Hậu Galaxy Unpacked Tháng 4: Tại sao ultrabook năm nay đang dần "bỏ quên" AMD?

Công Minh
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Đôi khi, chú tâm vào phát triển hiệu suất chip thôi vẫn là chưa đủ.

Cách đây ít ngày, Samsung đã trình làng bộ ba laptop thuộc series Galaxy Book là Book Pro, Book Pro 360 và Book Odyssey - đều là những mẫu máy với nhiều điểm đáng chú ý. Mặc dù đây không phải lần đầu công ty ra mắt các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, nhưng với việc dành riêng một sự kiện Galaxy Unpacked cho Windows thì rõ ràng, Samsung đang muốn để lại nhiều dấu ấn trên thị trường hơn bao giờ hết. 

Nhưng đó là những thứ diễn ra trên sân khấu, còn sau hậu trường thì lại là nhiều câu chuyện phức tạp hơn. Cơn sốt AMD đúng là vẫn đang chưa hạ nhiệt, nhưng tại sao rất nhiều hãng laptop vẫn đang “bỏ quên” đội Đỏ trên các dòng sản phẩm mới? Ngay cả trong một số trường hợp mà chắc chắn, phần cứng AMD vẫn là lựa chọn tốt hơn? 

Như mọi khi, tài chính vẫn luôn là một trong những lý do phù hợp. Nhưng giờ đây đó còn là câu chuyện về các màn “liên thủ” chặt chẽ giữa các ông lớn (Microsoft, Intel, Samsung,...). Và mọi thứ đều đang vận hành đủ tốt, ít nhất là đủ để Intel sẽ còn lấn át AMD một thời gian nữa ở thị trường ultrabook. 

Sự ra tay của Intel dưới nhiều hình thức (hỗ trợ, đồng thiết kế,...)

Mặc dù không vận hành quá tốt mọi thứ trong vài năm trở lại, thế nhưng về thực lực thì Intel vẫn là một cái tên không thể xem thường. Nhờ vào những đòn bẩy tự tạo ra, công ty đang dần có được sự ưu tiên từ các thương hiệu sản xuất PC hiện tại. Kinh doanh mà, vậy nên đây cũng là chuyện dễ hiểu. 

Vài năm trước, công ty đã khởi động “Project Athena”, với mong muốn có thể nâng tầm các sản phẩm laptop dựa trên một lộ trình dài hạn. Mặc dù đã gặp một chút trục trặc, nhưng mọi thứ đã dần cải thiện để “Athena” có thể quay lại dưới một cái tên mới: Intel Evo. Để đạt chuẩn Evo, một sản phẩm sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể như: 

  • Thời lượng pin tối thiểu 9 giờ đồng hồ 
  • Trang bị màn hình lớn hơn 12 inches và lớn nhất 15.x inches với độ phân giải Full HD bao gồm cả hỗ trợ cảm ứng, viền mỏng 
  • Mở máy từ chế độ sleep ít hơn một giây
  • Hỗ trợ sạc siêu nhanh. Sử dụng thêm 4 giờ sau 30 phút sạc
  • Hỗ trợ Wifi 6 và Thunderbolt 4
  • Đảm bảo kích cỡ theo đúng tiêu chuẩn của Intel
  • Bắt buộc sử dụng CPU Tiger Lake từ i5 trở lên với card đồ họa tích hợp Intel Xe Graphics

Và để hiểu sâu hơn về Intel Evo và những ảnh hưởng của nó tới các dòng laptop, anh em có thể tìm đọc bài viết dưới đây nhé. 

Đây là một chương trình mà nếu muốn thành công, Intel và các nhà sản xuất OEM sẽ phải hợp tác rất chặt chẽ để đảm bảo kiểm soát về sản xuất, chất lượng hay hiệu năng sản phẩm khi tới tay người dùng. Nó cũng giống như mối quan hệ khăng khít giữa macOS và phần cứng Mac vậy, và nếu để cho các hãng “tự bơi” thì mọi thứ sẽ cực kỳ khó khăn (do chipset và HĐH thì cũng không phải do họ tạo ra). 

Mảnh ghép hoàn hảo mang tên Microsoft 

Và để mọi thứ vận hành trơn tru, chắc chắn Microsoft cũng sẽ phải nhúng tay vào. Thất bại của Intel Skylake từ 2015 vẫn còn đó, và rất may Microsoft đã học hỏi được và không để nó lặp lại. Là đơn vị hiểu về Windows nhất (hiển nhiên rồi), công ty phần mềm nước Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Intel và OEM, qua đó có thể tối ưu hoá các sản phẩm laptop cả về mặt thiết kế cũng như phần mềm. 

Và không đâu xa, thành quả của màn “liên thủ” tay ba kiểu này đã thể hiện ngay trên bộ ba Galaxy Book của Samsung. Ví dụ như Galaxy Book Pro và Pro 360, tính năng Bluetooth của chúng sẽ được tối ưu tương thích khi dùng cùng phụ kiện / thiết bị Galaxy. Hay với CPU Core i7-1165G7, chúng sẽ có thêm chế độ hoạt động không quạt khi được trang bị trên laptop Galaxy mới. Dù rằng sẽ khiến hiệu suất phần cứng bị giới hạn đáng kể, nhưng điều này vẫn sẽ khiến người dùng hài lòng - nhất là khi họ không muốn tốn quá nhiều pin khi làm các tác vụ cơ bản. 

Intel thậm chí còn đứng sau không ít những concept / sản phẩm tiên tiến trong làng laptop hiện nay, với vai trò là đơn vị tung ra các thiết bị tham chiếu cho các đối tác OEM. Nếu anh em còn nhớ Tiger Rapids hai màn hình thì đúng rồi đấy, đó là một sản phẩm tham chiếu của đội Xanh, phát triển nên nhờ quá trình hợp tác với Sensel - công ty chuyên về sản xuất trackpad xúc giác - và sự ủng hộ từ Microsoft. 

Ngoài ra, Intel cũng chính là cái tên đằng sau công nghệ Thunderbolt (hợp tác với Apple) và là đơn vị sản xuất module Wi-Fi 6 lớn nhất hiện tại. Công ty này hiện cũng đang dẫn đầu về công nghệ bảo mật mới, cho phép phát hiện sự hiện diện của con người trên các sản phẩm laptop. 

Intel và câu chuyện chuyên cần tiếp thị

Bên cạnh tham gia sản xuất vi xử lý hay chịu trách nhiệm “đồng thiết kế” laptop, Intel cũng rất năng nổ tiếp thi cho các loại hình sản phẩm kể trên. Ví dụ rõ ràng nhất sẽ là những con tem Intel Core i3 / i5 / i7 mà nhiều anh em hay để tay che mất. OEM sẽ được giảm giá khi dán chúng lên các mẫu máy, để rồi có thể bán ra thị trường với mức giá tối ưu hơn nữa. Ngoài ra, quảng cáo trên TV, banner và YouTube về Intel cũng rất nhiều, ít nhất là tại những quốc gia phương Tây. 

Và đó cũng là thứ AMD không đầu tư (hoặc là chưa)

Mặc dù vẫn đang phát triển mạnh về kinh doanh, nhưng trên thực tế AMD vẫn chưa có được bằng một nửa giá trị vốn hoá thị trường của Intel. Thay vì tập trung nguồn lực vào các chương trình tiếp thị, đội Đỏ lại ra sức phát triển về công nghệ chip và đã thu về không ít trái ngọt trong thời gian qua. Vì vậy nên về cơ bản, cũng khó mà nói rằng cách làm của AMD là không tốt. 

Nhưng đó không phải lúc nào cũng là thứ mà người dùng quan tâm. Họ chỉ thấy một loạt các sản phẩm laptop mới được gắn tem của đội Xanh và tự hỏi, tại sao chip đội Đỏ với lại không có mặt dù nhiều nhân hơn. Có thể số nhân là thứ mà anh em hằng tìm kiếm (dù không phải lúc nào nhiều nhân cũng là tốt); nhưng hiệu suất, khả năng hỗ trợ hay hiệu ứng tiếp thị mới là những gì các công ty cần. 

Và Intel có thể cho họ những điều trên, còn AMD thì không. Vậy nên cũng đừng quá ngạc nhiên nếu như sau này, anh em lại không thấy phần cứng AMD hiện diện thường xuyên trên các mẫu laptop sau này - ít nhất là trên mặt trận ultrabook. 

Theo Windows Central 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập