nối, MSI GS66 Stealth vẫn sẽ được trang bị khá đầy đủ cho chúng ta: 3 cổng USB-A 3.2 Gen2, 1 cổng Thunderbolt 3 tích hợp Power Delivery, 1 cổng DisplayPort, cổng HDMI, cổng LAN và jack tai nghe 3.5 combo. Như thế này cũng là khá đủ đầy để kết nối gear chơi game hay trình chiếu các kiểu để làm việc rồi.
Thời lượng pin
Với viên pin khủng 99.9Wh, dung lượng lớn nhất mà máy bay cho phép mang, thời lượng pin mà mình có được với các tác vụ thông thường sẽ vào cỡ 4,5h (Better Battery, Silent Mode để quạt không ồn), với độ sáng màn hình 70% cùng việc đã chỉnh về chế độ NVIDIA Optimus. Và để tiếp điện cho máy thì chúng ta sẽ sử dụng cục sạc 230W, hơi to và bất tiện một chút với một sản phẩm cơ động như GS66.
Nhưng với việc hỗ trợ kết nối PD 65-100W, anh em có thể mượn cả những bộ sạc C của người xung quanh để tiếp điện cho sản phẩm. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả nếu anh em xác định mỗi ngày mang máy ra đường chỉ đề làm những công việc cơ bản, không chơi game “tryhard” hay các tác vụ cần sức mạnh phần cứng khác.
Kết luận
Tuy sở hữu một cấu hình không quá mới mẻ, nhưng GS66 Stealth lại có được khả năng tận dụng triệt để những công nghệ đi kèm, giúp cho trải nghiệm tổng thể của nó thậm chí có thể xếp vào top đầu thị trường. Không phải lúc nào trải nghiệm FPS siêu cao cũng có thể được thiết lập cho chúng ta, nhưng sản phẩm này đã phần nào chứng minh điều ngược lại với những gì nó đã thể hiện.
Ngoài ra đi kèm với đó còn là sự đủ đầy được kế thừa tốt từ các phiên bản trước, và có chăng sẽ chỉ sạn một chút về khoản nhiệt độ mà thôi. Nhưng nếu có thể vượt qua được giới hạn ấy thì dù là gaming, làm việc chuyên nghiệp hay cả hai, MSI GS66 Stealth sẽ đem lại một trải nghiệm xứng tầm 60 triệu Đồng trong năm 2021 này.