Mua laptop mới, không bây giờ thì bao giờ?

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Hoặc là mua lúc này, hoặc là để lúc sau… với nhiều câu chuyện phức tạp khác.

Với làng công nghệ thế giới; COVID-19 có thể xem như một cú đấm bất ngờ, với sát thương đến ngày hôm nay vẫn chưa thể đong đếm hết. Mọi thứ bỗng chốc buộc phải ngưng trệ để đảm bảo an toàn; và hệ quả cũng từ đó bắt đầu lan dần ở nhiều công đoạn, nhiều loại hình sản phẩm và hơn thế nữa. 

Có lẽ cũng ít ai ngờ được rằng, chỉ từ những con chip bán dẫn nhỏ xíu cũng có thể làm nên những câu chuyện đầu cơ, đẩy giá, khan hàng,... loạn lạc như suốt một năm trở lại đây. Để rồi lúc này, ngay cả những thành trì sản phẩm ổn định nhất cũng sẽ khó lòng đứng vững, trong đó có cả những chiếc laptop - vị cứu tinh của thời buổi học, làm từ xa.

Vậy tại sao lại là bây giờ? Vì lúc này là thời điểm biển còn lặng, trước khi những cơn bão lớn thực sự ập tới. 

Tình trạng khan hiếm chip đã lên tới đỉnh điểm

Bằng cách này hay cách khác, hẳn nhiều anh em yêu công nghệ cũng đã nghe qua về tình trạng khan hiếm chip nhớ  – thứ đang ngày càng trở nên trầm trọng do ảnh hưởng của COVID-19. Từ chỗ chỉ là những lần trì hoãn tạm thời do phải đóng cửa tránh dịch, các nguồn cung lúc này được cho là đang rơi vào khủng hoảng - dù đã có thể hoạt động trở lại. 

 TSMC - một trong những đơn vị sản xuất chip nhớ đang phải chịu áp lực lớn về cầuĐúng là quá trình nghỉ ngơi có thể giúp các đơn vị sản xuất phục hồi về năng lực, nhưng chúng cũng khiến cho cơn đói chip nhớ lan dần sang càng nhiều lĩnh vực. Từ PC, smartphone như chúng ta vẫn biết; cho đến thiết bị điện tử gia đình và cả… xe tự hành; tất cả cứ như được sắp đặt mà cùng nhau bùng nổ về nhu cầu.

Chưa kể, số lượng các công ty có thể tự sản xuất chip đang ngày càng ít đi. Ví dụ như ở mảng smartphone thì cũng chỉ còn hai cái tên, do Huawei đã thông báo ngừng làm chip Kirin do thiếu vật liệu. Để rồi nhu cầu cứ thế được đẩy cho TSMC, Samsung, v.v.., và “điểm khủng hoảng” cũng đến gần hơn. 

Huawei đã thông báo ngừng làm chip Kirin do thiếu vật liệuTSMC buộc phải cắt một phần dây chuyền chip nhớ sang phục vụ mảng ô tô do áp lực từ chính phủ; Apple “thâu” 80% dây chuyền 5nm, các hãng tranh nhau phần còn lại,… Những sự kiện như vậy diễn ra liên tục cứ như đổ thêm dầu vào lửa trong tình hình hiện tại. Và với tình trạng khan hiếm cả nguồn nước để sản xuất như tại Đài Loan - nơi có mặt TSMC, có lẽ chiếc ly bán dẫn của chúng ta cũng sắp tràn tới nơi rồi. 

Cuối cùng, giá cả leo thang là hệ quả tất yếu. Và sớm thôi, sẽ gần như không còn loại hình sản phẩm điện tử nào ở trong vùng an toàn. 

Chạy trời không khỏi nắng

Với ảnh hưởng từ đại dịch và câu chuyện thâm hụt chip nhớ, có lẽ chúng ta đã quá quen với tình trạng khan hiếm + đội giá với các sản phẩm đời mới. Cách đây ít tháng, đó là PlayStation 5; còn giờ đây thì là card đồ hoạ với chất xúc tác là mức giá “chọc trời” của tiền ảo. 

 Card đồ hoạ là một trong những mặt hàng bị đội giá cao vì nhiều nguyên nhân.Xét ngay tại thị trường Việt Nam, nhu cầu đào tiền cùng tình trạng khan hiếm chung đã khiến cho nhiều dòng card bị đẩy lên về giá thành. Một ví dụ điển hình có thể kể đến tuỳ chọn NVIDIA GTX 1660 Super, với mức giá hiện tại đang rơi vào khoảng 11 triệu Đồng - khá cao so với con số 7-8 triệu Đồng hồi hàng mới về nước ta. Hay với một cái tên khá là NVIDIA RTX 3070, giá bán ra lúc này cũng dao động ở mức 25 - 28 triệu Đồng tuỳ biến thể - cao hơn nhiều so với con số 15 triệu Đồng khởi điểm. Cùng với đó, nhiều đại lý cũng đã phải thêm các chính sách để hạn chế người dùng mua card số lượng lớn, tránh đầu cơ tích trữ. 

Khi đã không thể nương tựa vào desktop do mức giá cao đến phi lý, laptop lại trở thành cứu cánh nhờ sự ổn định về giá cùng hiệu năng đảm bảo. Cũng chính vì vậy mà trong thời buổi làm việc từ xa, việc chọn mua laptop từ gaming tới ultrabook lại tăng cao đột biến. Nhưng như mình đã nói, chạy trời không khỏi nắng và theo những gì mình nhận được từ các ông anh làm trong ngành thì thành trì laptop rồi cũng sẽ sớm lâm nguy. 

Mua laptop mới, không bây giờ thì bao giờ?

Cụ thể thì theo thông tin mình biết được, hàng loạt các thương hiệu như ASUS, Acer,… sẽ bắt đầu tăng giá 10% cho tất cả laptop chính hãng hiện có ngay sau ngày 31/03 tới. Thậm chí ngay lúc này, cũng có một số hãng đã điều chỉnh giá máy rồi. Nguyên do là vì cơn đói chip nhớ cũng đã nghiêm trọng hơn với laptop nói chung, vốn đã kéo dài kể từ các sản phẩm sử dụng phần cứng 7nm (VD: Ryzen 4000). 

Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm như vậy gần như luôn trong tình trạng cháy hàng; từ ultrabook cho tới các sản phẩm gaming đáng chú ý. Và mọi thứ hứa hẹn sẽ còn khó khăn hơn  trong tương lai gần, với sự lên ngôi của các thế hệ CPU mới như Ryzen 5000-U hay Ryzen 5000-H. 

Chưa kể ở mảng laptop gaming, card đồ hoạ RTX 3000 Mobile cũng đang có sức hút lớn. Nhưng mình nghĩ chúng cũng sẽ không thoát khỏi vòng xoáy thiếu hụt nguyên liệu ngay được đâu. 

 Card đồ hoạ RTX 3000 Mobile trên laptop gaming đang có sức hút lớn.Ngay cả với các mẫu máy sử dụng phần cứng Intel 11th Gen, dù là “của nhà trồng” nhưng sớm thôi cũng sẽ khó thoát khỏi khan hiếm do tình trạng nguyên liệu như lúc này. Và kể cả có nhờ được các đơn vị khác (cụ thể là TSMC) giúp đỡ về nguồn cung, “đội Xanh” cũng sẽ phải xếp sau hàng hà sa số những công ty khác cũng đang gặp vấn đề tương tự. 

Nếu muốn nâng lên tiến trình 7nm? AMD vừa mới leo lên trở thành “thượng khách" của TSMC rồi. Còn xa hơn với 5nm? Mình không chắc là kẻ vào sau như Intel có thể ăn được đủ nhiều ở 20% dây chuyền mà Apple để lại. Khi đó, bế tắc vẫn hoàn bế tắc mà thôi.

 Liệu liên kết với TSMC có giúp được nhiều Intel về nguồn cung chip?Vậy nếu hàng chính hãng đã lao đao như vậy, liệu hàng xách tay có phải chịu chung số phận? Chắc chắn là có, khi các đầu phân phối cũng phải có sự điều chỉnh đề theo kịp thị trường. Điều này dẫn đến một hiện thực có phần trớ trêu: Bỏ ra số tiền lớn hơn thường lệ, nhưng vẫn phải giữ nguyên mức rủi ro hiện có khi mua hàng xách tay nói chung. 

Tất nhiên, chính sách bảo hành tốt xấu vẫn là tuỳ cửa hàng bán mà thôi. Nhưng phải bỏ ra nhiều tiền hơn mà không thể nhận được hậu mãi tăng theo tỉ lệ thuận, đó hẳn sẽ là câu chuyện không dễ chịu gì. 

Tạm kết

Nhìn chung với tình hình hiện tại về nguyên vật liệu, nguồn cung sản phẩm và hàng tá yếu tố khác; người dùng công nghệ đang bị đặt ở điểm cuối trong một chuỗi domino thị trường đầy khắc nghiệt. Và khoảnh khắc quân cờ cuối cùng mang tên “Giá thành” đổ lên đầu chúng ta, đó cũng là lúc mọi thứ sẽ trở nên thực sự tệ. Chưa kể tình hình dịch bệnh vẫn luôn là khó lường, liệu  bao giờ chúng ta mới thoát khỏi vòng xoáy cung – cầu – giá ngặt nghèo này? 

Và mặc dù theo báo chí phải đến Quý II năm nay mọi thứ mới đáng lo; nhưng với những gì mình chia sẻ thì thực sự, bánh răng đã khớp, vòng xoay đã bắt đầu. Vậy nên nếu có nhu cầu sắm sửa một chiếc laptop để tính kế lâu dài; hoặc là lúc này, hoặc là lúc sau… với giá mua không dễ chịu cho lắm. 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập