Mổ bụng AirTag (P.1): Không dễ tháo, pin lâu, được đầu tư về... âm thanh?

Công Minh
2 năm trước
Cập nhật 2 năm trước
Dù chưa đi quá sâu, nhưng Apple AirTag cũng đã khiến đội ngũ iFixit bất ngờ không ít.

Mặc dù không phải thiết bị định vị vật dụng đầu tiên được ra mắt trên thị trường, nhưng AirTag lúc này lại là cái tên thu hút được rất nhiều sự chú ý nhất. Sức nóng của thiết bị này đã được thể hiện ở ngoại hình, tính năng, ảnh hưởng trên nhiều phương diện,... và giờ hứa hẹn sẽ là cả trên bàn mổ - cụ thể là qua tay các chuyên gia bên iFixit (chứ không phải Jerry Rig Everything). 

Liệu chiếc tag chỉ bằng đồng xu này có gì hấp dẫn? Liệu nó có gì thú vị hơn những thiết bị tương tự như Samsung SmartTag hay Title? Hãy cùng ThinkView và iFixit khám phá xem nhé. 

So sánh kích thước

Về kích thước, AirTag nhỏ hơn nhiều so với SmartTag và Tile khi chỉ nhỉnh hơn đồng xu một chút. Nhưng bù lại thì đây cũng là thiết bị duy nhất không có lỗ để xỏ móc khóa vào, cũng là lý do tại sao chúng ta sẽ cần mua phụ kiện của Apple hoặc các bên thứ ba (nếu có) nếu muốn treo nó vào đâu đó. 

"Săm soi" sơ bộ bên trong với tia X

Khi soi dưới tia X. AirTag cho thấy phần máy móc bên trong chiếm gần như toàn bộ thể tích. Đó sẽ là nơi chứa bảng mạch, viên pin rời và loa nam châm (màu đen tuyền ở chính giữa). Các thiết bị khác thì có nhiều khoảng trống bên trong hơn, và không đi kèm nam châm. Sự xuất hiện của nam châm trong AirTag cũng để phục vụ một lý do khá đặc biệt, anh em nếu muốn biết tại sao thì hãy kiên nhẫn đọc tiếp nhé. 

iFixit cũng giới thiệu một video 360 về "nội thất" của AirTag khi chụp qua tia X. Anh em có thể xem thêm tại đây nhé. 

Ngoài ra thì nhỏ bé là vậy, nhưng AirTag đã có sẵn công nghệ băng thông rộng (ultra-wideband, hay UWB) - yếu tố mà hai thiết bị còn lại không có. Phải đến phiên bản SmartTag+ thì Samsung mới đưa UWB vào, nhưng tiếc là iFixit lại chưa có sản phẩm để mổ bụng cùng.

Mở vỏ thay pin: AirTag là khó nhất

Cả ba mẫu thử đều có thể được mở bằng tay không để tiện thay pin khi sử dụng, nhưng theo iFixit thì AirTag là khó tách ra nhất. Nhưng bù lại thì đây cũng là thiết bị duy nhất đi kèm hẳn một bản hướng dẫn chỉ dành cho việc tháo ra. Rất cẩn thận tới từ nhà Táo. 

Đáng ra Apple đã có thể để AirTag sạc pin thông qua cổng Lightning, hoặc là tận dụng luôn đế không dây của Apple Watch theo như nhiều tin đồn trước đó. Nhưng đáng mừng là nhà Táo đã chọn giải pháp dùng pin rời; không lo chai, chập cháy khi sạc mà lại tiện lợi thay thế để sử dụng ngay. Nhưng liệu đây có phải là nước đi đầu tiên cho một kế hoạch nào đó của Apple trong tương lai? iFixit không biết, chúng ta thì cũng vậy. 

Về pin, AirTag và Title đều được trang bị sẵn pin 3V của Panasonic, trong khi SmartTag sử dụng pin 3V của HenliMax. Nhưng đáng nói là pin CR2032 của AirTag và SmartTag sẽ có dung lượng lớn hơn (0.66Wh), trong khi pin CR1632 của Title chỉ là 0.39Wh - biến đây thành sản phẩm có thời lượng sử dụng ngắn nhất trên lý thuyết. 

Bắt đầu “ca mổ” 

Tháo pin ra, và cả ba mẫu thử đã sẵn sàng để “mổ bụng”. AirTag là thiết bị phức tạp nhất, và iFixit đã phải hết sức cẩn thận để tránh làm gãy ba khớp nối cố định. Bên cạnh đó do cũng có cả keo, anh em ngoài dùng tay thì cũng sẽ cần thêm một miếng nhựa chuyên dụng (loại hay được dùng để mở smartphone) để mổ bụng AirTag. Với SmartTag và Tile thì NSX sẽ chỉ chạy keo quanh mối nối, nên việc tách ra cũng là dễ hơn khi chỉ cần dùng nhiệt tác động. 

Đến với nhân vật chính AirTag, dưới nắp mở của AirTag sẽ là một vật nhỏ hình tròn giống một cái nút bấm. Đó chính là phần nam châm mà chúng ta thấy ban nãy trên hình chụp tia X, và nó sẽ đặt vừa vặn vào khoảng trống ở giữa, kết hợp với vòng dây đồng để tạo thành loa. Về cơ bản thì có thể nói, toàn bộ phần thân của AirTag là một trình điều khiển loa (hay “driver” mà anh em vẫn thấy trong các bài review đồ âm thanh). 

Nguồn điện từ pin sẽ được gửi tới cuộn dây đồng, dẫn động nhờ nam châm tới với phần màng ngăn - ở đây chính là phần nắp nhựa chứa pin. Đó sẽ là cơ chế giúp AirTag phát ra tiếng để báo cho anh em vị trí món đồ thất lạc. 

Và cũng chính nhờ việc sử dụng driver nam châm nên khi sử dụng, AirTag sẽ cho ra âm thanh báo hiệu với “chất lượng cao hơn so với SmartTag và Tile” - theo đánh giá của iFixit. Đây có lẽ cũng là lý do chính khiến Apple đặt thành phần đặc biệt này bên trong, dù nam châm sẽ chiếm kha khá diện tích bên trong AirTag cũng như có thể khiến tổng thể sản phẩm nặng hơn một chút. Nhưng bù lại, âm lượng cho ra bởi AirTag lại có phần nhỏ hơn hai thiết bị còn lại - vốn sử dụng loa áp điện. 

AirTag không có lỗ treo? Với iFixit thì khác!

Khác với SmartTag và Tile, AirTag sẽ không có lỗ để chúng ta xâu vào phéc-mơ-tuya hay móc chìa khóa. Nhưng iFixit đã biến điều không thể thành có thể bằng cách khoan xuyên qua thiết bị nhờ một mũi khoan 1/16”. Nhờ căn ke kỹ càng, các chuyên gia đã không làm tổn hại đến linh kiện điện tử bên trong, và chiếc AirTag sau đó vẫn hoạt động  bình thường. 

Thực tế thì bên trong AirTag, chúng ta vẫn có những khoảng trống thích hợp để đặt lỗ mà không đụng chạm tới bảng mạch hay pin. Nhưng Apple đã quyết định không làm vậy, có lẽ là để đảm bảo vẻ ngoài liền lạc tối đa cho sản phẩm (và cũng để bán phụ kiện dễ hơn, khả năng cao là vậy).

Nếu anh em muốn thử làm, iFixit cũng có video minh họa đánh dấu ba điểm thích hợp để khoan qua mà không gây hỏng AirTag. Nhưng hãy cân nhắc kỹ vì dù sao đi nữa, đây cũng là thử nghiệm được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia tay nghề cao. Chưa kể điều này sẽ làm tổn hại đến ngoại quan và cả khả năng chống nước IP67 của thiết bị, ảnh hưởng tới việc bảo hành / sửa chữa chính hãng sau này.  

Tạm kết 

Và đây là toàn bộ Phần 1 của quá trình “mổ bụng” AirTag do iFixit thực hiện. Liệu các chuyên gia sẽ khám phá thêm được gì từ thiết bị này? Hãy đón đọc Phần 2 để tìm hiểu thêm nhé. Ngoài ra thì ThinkView cũng còn nhiều bài viết thú vị xoay quanh AirTag và ảnh hưởng của nó, anh em có thể tìm đọc ở ngay đầu trang nhé. 

Theo iFixit

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập