Sơ lược về DLSS - Gia vị cho trải nghiệm Ray Tracing mượt mà

Công Minh
3 năm trước
Cập nhật 3 năm trước
Nếu là người đang sở hữu các cấu hình sử dụng card đồ hoạ RTX (hoặc AMD FSR về sau), đây sẽ là bài viết mà anh em không muốn bỏ lỡ đâu.

Mặc dù đã tồn tại khá lâu nhưng phải đến thời gian gần đây - cụ thể là từ đầu năm 2020 trở lại, DLSS mới thực sự được coi trọng và sử dụng rộng rãi hơn bởi người dùng. Đặc biệt với những ai yêu thích kỹ thuật Dò tia (hay Ray Tracing), thuật toán này sẽ là thứ không thể thiếu để đem lại một trải nghiệm cân bằng giữa đồ hoạ và tốc độ khung hình. Mới đầu năm nay thôi, hàng loạt tựa game lớn cũng đã được công bố hỗ trợ DLSS, chứng tỏ tầm quan trọng của công nghệ này cũng đã được xem trọng ra sao bởi các nhà phát hành lẫn NVIDIA ở thời điểm hiện tại. 

Vậy rốt cuộc thì DLSS là gì? Hoạt động ra sao? Công dụng to lớn đến đâu mà lại được coi trọng như vậy? Hãy cùng tìm câu trả lời cho tất cả những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé.

Trên thực tế thì bên cạnh có lợi cho trải nghiệm game, DLSS cũng được NVIDIA quảng bá cho nhiều mục đích khác liên quan đến đồ hoạ kỹ thuật. Nhưng trong khuôn khổ bài viết thì mối quan hệ giữa DLSS và game sẽ được nhấn mạnh hơn, vì đó cũng là thứ sẽ phổ biến và được nhiều anh em quan tâm hơn ở thời điểm hiện tại.  

DLSS là gì? 

Về cơ bản thì DLSS (hay Deep Learning Super Sampling) là một thuật toán kết xuất video tiên tiến được NVIDIA đưa lên các dòng card đồ hoạ RTX, giúp trải nghiệm game của chúng ta được tối ưu ở cả chất lượng hiển thị lẫn tốc độ khung hình. Khi bât DLSS, hình ảnh trong game sẽ được render với độ phân giải thấp hơn so với thiết lập gốc trong, nhưng vẫn đảm bảo về độ sắc nét do các pixel trống đã được AI tự động lấp đầy. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ vừa có đồ họa ổn - thường sẽ hữu ích với các hiệu ứng phức tạp như Ray Tracing, vừa có tốc độ khung hình cải thiện rất nhiều so với lúc chưa bật DLSS.  

DLSS được xem là cái tên thay thế cho một số kỹ thuật khử răng cưa cơ bản trong quá khứ, bao gồm cả Temporal Anti-Aliasing (hay Khử răng cưa Tạm thời - TAA) – một trong những giải pháp phổ biến nhất trong làng game PC, Mobile, v.v. Nếu chưa biết về Khử răng cưa hay các thuật ngữ liên quan như Temporal Anti-Aliasing ở trên, anh em có thể tham khảo bài viết này nhé. 

Theo NVIDIA, với phiên bản phổ biến nhất của DLSS là 2.0, anh em sẽ có thể cải thiện tốc độ khung hình (hay FPS) trong game từ 200 – 300%. DLSS 1.0 thì dù không hiệu quả đến vậy (thậm chí còn bị chỉ trích sự thiếu ổn định), nhưng cũng từng được đội Xanh khẳng định chất lượng với 70% FPS cộng thêm. 

Các loại DLSS hiện thời 

DLSS đời đầu, hay DLSS 1.0, đã có màn ra mắt cộng đồng game thủ vào khoảng năm 2018 với nhiều điều hứa hẹn liên quan đến trải nghiệm game. Nhưng đáng tiếc đây lại là phiên bản không quá được đón nhận, chủ yếu do sự thiếu ổn định cũng như phải chịu nhiều giới hạn trong các một số sản phẩm bom tấn. Ví dụ như với Battlefield V, DLSS 1.0 chỉ có thể được bật khi game ở độ phân giải 4K, thay vì ngay từ FHD hay thậm chí là 2K để tối ưu cho game thủ. 

Được ra mắt kể từ Tháng 03/2020, DLSS 2.0 đang là phiên bản phổ biến nhất của công nghệ này trên các tựa game hiện thời – chủ yếu nhờ sự hiệu suất ấn tượng và ổn định hơn đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm. DLSS 2.0 trên thực tế có thể mạnh mẽ gấp đôi DLSS 1.0, với chất lượng hình ảnh cao hơn cùng mức khung hình vượt trội – có thể lên đến 2-3 lần với nhiều tựa game chạy ở thiết lập 4K Performance. Ngoài ra, DLSS 2.0 cũng cho phép lựa chọn giữa nhiều chế độ chất lượng là Quality, Balanced và Performance – giúp trải nghiệm game cũng trở nên đa dạng hơn. 

Vào tháng 09/2020, NVIDIA ra mắt DLSS 2.1 với chế độ mới Ultra Performance – hướng tới nhu cầu gaming phân giải cao và trải nghiệm thực tế ảo (Virtual Reality). DLSS 2.1 nhiều khi vẫn được nhắc đến với cùng cái tên “DLSS 2.0”. 

DLSS hoạt động như thế nào? 

Thực ra thì nếu chỉ dừng lại ở phần đầu tiên, anh em cũng đã cơ bản nắm được cơ chế hoạt động của DLSS rồi. Nhưng nếu muốn hiểu sâu hơn nữa, biết được những khác biệt giữa DLSS 1.0 và 2.0 thì... mời anh em đọc tiếp phần dưới. 

Với DLSS 1.0, NVIDIA sẽ thiết lập một mang lưới AI sử dụng siêu máy tính của mình là NGX. Mạng lưới này sau đó sẽ được cho xem một loạt hình ảnh trước và sau khi sử dụng khử răng cưa x64, và nhiệm vụ của nó sẽ là học cách để render với chất lượng “tiệm cận x64”. “Quá trình này sẽ được lặp lại rất nhiều lần, và AI sẽ tự điều chỉnh thuật toán để cho ra thành quả cuối cùng. Những vấn đề như ghosting, mờ hình,.. như khi dùng TAA cũng sẽ được tránh bởi DLSS” – NVIDIA giải thích như trên vào năm 2018. 

Ngoài ra, một số kỹ thuật như “Phản hồi Tạm thời” (hay Temporal Feedback) cũng được áp dụng cùng DLSS, cốt để giúp độ sắc nét của hình ảnh trong game có thể duy trì ổn định qua từng khung hình. Temporal Feedback là quá trình áp dụng các véc-tơ chuyển động (Motion Vector) – vốn được dùng để mô tả hướng di chuyển của vật thể trong khung hình – với độ phân giải hơn hoặc ngang thiết lập gốc, giúp hệ thống đảm bảo sẵn sàng cho sự xuất hiện của khung hình tiếp theo. 

Còn với phiên bản 2.0, tốc độ xử lý của DLSS đã tăng lên đáng kể nhờ những nâng cấp dành cho mạng lưới AI. Điều này giúp nó tận dụng Tensor Core hiệu quả hơn, nâng cao FPS và loại bỏ các giới hạn liên quan tới GPU, Settings và độ phân giải. NVIDIA cho biết rằng DLSS 2.0 chỉ cần render 25-50% lượng pixel ban đầu (thậm chí là 11% với DLSS 2.1 ở chế độ Ultra Perfromance), và sẽ đi kèm Temporal Feedback kiểu mới để tăng mạnh độ sắc nét và ổn định. 

Siêu máy tính NGX vẫn sẽ đào tạo hệ thống AI của DLSS 2.0, nhưng sẽ đổi cách “dạy” nó render hình ảnh so với trước kia. Thay vì cung cấp song song các khung hình đã và chưa khử răng cưa như DLSS 1.0, NGX sẽ đưa cho mạng lưới AI này “một loạt khung hình phân giải thấp, đã khử răng cưa”, cùng các véc-tơ chuyển động của chúng để phục vụ Temporal Feedback. 

Dựa vào những khung hình phân giải thấp, AI của DLSS 2.0 sẽ tự so sánh chúng với một khung hình trước đó với độ phân giải cao (có thể lên tới 16K – 15360 x 8640), “mổ xẻ từng pixel giữa cả hai để học được cách render tối ưu nhất” – NVIDIA giải thích. Quá trình này cũng sẽ được NGX lặp lại hàng ngàn lần để cho đến khi ra kết quả cuối cùng. 

Với cả DLSS 1.0 và 2.0, chúng sẽ được đào tạo theo quy trình trên mỗi khi có một tựa game hỗ trợ công nghệ này ra mắt. Sau khi học hỏi xong, những phiên bản AI sẽ được siêu máy tính gửi tới các sản phẩm card đồ hoạ thông qua NVIDIA Game Ready Driver. Đó là lý do vì sao khi đọc patch note (Ghi chú Cập nhật) của các driver, thỉnh thoảng anh em sẽ thấy vài dòng như “Hỗ trợ Cyberpunk 2077”, “Hỗ trợ Assassin’s Creed Valhalla”, v.v. Đại loại vậy. 

Làm sao để trải nghiệm DLSS trong game? 

Để trải nghiệm DLSS ở thời điểm hiện tại, anh em sẽ cần có PC được trang bị card đồ hoạ từ RTX 2000 trở lên. Nhưng trong tương lai thì công nghệ này có thể còn xuất hiện trên nhiều thiết bị, và Nintendo Switch mới đang là cái tên sáng giá - với việc khả năng cao sẽ tiếp tục gắn bó với phần cứng NVDIA Tegra. Ngoài ra thì bên kia chiến tuyến, “đội Đỏ” AMD cũng được cho là đang phát triển AMD FidelityFX Super Resolution (FSR) – một kỹ thuật kết xuất video với cơ chế tương tự dự kiến ra mắt ngay trong năm nay. 

Sau đó, game mà anh em đang chơi cũng sẽ cần nằm trong danh sách dưới đây (được cập nhật tính đến thời điểm bài viết lên sóng). Hiện tại thì số lượng vẫn còn chưa quá nhiều, nhưng nó hứa hẹn sẽ có tăng tiến mạnh mẽ trong tương lai gần – nhất là khi FSR có vẻ cũng đã cận kề ngày lộ diện. 

Danh sách các game đã ra mắt hỗ trợ DLSS 2.0 / DLSS 2.1: 

  • Anthem
  • Battlefield V
  • Bright Memory
  • Call of Duty: Black Ops Cold War
  • Call of Duty: Modern Warfare
  • Call of Duty: Warzone
  • Control
  • CRSED: F.O.A.D. (Formerly Cuisine Royale)
  • Crysis Remastered
  • Cyberpunk 2077
  • Death Stranding
  • Deliver Us the Moon
  • Edge of Eternity
  • Enlisted
  • F1 2020
  • Final Fantasy XV
  • Fortnite
  • Ghostrunner
  • Gu Jian Qi Tan Online
  • Iron Conflict
  • Justice
  • Marvel's Avengers
  • MechWarrior 5: Mercenaries
  • Metro Exodus
  • Metro Exodus PC Enhanced Edition
  • Minecraft With RTX For Windows 10
  • Monster Hunter: World
  • Moonlight Blade
  • Mortal Shell
  • Mount & Blade II: Bannerlord
  • Nioh 2 - The Complete Edition
  • Outriders
  • Pumpkin Jack
  • Shadow of the Tomb Raider
  • System Shock
  • The Fabled Woods
  • The Medium
  • War Thunder
  • Watch Dogs: Legion
  • Wolfenstein: Youngblood
  • Xuan-Yuan Sword VII 

Về cơ bản thì đó là một chút thông tin về DLSS mà anh em cần biết: Cơ chế hoạt động, chủng loại, lợi ích cho trải nghiệm game của chúng ta và hơn thế nữa. Anh em có hay dùng DLSS trong game không? Trải nghiệm thu được có thực sự hữu ích như NVIDIA nói? Hãy cùng chia sẻ với ThinkView nhé.

Theo Tom's Hardware và NVIDIA 

Thảo luận
Tham gia thảo luận văn minh cùng anh em ThinkView
Đăng nhập